RT đưa tin, trong tuyên bố ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “Nếu Hungary ưu tiên củng cố quan hệ với Nga thay vì với EU và Mỹ, họ nên công khai thừa nhận điều đó. Ukraine sẽ sẵn sàng lấp đầy bất kỳ ghế trống nào trong EU và NATO, nếu Hungary quyết định từ bỏ để nhận lấy tư cách thành viên trong CIS và CSTO”.
CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập đồng minh) là một khối một số quốc gia Xô Viết và CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể) là một liên minh quân sự. Đây là hai liên minh và khối chính trị có liên hệ chặt chẽ với Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha và người đồng cấp Hungary Péter Szijjártó. Ảnh: Hungary Today |
Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Ukraine được đưa ra sau khi giới lãnh đạo Hungary chỉ trích việc Kiev không gia hạn thỏa thuận vận chuyển với Nga từ năm 2025 trở đi. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cáo buộc Kiev cố tình làm giảm nguồn cung khí đốt của khu vực; nhấn mạnh rằng quyết định đơn phương của Ukraine trong việc dừng vận chuyển khí đốt của Nga, cùng với các lệnh trừng phạt của EU, đã khiến giá cả tăng vọt.
Vào cuối năm 2024, Ukraine đã tuyên bố không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt 5 năm với Tập đoàn Gazprom của Nga. Động thái này nhằm cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Romania, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Áo, Italy và Moldova. Ước tính việc dừng vận chuyển khí đốt ngay lập tức khiến giá cả trong khu vực tăng vọt lên hơn 50 Euro/MWh - mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 10/2023.
Quyết định của Kiev cũng bị Slovakia chỉ trích khi quốc gia này phụ thuộc vào các đường ống vận chuyển khí đốt của Nga để đáp ứng 60% nhu cầu năng lượng của mình. Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj Estok mô tả động thái này là “sự phản bội lòng tin” và là mối đe dọa đối với sự ổn định năng lượng trong khu vực.
Trước đó, Nga đã tuyên bố rằng nước này sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển và duy trì các chuyến hàng khí đốt qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2024, tuy nhiên Kiev đã từ chối điều này. Đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Mỹ là bên hưởng lợi duy nhất từ tình hình hiện nay, đồng thời cáo buộc Washington là “nhà tài trợ chính cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã cáo buộc Kiev đang “trừng phạt” các quốc gia thành viên EU bằng quyết định của mình. Ông dự báo rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng giá năng lượng cao hơn. Trong cuộc họp báo thường niên vào ngày 19/12/2024, ông Putin tuyên bố rằng ngay cả khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt không còn tồn tại, thì cả Nga và Gazprom đều sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.