Vụ việc khinh khí cầu tạo ra căng thẳng ngoại giao trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
"Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ ngừng đàn áp vô lý các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc", Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố, theo Reuters.
Trước đó, Mỹ hôm 10/2 đã thêm 6 thực thể Trung Quốc được cho là có liên quan đến chương trình khinh khí cầu nghi là "do thám" của Bắc Kinh vào danh sách đen.
Hải quân Mỹ trục vớt khinh khí cầu ngoài khơi Nam Carolina, ngày 5/2. Ảnh: Twitter/USFleetForces |
Các thực thể trên bao gồm Viện nghiên cứu 48 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, các công ty công nghệ hàng không vũ trụ Nanjiang Bắc Kinh, Công nghệ Viễn thám Dongguan Lingkong, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Eagles Men, Công nghệ Hàng không Tian-Hai-Xiang Quảng Châu và Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Shanxi Eagles Men.
Việc bị thêm vào danh sách đen sẽ khiến các công ty và viện nghiên cứu nói trên trên khó nhập hàng hóa công nghệ của Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Don Graves hôm 11/2 tuyên bố trên Twitter rằng các bộ phận của ông “sẽ không ngần ngại tiếp tục sử dụng” các hạn chế như vậy, cũng như các công cụ thực thi và quản lý khác “để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của Mỹ”.
Trong một diễn biến khác, quân đội Mỹ ngày 13/2 cho biết các đội tìm kiếm đã thu thập được lượng đáng kể các mảnh vỡ từ chiếc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ vào hôm 4/2, bao gồm các bộ phận cảm biến, thiết bị điện tử được xác định cũng như các phần lớn của linh kiện. Quan chức Washington cho biết các mảnh vỡ khí cầu sẽ được bàn giao cho các chuyên gia tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để điều tra thêm.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Washington hôm 4/2 tuyên bố bắn hạ khinh khí cầu nghi là thiết bị do thám của Bắc Kinh – vật thể đã bay qua không phận nước này. Washington cho rằng khinh khí cầu có thể đe dọa đến chủ quyền và an ninh của nước này, đồng thời hoãn chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu này là một phương tiện nghiên cứu khí tượng dân sự bay lạc và cho rằng Washington có phản ứng thái quá. Hôm 13/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc khinh khí cầu tầm cao của Mỹ đã bay qua không phận nước này mà không được cho phép hơn 10 lần kể từ đầu năm 2022.