Ukrainska Pravda đưa tin, phát biểu tại sự kiện Quỹ Marshall của Đức vào ngày 19/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố “cách nhanh nhất để kết thúc cuộc chiến là thua cuộc”, nhưng lưu ý rằng điều này không dẫn tới hòa bình mà là sự kiểm soát của Nga.
"Hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng ông ấy có thể đạt được mục tiêu của mình trên chiến trường. Ông ấy tin rằng có thể chờ đợi chúng ta. Đó là lý do tại sao ông ấy tiếp tục tiến hành cuộc chiến. Tôi không tin rằng chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của ông Putin. Nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể thay đổi tính toán của ông ấy," ông Stoltenberg nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters |
Theo người đứng đầu NATO, để đạt được mục tiêu này, phương Tây cần phải cung cấp cho Kiev nhiều vũ khí nhất có thể để khiến Moscow từ bỏ ý tưởng kiểm soát lãnh thổ Ukraine bằng quân sự.
“Nghịch lý là chúng ta càng có thể cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine, thì khả năng chúng ta đạt được hòa bình và chấm dứt chiến tranh càng cao. Sự hỗ trợ quân sự lâu dài của chúng ta càng đáng tin cậy thì cuộc chiến sẽ kết thúc càng sớm,” ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Cũng trong phát biểu của mình, ông Stoltenberg tiếp tục khẳng định tuyên bố trước đây của mình, rằng “không thể có an ninh lâu dài cho Ukraine nếu không có tư cách thành viên NATO”. “Cánh cửa NATO đang mở. Ukraine sẽ gia nhập khối,” ông nêu rõ.
Phát biểu của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg được đưa ra không lâu sau khi ông cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ FAS của Đức hôm 14/9 rằng, NATO vốn đã có thể làm nhiều hơn để cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm ngăn chặn cuộc xung đột bùng phát vào năm 2022. Trong đó, ông chỉ ra rằng khối quân sự đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev, vì lo ngại sẽ leo thang căng thẳng với Nga.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với FAS, ông Stoltenberg nói rằng cuộc chiến ở Ukraine chỉ có thể chấm dứt thông qua bàn đàm phán. “Để chấm dứt cuộc chiến này, sẽ phải có cuộc đối thoại lại với Nga ở một giai đoạn nhất định. Nhưng điều này phải dựa trên sức mạnh của Ukraine,” ông cho hay.
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh LBC của Anh ngày 16/9, người đứng đầu NATO quyên bố rằng các thành viên trong khối quân sự có thể tự đưa ra quyết định về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.
Nga chưa bình luận về các tuyên bố của Tổng thư ký NATO.
Nga đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí quân sự cho Ukraine sẽ không góp phần khiến xung đột kết thúc, mà là đang khiến những nước này trở thành những bên tham gia trực tiếp vào cuộc đối đầu với Moscow.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã kêu gọi các đồng minh cho phép Kiev sử dụng các vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh, để tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/9 đã cảnh báo động thái dỡ bỏ hạn chế vũ khí của phương Tây sẽ đồng nghĩa với việc “các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine”. Nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố rằng Moscow sẽ “đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đang phải đối mặt”, nhưng không nêu rõ những biện pháp đó có thể là gì.