Công tác truyền thông chính sách được Chính phủ hết sức quan tâm trong thời gian qua. Trước Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407), do Bộ Tư pháp chủ trì.
Mekong ASEAN đã có cuộc trò chuyện với TS Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) về vấn đề này.
Mekong ASEAN: Sau một năm triển khai Đề án 407, xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác tổ chức truyền thông chính sách?
TS Lê Vệ Quốc: Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy tất cả các bộ ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao sau một năm triển khai thực hiện Đề án 407. Đặc biệt là các bộ, ngành đang chủ trì soạn thảo các dự án Luật. Như Bộ TN&MT với Luật Đất đai sửa đổi, Bộ Y tế với Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, Bộ Văn hoá với Luật Di sản sửa đổi...
Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp được giao, các bộ, ngành đã chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời thực hiện tương đối đồng bộ các giải pháp căn cơ để truyền thông. Ngoài việc chủ động tự truyền thông, các bộ, ngành còn phối kết hợp các cơ quan thông tấn báo chí để đưa các nội dung trong dự thảo ra cuộc sống, đến với người dân một cách rộng rãi, công khai, minh bạch. Có cách thức tiếp nhận lại các phản hồi, phản biện, ý kiến trao đổi, qua đó làm căn cứ, cơ sở để hoàn thiện các chính sách pháp luật.
Các cơ quan soạn thảo đã cử đầu mối công chức để phối kết hợp với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin cũng như phối hợp tổ chức truyền thông; dành nguồn lực về tài chính, con người, huy động lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào quá trình hoạch định, cho ý kiến các nội dung chính sách...
Như dự án Luật Đất đai sửa đổi, chúng tôi nhìn thấy rất rõ việc phối kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn, cơ sở đào tạo luật, các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lập pháp, chính sách công; qua đó phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của đông đảo thành phần. Từng ngày, từng bước, dự án luật đã được cắt gọt, chỉnh sửa phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi ban hành.
Tóm lại, các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong đề án 407 đã được các bộ, ban ngành địa phương triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc, đưa lại những hiệu quả tích cực. Rõ ràng, việc rộng đường dư luận trong các dự thảo chính sách đang được hoạch định đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo triển khai thực hiện ngày càng bài bản, nề nếp, lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền dân chủ của người dân ngày càng tốt hơn, theo phương châm “dân biết, bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tuy nhiên nhìn vào thực tế, còn đó những hạn chế nhất định. Đội ngũ công chức làm đầu mối của các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách ở một số bộ ban ngành đã bố trí, nhưng chưa thực sự quan tâm đến năng lực chuyên môn.
Các bộ ngành còn chưa có sự phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, chặt chẽ trong việc tổ chức xây dựng các tài liệu, triển khai tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đội ngũ những người làm công tác báo chí, phóng viên, biên tập viên; giúp họ có kỹ năng truyền thông chính sách, bên cạnh kỹ năng tác nghiệp báo chí.
Việc huy lực nguồn lực từ xã hội cũng chưa được thực hiện triệt để và có hiệu quả, vẫn còn có doanh nghiệp, nhiều nhà khoa học, cơ sở đào tạo nghiên cứu đề nghị Chính phủ có những chỉ đạo toàn diện, cụ thể, quyết liệt để họ có điều kiện tham gia thực chất, có hiệu quả hơn trong quá trình hoạch định chính sách.
Mekong ASEAN: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân, được Bộ TN&MT chú trọng truyền thông thời gian qua. Ông có góp ý gì thêm về công tác truyền thông để dự thảo luật này mang lại chất lượng cao nhất khi được thông qua?
TS Lê Vệ Quốc: Với công tác truyền thông cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Bộ TN&MT đã có những cách làm đổi mới, hướng tới thực chất hiệu quả để mọi tầng lớp nhân dân được tiếp cận; thông qua việc kết nối với báo chí, các cơ sở đào tạo, các chuyên gia nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên nhìn thật sâu, tôi vẫn thấy có những vấn đề cần phải trao đổi thêm.
Đầu tiên phải nói đến quá trình xây dựng luật, từ soạn thảo ban đầu đến lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, hoàn thiện nội dung, tiếp tục xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền vẫn chưa thực sự bài bản. Những ý kiến có được tiếp thu hay không, tiếp thu ở nội dung nào, ở chừng mực nào... đều chưa được công bố rộng rãi. Nếu có thì chỉ được công khai ở một số diễn đàn, tọa đàm, hội nghị chứ người dân gần như chưa được tiếp cận đầy đủ.
Còn có đâu đó có cách làm máy móc, hình thức, tạo nên sự phản cảm cho truyền thông chính sách. Như câu chuyện tổ chức lấy ý kiến của các em nhỏ về dự án Luật Đất đai, một việc khó khả thi, xa rời với nhận thức, hiểu biết của các em. Thay bằng như vậy, cơ quan soạn thảo nên tập trung lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như doanh nghiệp bất động sản, người nông dân, người đang sử dụng đất... Không chỉ lấy ý kiến một lần mà nhiều lần, và sau mỗi lần cần có ý kiến trả lời rằng ý kiến của họ có được tiếp thu, sửa đổi hay không.
Nguồn lực truyền thông cũng là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là cơ chế về tài chính để các cơ quan thông tấn báo chí tham gia đồng hành cùng các cơ quan soạn thảo, vẫn đang có sự vướng mắc, cách thức áp dụng chưa đồng bộ, cụ thể, rõ ràng. Các cơ quan thông tấn báo chí bên cạnh trách nhiệm chính trị xã hội thì cũng phải có cơ chế đảm bảo tài chính, kinh tế báo chí, như vậy họ mới thực hiện được toàn diện, sâu sắc trách nhiệm của mình.
Mekong ASEAN: Vậy vấn đề kinh phí truyền thông chính sách cho cơ quan báo chí sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
TS Lê Vệ Quốc: Chúng tôi vừa qua có trao đổi bước đầu với Bộ TT&TT. Đại diện lãnh đạo Cục Báo chí cũng có chia sẻ rằng sẽ xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách hiện hành về cơ chế tài chính dành cho báo chí trong quá trình truyền thông chính sách.
Về pháp lý, các cơ quan chủ trì soạn thảo hiện có thể căn cứ vào Nghị định 32 để đặt hàng các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách, từ đó tạo nguồn lực cho họ tác nghiệp. Tuy nhiên rõ ràng là vẫn có những vướng mắc, nên việc đặt hàng hiện vẫn chưa được triển khai một cách đồng bộ, làm thoả mãn tất cả các bên.
Thời gian tới, các bộ ngành liên quan, chủ trì là Bộ TT&TT sẽ xem xét lại các cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành về cơ chế tài chính đảm bảo cho công tác báo chí. Chúng tôi cũng sẽ có cách thức phối hợp với Bộ TT&TT đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan thông tấn báo chí.
Mekong ASEAN: Các chính sách pháp luật thường được cho là khô cứng. Vậy theo ông, công tác truyền thông cần đổi mới như thế nào để chính sách sớm “thẩm thấu” vào cuộc sống người dân, doanh nghiệp?
TS Lê Vệ Quốc: Theo tôi thì bản chất chính sách pháp luật không hề khô cứng, vì nó chính là cuộc sống muôn hình muôn vẻ, đa dạng và sinh động. Khi chúng ta tổ chức truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật phải cố gắng bám sát nhu cầu thực tiễn, mong muốn của người dân. Nếu được như vậy thì tôi tin các chính sách sẽ đi vào cuộc sống nhanh chóng.
Về cách thức, thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, theo tôi việc tổ chức truyền thông phải đa dạng, phong phú, với nhiều hình thức. Như xây dựng thành các video clip có tính chất tiểu phẩm, sử dụng hình ảnh trực quan sinh động sơ đồ hoá ý tưởng cần truyền tải để người dân nhìn có thể hiểu được ngay điều đó nói lên cái gì, hướng đến đối tượng nào, cách thức thực hiện ra sao.
Đồng thời, các cơ quan phải biết huy động mạng xã hội, là nền tảng mà người dân, doanh nghiệp thường sử dụng, tương tác. Như thiết lập thành các nhóm zalo kết nối, ngay những người nông dân trên đồng ruộng có thể tham gia để cập nhật các chính sách pháp luật.
Mekong ASEAN: Mạng xã hội mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm truyền thông chính sách trong việc cạnh tranh với tin giả, tin xấu độc. Theo ông đâu là giải pháp để thông tin chính thống có thể chiến thắng?
