Cuộc tấn công diễn ra như thế nào?
Ngày 27/11, một liên minh các lực lượng đối lập ở Syria đã phát động một cuộc tấn công lớn chống lại các lực lượng ủng hộ chính phủ. Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra ở tiền tuyến giữa tỉnh Idlib do phe đối lập kiểm soát và tỉnh Aleppo lân cận. Chỉ 3 ngày sau, phe chống chính phủ đã kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.
Phiến quân chống chính phủ lái xe quân sự dọc theo một con đường ở phía đông tỉnh Aleppo, ngày 1/12. Ảnh: AFP |
Đến ngày 4/12, quân chính phủ thừa nhận mất Hama, thành phố lớn thứ tư của Syria và có vị trí chiến lược. Ngay sau đó, phiến quân đối lập áp sát Homs, thành phố lớn thứ ba Syria và điểm chốt trên tuyến đường nối giữa thủ đô Damascus với các tỉnh Latakia và Tartus, nơi đặt căn cứ chủ chốt của Nga.
Ngày 7/12, phiến quân đã chiếm toàn bộ tỉnh Daraa, miền nam Syria sau khi đạt thỏa thuận cho phép quân chính phủ rút lui an toàn khỏi thủ phủ Daraa để trở về Damascus.
Rạng sáng 8/12, các tay súng tiến vào Damascus và kiểm soát toàn bộ thủ đô chỉ sau vài giờ. Sau các cuộc đàm phán nội bộ để chuyển giao quyền lực hòa bình với phe chống chính phủ, Tổng thống al-Assad đã từ chức và chạy trốn khỏi đất nước.
Các chiến binh phiến quân ăn mừng sau khi tuyên bố thủ đô Damascus đã được "giải phóng", ngày 8/12. Ảnh: AP |
“Thành phố Damascus đã nằm trong tay chúng tôi. Tổng thống Bashar al-Assad đã bị lật đổ,” đại diện của liên minh phiến quân tuyên bố trên truyền hình.
Phe đối lập gồm những bên nào?
Được gọi là “Chiến dịch Răn đe xâm lược”, cuộc tấn công lật đổ chính phủ có sự tham gia của nhiều nhóm đối lập có vũ trang ở Syria, do tổ chức vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo và được các phe phái đồng minh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hỗ trợ. Trong đó, HTS do ông Abu Mohammed al-Julani là người đứng đầu, là lực lượng đối lập lớn nhất và có tổ chức nhất, đã kiểm soát tỉnh Idlib trong nhiều năm trước cuộc tấn công này.
Lãnh đạo tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Mohammad al-Jolani phát biểu tại Nhà thờ Umayyad, thủ đô Damascus, Syria, ngày 8/12. Ảnh: AFP |
Các nhóm khác tham gia bao gồm Mặt trận Quốc gia Giải phóng, Ahrar al-Sham, Jaish al-Izza, Phong trào Nour al-Din al-Zenki, cũng như các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Vì sao chính quyền Tổng thống al-Assad sụp đổ nhanh như vậy?
Syria bị cuốn vào cuộc nội chiến nhiều bên kể từ khi phong trào biểu tình "Mùa xuân Arab" bùng phát vào tháng 3/2011. Nga, Iran cùng nhóm vũ trang Hezbollah đã giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đảo ngược tình thế, giành lại kiểm soát phần lớn đất nước và đẩy phiến quân lùi về một khu vực nhỏ ở biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, sau nội chiến, Syria đã rơi vào tình trạng khủng hoảng và kiệt quệ kinh tế. Các lệnh trừng phạt của Mỹ càng làm suy yếu thêm nền kinh tế nước này, khiến GDP năm 2020 của Syria ước tính vào khoảng 11,08 tỷ USD. Từ đó, tỷ lệ công chúng ủng hộ Tổng thống al-Assad ngày càng sụt giảm.
Người dân Syria ăn mừng sự xuất hiện của các chiến binh phiến quân tại Damascus, ngày 8/12. Ảnh: CNN |
Về mặt quân sự, niềm tin của quân đội Syria cũng sụt giảm. Al Jazeera trích dẫn một số nguồn tin tiết lộ rằng các binh sĩ và cảnh sát được cho là đã bỏ vị trí, giao nộp vũ khí và bỏ chạy trước khi phe đối lập tiến công.
Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống al-Assad và quân đội Syria đang phải phụ thuộc sự hỗ trợ của Nga và Iran. Tuy nhiên, cả Nga và Iran hiện giờ đều đang đối mặt với các vấn đề khác, trong đó với Moscow là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, còn với Tehran là cuộc xung đột giữa các đồng minh Hezbollah, Hamas với Israel.
Tổng thống al-Assad đang ở đâu?
Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: CNN |
Ngày 8/12, các hãng thông tấn Nga gồm RIA Novosti và TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã rời Syria đến Moscow cùng gia đình và được cấp quyền tị nạn vì lý do nhân đạo.
“Nga luôn lên tiếng ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Chúng tôi nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian phải được nối lại,” nguồn tin nói trên cho biết.
Trong khi đó, ông Mikhail Ulyanov, Đặc phái viên của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, cho biết Mowcow ủng hộ cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. “Ông Bashar Al-Assad và gia đình đang ở Moscow. Nga không bao giờ để bạn bè của mình gặp rắc rối,” nhà ngoại giao này viết trên kênh Telegram của mình.
Tuy nhiên, hiện chính quyền Nga chưa chính thức đưa ra xác nhận về các thông tin này.
Trong khi đó, Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali vẫn ở lại trong nước, tuyên bố rằng ông sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào ủng hộ người dân và kêu gọi bảo tồn các thể chế Nhà nước “dành cho tất cả mọi người”. Hiện không rõ Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Abbas đang ở đâu.
Điều gì xảy ra tiếp theo tại Syria?
Các nhà phân tích cho rằng, sau cuộc nổi dậy lật đổ chính phủ, Syria sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro có thể xảy ra nếu các bên không hợp tác.
Trong một tuyên bố trên video, Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali cho biết, nội các của ông sẵn sàng cho quá trình chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp. “Đất nước này có thể là một quốc gia bình thường, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và thế giới. Nhưng vấn đề này tùy thuộc vào bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân Syria lựa chọn,” ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, thủ lĩnh nhóm HTS cho biết trong một tuyên bố rằng: “Các cơ quan công quyền sẽ vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali cho đến khi chính thức được bàn giao”.