TS. Lê Trung Kiên và ThS. Nguyễn Đức Phúc, Học viện Ngoại giao Việt Nam, đã có bài phân tích về vấn đề này với chủ đề: "Vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế khu vực trong một thế giới đầy biến động".
Nhìn lại giai đoạn qua, có thể thấy ASEAN đã đạt những thành tựu quan trọng trong tiến trình liên kết kinh tế khu vực. Các khuôn khổ hợp tác với vai trò của ASEAN ở vị trí trung tâm như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), thể hiện quyết tâm và lòng tin của các nước Đông Á trong việc kiên trì thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương.
Một số thành tựu quan trọng trong liên kết kinh tế khu vực của ASEAN có thể kể đến như:
Thứ nhất, Cộng đồng Kinh tế là điểm sáng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành từ ngày 31/12/2015. Sự kiện này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực hướng đến cấp độ hội nhập cao và toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong bối cảnh hội nhập về chính trị - an ninh còn khó khăn, hợp tác kinh tế ASEAN đã được duy trì, đạt nhiều kết quả tích cực bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. ASEAN đã và đang triển khai 1.700 dòng hành động (88,3%) trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2025.
Với việc xây dựng AEC, sau gần 7 năm thực hiện, ASEAN đã trở thành một cộng đồng kinh tế có những tiến bộ hội nhập thực chất, đa sắc thái và có khả năng phục hồi tốt trong một môi trường ngày càng phức tạp. Các nước ASEAN cũng đang tiếp tục trao đổi về tầm nhìn phát triển, xây dựng cộng động kinh tế khu vực sau 2025 cũng như các ưu tiên, sáng kiến của Hiệp hội qua từng năm.
Thứ hai, liên kết kinh tế của ASEAN hướng tới các lĩnh vực của tương lai như kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
ASEAN đặt mục tiêu hướng đến trở thành một khu vực đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với nhận thức đó, các nước thành viên đã và đang tích cực trao đổi về tầm nhìn phát triển kinh tế khu vực sau 2025, đặc biệt trên các lĩnh vực tương lai như kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững...
Tháng 01/2021, Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) lần đầu tiên được tổ chức và đã thông qua Tuyên bố Putrajaya về "ASEAN: Một cộng đồng được kết nối số" nhằm xây dựng một ASEAN được kết nối và sẵn sàng về kỹ thuật số.
Các đầu cầu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN số (ADGMIN) lần thứ nhất. |
Trong bối cảnh khu vực nỗ lực phục hồi kinh tế, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 (tháng 9/2021) cũng đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Bagawan về chuyển đổi số. Trong đó, Lộ trình này đặc biệt nêu bật các sáng kiến quan trọng hiện có của ASEAN có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hội nhập số của khu vực, biến thách thức Covid-19 thành cơ hội thông qua chuyển đổi kỹ thuật số.
Hiện nay, ASEAN đang tích cực thảo luận và tham vấn các bên liên quan nhằm soạn thảo Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR) của khu vực trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các sáng kiến liên quan. Thông qua những biện pháp và khuôn khổ hợp tác tích cực, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN đang ở trên làn đường tốc độ cao mà tại đó, các nước không chỉ cải thiện một cách toàn diện năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của mình, mà còn mở ra những không gian cạnh tranh và hợp tác mới trong hệ sinh thái kỹ thuật số trên thế giới.
Thứ ba, ASEAN đã thành công trong phối hợp hành động ứng phó với các thách thức chung, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh cộng đồng thế giới phải đối mặt với các thách thức chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát, các cơ chế hợp tác của ASEAN đã phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác khu vực trong ứng phó, ngăn ngừa, giải quyết các thách thức chung, tích cực phòng, chống dịch bệnh.
Trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, các nước thành viên đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp để ứng phó với đại dịch. Trong đó đáng chú ý là Kế hoạch Hành động của Hà Nội về Tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và Kết nối chuỗi cung ứng để ứng phó với đại dịch Covid-19; Quỹ ứng phó Covid-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp; Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).
Với các đối tác ngoài khối, ASEAN chủ động, phát huy vai trò trung tâm, khéo léo gắn kết, điều phối, thúc đẩy các đối tác tham gia vào các nỗ lực chung của khối nhằm kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động cuộc khủng hoảng, duy trì chuỗi cung ứng, hợp tác hỗ trợ vắc xin, phục hồi kinh tế, giữ vững ổn định và khả năng phục hồi kinh tế của khu vực ASEAN. Khối cũng đã khởi động quá trình hợp tác với các đối tác nhằm đảm bảo an ninh y tế và duy trì khả năng phục hồi của khu vực, khi đối mặt với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Cùng với đó, ASEAN nỗ lực phối hợp phục hồi nền kinh tế thông qua thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối chuỗi giá trị khu vực. Nhiều nội dung hợp tác thiết thực như phát triển Hộ chiếu y tế số ASEAN, mở rộng cơ chế Một cửa ASEAN, mở rộng Danh mục hàng hóa thiết yếu để giảm bớt các biện pháp phi thuế quan cho hàng hóa thiết yếu ASEAN… Những nỗ lực của khối đã ghi dấu đậm nét, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm, vị thế của ASEAN trong việc giải quyết, ứng phó với các vấn đề kinh tế chung của khu vực và toàn cầu.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng, ASEAN nằm ở vị trí trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực. Từ góc độ địa lý, khối nằm ở trung tâm khu vực trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, án ngữ các tuyến giao thông hàng hải “huyết mạch” qua eo biển Malacca, là cầu nối giao thương quan trọng giữa các cường quốc và các nước, có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác kinh tế ở châu Á. Đây cũng là một trung tâm phát triển kinh tế năng động, thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới.
Với mong muốn đảm bảo các động lực phát triển sẽ tiếp tục đem lại hòa bình, an ninh, ổn định cho khu vực, ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm mang tính chiến lược của mình ở khu vực và tiếp tục nỗ lực đi đầu trong thúc đẩy liên kết, các cấu trúc kinh tế đang định hình ở châu Á – Thái Bình Dương.
Trước hết, có thể thấy ASEAN là trung tâm của mạng lưới các FTA ở khu vực.
Trong quá trình định hình trật tự kinh tế mới, khi chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại bị thách thức, ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm, là động lực chính trong thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và tiểu khu vực. ASEAN nắm giữ vai trò chủ đạo trong các liên kết kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dấu mốc quan trọng bắt đầu từ năm 1992, khi khối xác định trọng tâm là hợp tác kinh tế, với việc thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN.
Cùng với quá trình đó, ASEAN đã đẩy mạnh liên kết kinh tế với các đối tác bên ngoài, ký các hiệp định xây dựng quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, trong đó có việc thiết lập các khu vực thương mại tự do (FTA) như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong (AHKFTA).
Đặc biệt, vai trò trung tâm thúc đẩy tự do, liên kết kinh tế của ASEAN được thể hiện qua việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tháng 11/2020. Việc ký RCEP đã giúp mở ra nhiều cơ hội giao thương mới trong khu vực.
ASEAN đang tiếp tục tích cực rà soát, nghiên cứu khả năng nâng cấp các FTA với Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…, cũng như thảo luận về khả năng đàm phán FTA với một số đối tác kinh tế quan trọng mới như Canada và EU.
Những thành quả của quá trình tự do hóa thương mại đó đã trở thành tiền đề quan trọng để phát huy vai trò đi đầu của ASEAN trong cấu trúc liên kết kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. ASEAN cũng giữ vai trò trung tâm qua các diễn đàn kinh tế lớn ở khu vực như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM).
Song song với tiến trình liên kết của ASEAN với tư cách cả khối, các nước thành viên phát triển hơn (như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam,…) còn tích cực mở rộng mạng lưới liên kết với các đối tác kinh tế bên ngoài. Qua đó, đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại và nâng cấp các FTA “thế hệ mới” với các vấn đề như thể chế, giáo dục, mua sắm của chính phủ, lao động và môi trường...
Điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký kết năm 2019, với các thành viên của ASEAN tham gia sáng lập là Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Singapore là nước đi đầu trong thúc đẩy các Hiệp định kinh tế số, điển hình là Hiệp định Đối tác Kinh tế số giữa Singapore, Chile và New Zealand, Hiệp định Kinh tế số Singapore - Australia, Hiệp định Kinh tế số Singapore – Anh.
Với sức mạnh tổng hợp ngày một tăng, ASEAN đã và đang nỗ lực hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, ASEAN đã trở thành một chủ thể kinh tế lớn mạnh. Năm 2020, quy mô kinh tế của khối đứng thứ năm thế giới, với GDP đạt khoảng 3.000 tỷ USD, chiếm 3,5% tổng GDP toàn cầu. Cơ cấu kinh tế các nước thành viên ngày càng chuyển dịch rõ nét theo hướng hiện đại và tiến bộ. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến năm 2050, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Về thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, trong năm 2020, ASEAN đạt lần lượt khoảng 2.600 tỷ USD và 637 tỷ USD, trong đó kim ngạch thương mại hàng hóa đã tăng 3,5 lần trong hai thập kỷ qua, đóng góp hơn 7% vào thương mại toàn cầu. Về thu hút FDI, năm 2020, ASEAN thu hút khoảng trên 137,3 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng dòng vốn FDI của thế giới.
Với tiềm lực phát triển mạnh mẽ, cùng tỷ trọng đóng góp trong các hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng lớn, việc thúc đẩy, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc liên kết kinh tế khu vực càng trở nên quan trọng. Điều này cũng góp phần củng cố vị thế của ASEAN là một nền kinh tế khu vực cởi mở và toàn diện, nâng cao vị thế các nước thành viên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về tiềm năng trong phát triển kinh tế số, các nước thành viên ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy nền kinh tế số ở khu vực. Với dân số trên 677 triệu người, phần lớn dân số trẻ, tổng quy mô kinh tế số hơn 174 tỷ USD (2021), ASEAN là một trong những khu vực phát triển kinh tế số năng động với những con số tăng trưởng ấn tượng, bất chấp những biến cố khu vực và hệ quả của đại dịch Covid-19.
Tiềm năng của khu vực được thể hiện rõ khi có khoảng 350 triệu người dùng trên Internet, chiếm đến 75% dân số, cùng những khoản đầu tư lớn của các công ty, tập đoàn trên thế giới vào lĩnh vực phát triển nền kinh tế số tại đây.
Theo báo cáo của Google, Temasel và Bain&Company (2021), dự kiến đến năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN có thể đạt tới 1 nghìn tỷ USD với hàng triệu người dùng Internet mới. Với tiềm năng to lớn của khu vực, qua thực tiễn các nền kinh tế số phát triển nhanh như Việt Nam, nền kinh tế số chất lượng hiệu quả như Singapore hay nền kinh tế số quy mô phát triển như Indonesia, thì vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc liên kết kinh tế số ở khu vực càng có ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, mở rộng không gian thương mại, đầu tư cho các nền kinh tế thành viên ASEAN
Việc thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong các liên kết kinh tế quốc tế là phù hợp với xu thế tự do hóa và hội nhập kinh tế khu vực. Việc đẩy mạnh các cơ chế hợp tác kinh tế với ASEAN làm trung tâm sẽ giúp mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, khi là một phần trong các mắt xích liên kết kinh tế quốc tế khu vực, các nước thành viên ASEAN sẽ phải không ngừng đổi mới, điều chỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn.
Qua đó, tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ từ các nước ASEAN mà cả từ các nước ngoại khối, nhất là nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước đối tác FTA của ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị khu vực. Mặt khác, việc thúc đẩy liên kết kinh tế sẽ khiến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên, qua đó phần nào xoa dịu các căng thẳng chính trị ở khu vực.
Thứ hai, chủ động tham gia kiến tạo luật chơi, phù hợp với lợi ích của ASEAN
Xuất phát từ nhu cầu phát triển của mình, ASEAN đang không ngừng thúc đẩy các cơ chế hợp tác. Thực tế quá trình hội nhập khu vực đã chứng minh, ASEAN có thể phát vai trò chủ đạo kiến tạo luật chơi phù hợp với lợi ích của mình.
Vai trò chủ đạo của ASEAN không chỉ thể hiện ở việc tích cực khởi xướng, thúc đẩy liên kết kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn thể hiện ở sự đoàn kết với tư cách là một khối thống nhất trong tiến trình xây dựng các nội dung và nguyên tắc hợp tác của khu vực. Điều này giúp thúc đẩy quá trình hội nhập, nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN như một khu vực kinh tế mở và toàn diện, góp phần tham gia xây dựng, định hình luật lệ phù hợp, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Thứ ba, gắn kết tiến trình liên kết kinh tế khu vực với xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN và triển khai AEC Blueprint 2025
Tầm nhìn AEC được các quốc gia thành viên phát triển trong tương quan nhận thức về các xu thế liên kết kinh tế toàn cầu hiện nay. Trên tinh thần đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025 với 5 đặc trưng chính gồm: Một nền kinh tế Hội nhập cao và gắn kết; Một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; Nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; Một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; Một ASEAN toàn cầu.
Hiện nay, ASEAN đã và đang tiếp tục thực hiện tiến trình khu vực hướng tới hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các FTA và nâng cấp các hiệp định thương mại đang có với các đối tác nhằm đảm bảo rằng các hiệp định vẫn mang tính hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các bên.
Những lợi ích từ cam kết và các sáng kiến liên kết, thể chế kinh tế mà ASEAN đóng vai trò chủ đạo sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập, tiến tới hoàn thành các mục tiêu xây dựng Cộng đồng mà Hiệp hội đã đề ra.
Thứ nhất, nâng cao nội lực của chính mình. Trong một thế giới biến động như hiện nay với cạnh tranh nước lớn gia tăng, đại dịch hoành hành, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nơi “cư trú” của ASEAN chính là bản thân nội khối ASEAN với một cộng đồng 600 triệu dân.
Trong thời gian tới, ASEAN cần nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng nội khối, thúc đẩy quá trình tự do hóa nội khối nhanh hơn, gia tăng tỷ trọng thương mại nội khối. Cùng với đó, cần tranh thủ những mặt lợi thế của khu vực để phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thuận lợi cho việc di chuyển dễ dàng các loại hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người giữa các quốc gia. Tận dụng tối đa các cơ hội mang lại từ việc ký kết các hiệp định, khuôn khổ kinh tế với các đối tác quan trọng của Hiệp hội như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… nhằm phục vụ phát triển kinh tế, song phải bảo đảm lợi ích của các quốc gia thành viên.
Thứ hai, phát huy vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy ngoại giao đa phương nói chung và liên kết kinh tế đa phương nói riêng.
Giai đoạn tới, ASEAN cần tích cực thảo luận, rà soát và thống nhất ra được một lộ trình rõ ràng nhằm mở rộng, nâng cấp FTA sẵn có trong khu vực và tiến tới các đối tác rộng hơn. Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác kinh tế số qua việc thúc đẩy, hình thành các hiệp định kinh tế số song phương và đa phương ở khu vực.
Qua đó, gia tăng sự phối hợp nhịp nhàng trong chính sách, đem đến nguồn tiếp cận công nghệ hiệu quả, giúp ASEAN đi tiên phong trong định hình, thiết lập các cấu trúc liên kết kinh tế số ở khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời, ASEAN cần có vai trò và tiếng nói trong các vấn đề an ninh và phát triển quan trọng của khu vực, bao gồm sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong.
Thứ ba, cần đổi mới hơn nữa mô hình phát triển, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, thích ứng với tình hình mới.
Trong bối cảnh thế giới biến động đã làm xuất hiện và đẩy nhanh nhiều xu thế quốc tế mới, việc áp dụng các mô hình tăng trưởng truyền thống không còn thực sự phù hợp. Do đó, cần đổi mới và cải tới mô hình phát triển để thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Các xu hướng mới cần hướng tới là đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời chú trọng hoàn thiện thể chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường của từng nước và thông lệ quốc tế. Đặc biệt cần thúc đẩy quá trình tham vấn, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước.
Các quốc gia cần nhận thức rõ vai trò và xây dựng những cơ chế phối hợp và có thể tiến tới những chính sách đặc thù chung cho cả khu vực, mang tính vượt trội. Mục tiêu là để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế ASEAN, tạo ra làn gió mới vào sức cạnh tranh của các nền kinh tế khu vực.
Thứ tư, tăng cường hợp tác, phát huy vai trò trung tâm trong các lĩnh vực nhằm quản lý hiệu quả những thách thức chung như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, xung đột, dịch bệnh và thảm họa thiên nhiên.
ASEAN cần tăng cường khả năng ứng phó trước những tình huống khẩn cấp, gắn kết với nhau trong cộng đồng, có được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất, cũng chính là giá trị của ASEAN, sẽ giúp nâng cao uy tín, vị thế của các nước thành viên, góp phần phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của Hiệp hội trong cấu trúc liên kết kinh tế khu vực đang định hình.