Vấn đề tài chính cản trở thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu

Khí hậu Thanh niên
14:11 - 01/11/2022
Các nhóm tình nguyện viên chung tay dọn rác trên các đảo Vịnh Hạ Long. Ảnh: BQN.
Các nhóm tình nguyện viên chung tay dọn rác trên các đảo Vịnh Hạ Long. Ảnh: BQN.
0:00 / 0:00
0:00
Khảo sát thanh niên Việt Nam tham gia ứng phó biến đổi khí hậu 2021 cho thấy 54,3% trong tổng số 387 thanh niên đánh giá cao độ nghiêm trọng của nút thắt tài chính, trong khi đó hầu hết các nguồn quỹ hỗ trợ gặp khó khăn trong giải ngân.

Trước thềm chương trình nghị sự toàn cầu COP27, Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022 (Youth4Climate) vừa được công bố, nhằm đưa ra các nút thắt cùng giải pháp để thanh niên có thể đóng góp vào ứng phó biến đổi khí hậu.

Đây là là sáng kiến của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Báo cáo được viết bởi 24 tác giả trẻ tiêu biểu của Việt Nam, tập trung vào bốn chủ đề chính, gồm: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng “0,” thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Tại lễ công bố báo cáo ngày 1/11, anh Nguyễn Văn Bảo, tác giả chính thực hiện báo cáo Youth4Climate cho biết, qua khảo sát có 26,5% thanh niên Việt Nam ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tuy nhiên, thanh niên đang gặp trở ngại về đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Do đó, nhóm thực hiện báo cáo đề xuất có nhiều hơn các chương trình nâng cao năng lực dành cho thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nêu lên những khó khăn chính trong quá trình thanh niên hành động vì khí hậu, anh Hải cho rằng, mấu chốt đang nằm ở tài chính và kỹ năng – kiến thức. Để giải quyết những khó khăn này, báo cáo đã đề xuất nhiều giải pháp tương ứng.

Toàn cảnh lễ công bố.

Toàn cảnh lễ công bố.

Về hạn chế tài chính, theo báo cáo năm 2021, thiếu nguồn vốn thực hiện và duy trì dự án là vấn đề mà thanh niên Việt Nam đang cho là nút thắt gây cản trở lớn nhất, với 54,3% trong tổng số 387 thanh niên tham gia khảo sát đánh giá cao độ nghiêm trọng của nút thắt tài chính.

“Trong khi đó, hầu hết các nguồn quỹ dành cho việc phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu đưa yêu cầu cao với khả năng xây dựng, quản lý dự án của thanh niên. Đôi khi các quỹ yêu cầu về tư cách pháp nhân, một số quỹ giải ngân thông qua các tổ chức phi chính phủ có quy mô nhỏ, tập trung vào một chủ đề nhất định và hạn chế về danh mục hoạt động”, tác giả chính của báo cáo nêu khó khăn.

Do đó, nhóm báo cáo kiến nghị phát triển cổng kết nối thông tin tài chính cho biến đổi khí hậu dành cho thanh niên. Thông qua đó, giúp thanh niên nắm bắt được các nguồn tài trợ đang mở để có kế hoạch đăng ký và chuẩn bị hồ sơ đề xuất. Cổng kết nối thông tin tài chính cho biến đổi khí hậu sẽ góp phần giảm bớt một phần các rào cản tài chính mà thanh niên đang gặp phải.

Đồng thời, giải pháp này sẽ thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản trị khí hậu và ngoại giao khí hậu. Bao gồm các hoạt động của thanh niên Việt Nam tại hội nghị, diễn đàn quốc tế cũng như đàm phán để có thêm các nguồn tài trợ từ các nước phát triển mong muốn hỗ trợ Việt Nam.

Nguồn: Báo cáo Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022.

Nguồn: Báo cáo Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022.

Vấn đề hạn chế kiến thức và kỹ năng cũng đã được nhiều bạn thanh niên đề cập đến. Mặc dù Cổng thông tin về biến đổi khí hậu dành cho thanh niên Việt Nam có nhiều chương trình chia sẻ thiết thực, nhưng nhiều nhóm và đối tượng thanh niên khác nhau vẫn chưa tiếp cận được các thông tin này.

Theo anh Bảo, thanh niên cần được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức và kỹ năng liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý dự án khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng chương trình học mới chưa tích hợp nhiều nội dung liên quan vào giảng dạy cho học sinh/sinh viên.

Để giải quyết khó khăn này, nhóm báo cáo kiến nghị xây dựng bộ tài liệu chuyên ngành dành cho thanh niên Việt Nam về các chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất.

Theo bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, mức độ nghiêm trọng và cường độ của những tác động này có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của cộng đồng và gia đình. Trong những năm tới, khi thanh niên ngày nay bước vào tuổi trưởng thành, họ sẽ phải đối mặt với những thách thức này.

"Báo cáo mới này rất kịp thời vì nó nêu bật các phản ứng của thanh niên đối với bối cảnh chính sách đang thay đổi và nêu rõ các hành động cụ thể do thanh niên lãnh đạo để đóng góp vào các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. UNDP cam kết hỗ trợ thanh niên Việt Nam, tận dụng khả năng sáng tạo của họ nhằm thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu”.

Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam Ramla Al Khalidi

Góp phần vào tiếng nói của thanh niên ở COP27

Cũng tham dự lễ công bố và là nước sắp đăng cai tổ chức Hội nghị COP27, bà Amal Salama, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam cho biết, thanh niên là thế hệ phải đương đầu với nhiều thách thức toàn cầu, đồng thời phải chịu trách nhiệm và đưa ra những giải pháp để giải quyết những thách thức này.

Do đó, theo bà Amal Salama, Chính phủ các nước cần trao quyền cho thanh niên tham gia đầy đủ công bằng về chính trị, tham gia vào quá trình ra quyết định để đảm bảo các chương trình chống biến đổi khí hậu thành công như mong đợi.

“Vai trò của thanh niên, học sinh, sinh viên rất quan trọng. Điều này sẽ được đóng góp một cách tích cực và đầy đủ hơn nữa khi vai trò của thanh niên được hiện diện ở COP27 tại Ai Cập sắp tới. Đây là sự kiện đặc biệt đánh dấu vai trò của thanh niên ở một chương trình nghị sự toàn cầu. Tiếng nói của thanh niên ở các quốc gia khác nhau sẽ được tổng hợp và lắng nghe tại COP27”, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam cho biết.

Là một trong hai đơn vị đưa ra sáng kiến, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, lễ công bố Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022 diễn ra trước thềm Hội nghị COP27 có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp tiếng nói của thanh niên Việt Nam vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Thanh niên Việt Nam đã, đang và sẽ sẽ hành động nhiều hơn nữa, không chỉ chủ động kết nối mọi nguồn lực khác nhau trong xã hội để chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn ở các diễn đàn trong nước, khu vực và quốc tế”, ông Cường nhấn mạnh.

Tuyên bố chung thanh niên Việt Nam về khí hậu 2022

Tại lễ công bố báo cáo, anh Khổng Tuấn Anh, đại diện Mạng lưới Thanh niên Hành động vì Khí hậu (YNET) đã đưa ra tuyên bố chung thanh niên Việt Nam về khí hậu 2022.

Theo tuyên bố, thanh niên Việt Nam nhận thức được rằng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết ở Việt Nam nhất là các nhóm đối tượng yếu thế. Ứng phó với biến đổi khí hậu không phải công việc của một cá nhân hay tổ chức nào mà cần sự chung tay vào cuộc của tất cả mọi người để giảm thiểu trái đất nóng lên.

Thanh niên Việt Nam kiến nghị Chính phủ lồng ghép các hoạt động chống biến đổi khí hậu vào các chương trình giáo dục địa phương, nhất là các đối tượng vùng sâu vùng xa bằng cách sử dụng tiếng dân tộc giảng dạy. Đồng thời, điều chỉnh cơ chế giải ngân thật đơn giản, minh bạch để nhanh chóng hỗ trợ thanh niên trong các dự án chống biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp