Theo hãng thông tấn KCNA, cuộc phóng thử ICBM được tiến hành vào sáng 31/10 (giờ địa phương) nhằm thể hiện quyết tâm của Triều Tiên trong việc đáp trả các động thái của kẻ thù đe dọa an toàn nước này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhận định: "Cuộc phóng thử tên lửa là một hành động quân sự phù hợp, hoàn toàn đáp ứng mục đích thông báo cho các đối thủ về khả năng phản công của Triều Tiên".
Cùng ngày, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo, Triều Tiên có thể đã thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo tầm xa mới, sử dụng nhiên liệu rắn. Các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn dễ di chuyển và có tốc độ phóng nhanh hơn so với các loại sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa đã được phóng từ Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên theo một góc dốc và đạt đến độ cao bất thường nhưng không bay qua Nhật Bản. Tên lửa đã hạ cánh xuống vùng biển phía Đông của bán đảo Triều Tiên, nằm giữa Triều Tiên và Nhật Bản.
“Quân đội của chúng tôi đã phát hiện một tên lửa đạn đạo phóng từ khu vực Bình Nhưỡng về phía vùng biển phía đông vào khoảng 7h10 sáng 31/10. Tên lửa đạn đạo này được cho là tên lửa tầm xa phóng ở góc cao," phát ngôn viên JCS là ông Lee Sung Joon cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ước tính, thời gian bay của tên lửa là 86 phút và độ cao tối đa đạt 7.000 km, vượt qua các lần thử nghiệm tên lửa trước đó của Triều Tiên. Các thông số về vụ phóng lần này vượt trội so với các lần phóng tên lửa trước nhưng không nêu chi tiết về sự khác biệt.
Thông thường Triều Tiên thử nghiệm những loại tên lửa tầm xa bậc nhất và phóng theo chiều thẳng đứng, thay vì phóng theo chiều ngang, nhằm hạn chế khả năng tên lửa bay qua lãnh thổ các nước láng giềng.
Đây là cuộc thử nghiệm vũ khí đầu tiên của lãnh đạo Kim Jong Un kể từ khi Triều Tiên bị cáo buộc gửi quân đến Nga. Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Nga, đồng thời cảnh báo rằng các binh sĩ Triều Tiên mặc đồng phục Nga đang tiến về Ukraine, có khả năng tham gia hỗ trợ lực lượng Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được Triều Tiên phóng trong một cuộc tập trận hồi tháng 12/2023. |
Theo AP, ông Sean Savett, phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ gọi vụ phóng này là “sự vi phạm” nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực và cho biết thêm, Mỹ sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hàn Quốc và Nhật Bản đều lên án vụ phóng của Triều Tiên vì đe dọa hòa bình quốc tế và cả hai nước đều đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ về vụ thử nghiệm vũ khí mới nhất của Triều Tiên. Phát ngôn viên JCS Lee Sung Joon cho biết, Hàn Quốc và Mỹ có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Cùng với đó, Hàn Quốc và Mỹ sẽ phối hợp với Nhật Bản để tổ chức các cuộc tập trận ba bên, giúp tăng cường sức mạnh phòng thủ của ba nước.
Trước đó, ngày 30/10, Cơ quan tình báo quân sự Hàn Quốc nói rằng, Triều Tiên sắp tiến hành các cuộc thử nghiệm phóng tên lửa tầm xa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tuần tới (5/11). Lần gần nhất Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 12/2023, khi nước này phóng tên lửa Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn.