VBF 2022: Kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại

VBF 2022 Việt nAM
21:56 - 21/02/2022
VBF 2022: Kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại
0:00 / 0:00
0:00
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 21/2, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã có những kiến nghị về việc cải cách khu vực tài chính, nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư diễn ra mạnh mẽ hơn.

AmCham đang đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2.500 cá nhân của doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, chiếm hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, hàng chục nghìn lao động trực tiếp, hàng trăm nghìn lao động gián tiếp và một phần đáng kể trong xuất khẩu và thu thuế của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, ông John Rockhold, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho hay, Amcham lạc quan về triển vọng mở cửa trở lại và phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư của Việt Nam. Do đó, Amcham khuyến khích Chính phủ cải cách khu vực tài chính, một yếu tố có thể giúp thị trường vốn Việt Nam nâng hạng từ “Thị trường cận biên” lên trạng thái “Thị trường mới nổi” theo đánh giá của MSCI và FTSE.

Ông John Rockhold, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Ông John Rockhold, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Theo đó, Amcham đề xuất áp dụng mô hình đối tác trung tâm để thực hiện các giao dịch chứng khoán tiền mặt phù hợp với thông lệ toàn cầu (loại bỏ các yêu cầu hoàn vốn trước, tôn trọng nguyên tắc Giao hàng so với Thanh toán trong thanh toán).

Ngoài ra, Amcham đề nghị tăng cường cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các sở giao dịch chứng khoán nên yêu cầu công bố thông tin của công ty niêm yết bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh); ngoài ra, các quy định và thông tin thị trường chứng khoán cũng cần được song ngữ và chi tiết.

Đáng chú ý hơn cả là kiến nghị Việt Nam nên thay đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài để cho phép nhiều cổ phần ngoại quốc hơn trong các công ty niêm yết và chưa niêm yết, và tại các ngân hàng hiện giới hạn ở mức 30%.

Nhiều chuyên gia đồng tình nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Khảo sát tại thời điểm cuối năm 2021 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, trong số 27 ngân hàng niêm yết trên sàn, thì chỉ có 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Trong đó, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại, như ACB, ABBank, VietinBank, Eximbank, MB, MSB, OCB, Techcombank, TPBank, Vietcombank.

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với ngân hàng nội hiện nay là 30%. Do tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã khá lớn, trong khi phải thúc đẩy tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã phải phải khóa room ngoại để "giữ chỗ" chuẩn bị bán vốn cho đối tác.

Nhận định về tăng tỷ lệ sở hữu ngoại, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, đại diện Nhóm nghiên cứu báo cáo của CIEM cho rằng, việc nới room ngoại có thể làm tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho các NHTM, cũng như tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, tăng room ngoại hỗ trợ hiệu quả các cam kết về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU ( EVFTA) về việc cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ tại hai ngân hàng thương mại cổ phần trong nước trong vòng 5 năm, sau khi EVFTA có hiệu lực, trừ Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank).

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho biết, “Chúng tôi cơ bản đồng tình với kiến nghị nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vì để đáp ứng yêu cẩu tăng vốn của các TCTD. Nghiên cứu này được đưa ra ở thời điểm này rất phù hợp”.

Theo ông Cấn Văn Lực, Việt Nam đang có kế hoạch cơ cấu lại TCTD trong 5 - 10 năm tới. Nhưng đến nay hầu như vẫn có rất ít nghiên cứu đánh giá về thực trạng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng một cách đầy đủ, khách quan.

Bên cạnh đó, Hệ số an toàn vốn (CAR) tại các NHTM vẫn chưa tăng tương ứng tốc độ tăng tài sản và tín dụng là thực tế rất cần lưu ý. “Trong khi đó, Chính phủ đang có Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, theo đó đặt ra vấn đề cần tăng nguồn vốn và các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu chương trình này, dự kiến tăng trưởng tín dụng phải cao hơn 12% năm nay, từ 13 - 14%”, ông Cấn Văn Lực phân tích

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Do đó, việc khống chế tỷ lệ 30% có thể khiến các ngân hàng bỏ lỡ cơ hội phát triển do không đáp ứng đủ nguồn vốn trong khi nguồn vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu và thực hiện chuẩn mực Basel tại các ngân hàng thương mại.

Hơn nữa, việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược đã khó nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Vì vậy, việc mở room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sỡ hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.