TS Lê Vệ Quốc: Nguyên lý trong truyền thông là muốn chống tin giả, tin xấu độc thì chúng ta phải đẩy mạnh dòng chảy các thông tin chính thống đúng đủ. Để có được dòng chảy đó thì phải đồng thời sử dụng nhiều kênh khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, từ báo chí đến facebook, zalo...
Hiện nay nhiều bộ ngành, cơ quan đã dùng các fanpage facebook để truyền thông. Tôi cho rằng đây là cách thức đương nhiên phải tận dụng trong bối cảnh 4.0, góp phần đẩy lùi tin xấu độc, tin giả, giúp người dân có địa chỉ tin cậy để tiếp cận các thông tin chính thống.
Theo tôi, các cơ quan truyền thông báo chí, cơ quan Nhà nước, kể cả người dân, doanh nghiệp phải chung tay phòng chống các tin xấu độc, tránh những câu chuyện “khủng hoảng truyền thông”.
Hiện Bộ TT&TT đã có phần mềm đo lường mức độ của các thông tin mang tính tích cực và tiêu cực ở một vấn đề của xã hội. Từ đó có thể đo lường trong một khoảng thời gian, trên tất cả các hệ thống có bao nhiêu lượt bài, bao nhiêu phần trăm tích cực và bao nhiêu phần trăm tiêu cực, qua đó xác định đã phải điều chỉnh hay chưa. Tiêu cực nhiều thì phải xem xét lại, không có nghĩa là đánh tráo sự thật mà kiểm soát để tránh cách hiểu, nhìn nhận vấn đề thái quá, không đúng bản chất hiện thực, giúp người dân có góc nhìn lành mạnh.
Mekong ASEAN: Vậy với các chế tài xử phạt về hoạt động đưa tin sai lệch hiện nay, theo ông đã đủ sức nặng để răn đe?
TS Lê Vệ Quốc: So với trước trước đây, tôi cho rằng các chế tài xử lý đã có bước tiến, nghiêm khắc hơn, không bỏ lọt hành vi vi phạm. Nhưng với tính chất, mục đích của việc đưa thông tin xấu độc nhằm trục lợi, thậm chí liên quan đến quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, tôi cho rằng cần mạnh tay hơn, cần chế tài mạnh hơn nữa.
Một trong các cách thức để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với lời ăn tiếng nói trong một không gian chung, môi trường nhiều người biết đến là chế tài. Nếu quá nhẹ thì đôi khi sự trục lợi lớn hơn rất nhiều khoản tiền mà họ phải nộp phạt.
Mekong ASEAN: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, theo ông công tác truyền thông chính sách cần tiến hành như thế nào để giúp nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế?
TS Lê Vệ Quốc: Chúng tôi đã có những nghiên cứu, trao đổi, phối hợp với Bộ TT&TT về vấn đề này. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục Thông tin đối ngoại của Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ xây dựng một cổng mang tên Việt Nam, làm thế nào để đất nước, con người Việt Nam được mô tả một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc ở trên cổng này để bạn bè quốc tế nhìn thấy một Việt Nam phát triển, ổn định, hoà bình, thân thiện, là môi trường đầu tư hứa hẹn, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích cho nhà đầu tư.
Chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật Việt Nam, đối tượng có thể là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài để họ hiểu hơn các nội dung chính sách pháp luật của Việt Nam, liên quan đến quyền lợi ích sát sườn của họ. Từ đó, họ có ứng xử phù hợp, đặc biệt là có hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Trước đây khi chúng ta chưa có các cách thức truyền thông hiệu quả để đưa thông tin về chính sách pháp luật rộng rãi ra quốc tế, nhiều thế lực thù địch đã lợi dụng để đưa tin sai, bóp méo sự thật, phản ánh không đúng các chính sách pháp luật, và đã có thời kỳ làm cho nhiều nhà đầu tư, thậm chí người Việt Nam ở nước ngoài có nghi ngại. Tuy nhiên thời gian qua, chúng ta đã từng bước giải quyết vấn đề, bằng cách truyền thông rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, từ nội dung đến cách thức truyền tải. Nhờ đó, các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch đã được đẩy lùi rất nhiều.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!