Triều Tiên ngày 17/10/2024 xác nhận các tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều đã bị phá hủy hoàn toàn. Ảnh: KCNA |
Theo KCNA, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên vào ngày 15/10 đã thực hiện biện pháp cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ và đường sắt của nước này kết nối tới Hàn Quốc ở khu vực phía đông và phía tây của biên giới phía nam, như một phần của "quá trình phân chia hoàn toàn lãnh thổ của Triều Tiên khỏi lãnh thổ của Hàn Quốc”.
Hãng tin này dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết các đoạn đường bị phá hủy bằng mìn bao gồm các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60 m ở Kamho-ri, huyện Kosong, tỉnh Kangwon và các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60m ở Tongnae-ri, quận Panmun, thành phố Kaesong. Trong khi đó, Bộ Bảo vệ Đất đai và Môi trường HDCND Triều Tiên xác nhận rằng vụ nổ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái xung quanh.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng cũng khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để củng cố biên giới phía nam đã bị đóng cửa. Theo KCNA, “đây là biện pháp tất yếu và hợp pháp được thực hiện theo Hiến pháp Triều Tiên, trong đó nêu rõ Hàn Quốc là một quốc gia thù địch”.
Về phía Hàn Quốc, Bộ Thống nhất nước này lên án việc Triều Tiên coi Hàn Quốc là một quốc gia thù địch trong hiến pháp và gọi đây là "hành động chống thống nhất, chống quốc gia". Bộ này cho biết chính phủ Hàn Quốc sẽ phản ứng với mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên và kiên định thúc đẩy thống nhất hai miền một cách hòa bình dựa trên nguyên tắc cơ bản là tự do và dân chủ.
Triều tiên phá hủy một đoạn đường sắt liên Triều ngày 15/10/2024. Ảnh: KCNA |
Quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã rơi xuống mức thấp trong nhiều năm, đặc biệt là trong bối cảnh Triều Tiên hủy bỏ các chính sách và cơ chế liên quan tới hòa giải và Hàn Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và các biện pháp răn đe.
Trước đó hồi tháng 1 đầu năm, Triều Tiên trong khuôn khổ phiên họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA) lần thứ 14 đã đưa ra tuyên bố bãi bỏ các cơ quan phụ trách đối thoại và hợp tác với Hàn Quốc.
Tuyên bố cho biết việc thống nhất với Hàn Quốc không thể đạt được do nước này áp dụng các chính sách “thống nhất thể chế” và “thống nhất thông qua hấp thụ” trong gần 80 năm qua – các chính sách đi ngược lại đường lối thống nhất của Triều Tiên.
SPA nhận định việc coi Hàn Quốc là đối tác ngoại giao và hòa giải là “một sai lầm nghiêm trọng”, đặc biệt là khi Seoul coi Bình Nhưỡng là “kẻ thù chính” trong khi “liên tục tạo ra cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát trên bán đảo Triều Tiên cùng với các thế lực bên ngoài”.
Phát biểu tại phiên họp, ông Kim Jong Un – Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên – cũng nhận định “quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hiện đã hoàn toàn được cố định thành quan hệ giữa hai quốc gia thù địch”. Do đó, việc nước này xây dựng lập trường mới về mối quan hệ Bắc – Nam cũng như việc bãi bỏ một số cơ quan được thành lập với tư cách là cơ quan vì thống nhất hòa bình là “một quá trình tất yếu”.
Về phía Hàn Quốc, nước này ngày 4/6 tuyên bố đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều vào năm 2018 với Triều Tiên, cũng như nối lại các hoạt động quân sự dọc khu vực biên giới.
Được ký vào ngày 19/9/2018, Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) bao gồm việc kêu gọi hai bên dừng mọi hoạt động quân sự thù địch, thiết lập vùng đệm trên đất liền, biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình và nhiều biện pháp khác. CMA cũng chỉ định các khu vực cấm bay gần biên giới để ngăn chặn các cuộc đụng độ máy bay.
Hàn Quốc lên án việc Triều Tiên coi nước này là một quốc gia thù địch. Ảnh: KCNA |