Người dân cầu nguyện cho sự an toàn của Tổng thống Iran sau khi trực thăng chở ông cùng một số quan chức khác gặp nạn ngày 19/5/2024. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin AP dẫn lời hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA, chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất đang chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan của Iran cùng các quan chức và vệ sĩ khác thì gặp nạn ngày 19/5. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh ông Raisi đang trên đường trở về sau chuyến đi tới biên giới Iran và Azerbaijan vào cùng ngày để khánh thành một con đập với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.
Các nhà chức trách chưa công bố thông tin cụ thể về vụ tai nạn hay nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn, tuy nhiên chiếc trực thăng được cho là đã rơi hoặc hạ cánh khẩn cấp xuống khu vực rừng Dizmar giữa các thành phố Varzaqan và Jolfa ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran, gần biên giới với Azerbaijan.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi cho biết chiếc trực thăng “buộc phải hạ cánh do thời tiết xấu và sương mù”. Tính tới hiện tại, các nhà chức trách vẫn chưa thể xác nhận liệu ông Raisi cùng các quan chức khác còn sống sót sau vụ việc hay không.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Iran giấu tên cho biết tính mạng của Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian "đang gặp nguy hiểm sau vụ tai nạn máy bay trực thăng". Người này chia sẻ rằng: “Chúng tôi vẫn còn hy vọng nhưng thông tin từ hiện trường vụ tai nạn rất đáng lo ngại”.
Trên thực tế, IRNA dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran, Pir-Hossein Koulivand, cho biết 40 đội tìm kiếm đã có mặt tại khu vực này bất chấp “điều kiện thời tiết khó khăn”. Ông Koulivand khẳng định việc tìm kiếm đang được các đội trên mặt đất thực hiện vì “điều kiện thời tiết khiến việc tìm kiếm trên không bằng máy bay không người lái không thể thực hiện được”.
Đầu giờ ngày 20/5, đài truyền hình quốc gia Iran cho thấy một đội cứu hộ, mặc áo khoác sáng màu và đội đèn pin, tụ tập xung quanh một thiết bị GPS khi họ đi bộ tìm kiếm một sườn núi tối đen giữa một trận bão tuyết.
Truyền thông nhà nước dẫn lời một chỉ huy quân đội khu vực cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm kỹ lưỡng từng centimet tại khu vực xảy ra vụ tai nạn. Khu vực này có điều kiện thời tiết rất lạnh, mưa và sương mù. Mưa đang dần biến thành tuyết". Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran đã ra lệnh sử dụng mọi nguồn lực của quân đội và lực lượng Vệ binh Cách mạng cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Tính tới hiện tại, các thông tin được công bố về vụ tai nạn vẫn rất ít. Hãng tin Anadolu ngày 20/5 cho biết trên mạng xã hội X rằng một máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định được nguồn nhiệt nghi là mảnh vỡ của chiếc trực thăng và đã chia sẻ tọa độ của địa điểm có thể xảy ra vụ tai nạn với chính quyền Iran.
Vụ việc xảy ra với Tổng thống Iran đã gây ra nhiều bất ngờ và lo ngại đối với công chúng. Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người nắm quyền lực tối cao với tiếng nói cuối cùng về chính sách đối ngoại và chương trình hạt nhân của Iran, đã lên tiếng trấn an người dân Iran khi khẳng định rằng các vấn đề quốc gia sẽ không bị gián đoạn.
Ngay sau khi thông tin về vụ việc được công bố, các nước láng giềng với Iran đã bày tỏ sự quan ngại, đồng thời đưa ra các lời đề nghị hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về vụ tai nạn trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã cử một máy bay không người lái, một trực thăng, các phương tiện và một đội cứu hộ theo yêu cầu của chính quyền Iran. Liên minh châu Âu cũng tiến hành cung cấp công nghệ lập bản đồ vệ tinh khẩn cấp cho Iran để trợ giúp quá trình giải cứu.
Tổng thống Azerbaijan Aliyev cho biết ông “quan ngại sâu sắc” khi biết tin về vụ việc, đồng thời khẳng định Azerbaijan sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết. Trong khi đó, chính phủ Saudi Arabia cũng bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh luôn “sát cánh cùng Iran trong hoàn cảnh khó khăn này”.