Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đặt kỳ vọng nhiều nhất ASEAN

NHẬT BẢN DOANH NGHIỆP
17:03 - 13/02/2023
59,5% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có lãi năm 2022.
59,5% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có lãi năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam năm 2022 của JETRO cho thấy nhiều triển vọng tích cực, khi 60% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam - tỷ lệ lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Nguồn vốn Nhật vào Việt Nam dịch chuyển sang ngành có giá trị gia tăng cao

Kết quả khảo sát được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện đối với 603 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam với đa dạng các nhiều lĩnh vực, ngành nghề, quy mô khác nhau từ 22/8 – 21/9/2022.

Tại buổi họp báo công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam năm 2022, ngày 13/2, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có lãi là 59,5%, tăng 5,2 điểm % so với năm trước.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ chỉ có 20,8%. Tuy tỷ lệ doanh nghiệp có lãi tại Việt Nam so với các nước ASEAN tương đối thấp, nhưng tỷ lệ này đều có sự gia tăng qua các năm. Nhóm doanh nghiệp có lãi lớn nhất là ngành chế tạo đạt 61,1%, nhóm ngành nghề phi chế tạo khiêm tốn hơn đạt 57,6%.

Kết thúc năm 2022, số doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định họ có kết quả cải thiện là 47,6%, tăng 16,2% so với năm trước, trong khi chỉ có 22,6% doanh nghiệp cho biết kinh doanh suy giảm.

Về triển vọng lợi nhuận năm 2023, có đến 53,6% doanh nghiệp dự báo kết quả kinh doanh tại Việt Nam sẽ tăng trưởng, chỉ có 6,9% doanh nghiệp trả lời sẽ “suy giảm”.

Theo ông Nakajima Takeo, nguyên nhân tạo những con số mang triển vọng tích cực này là kinh tế Việt Nam đã phục hồi, cải thiện thị trường, các chính sách trong kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng, mở rộng xuất khẩu, gia tăng sức mua với thị trường nội địa.

Còn lý do của sự suy giảm kinh doanh của các doanh nghiệp được cho là liên quan đến sự gia tăng của các loại chi phí logistics, nhân công… ngoài ra còn do ảnh hưởng của biến động tỷ giá.

“Như vậy, lợi thế chi phí sản xuất rẻ ở Việt Nam từ 2023 trở đi sẽ không còn nữa, các doanh nghiệp cũng dịch chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Về xu hướng chung, Nhật Bản sẽ có tập trung sản xuất giá trị gia tăng cao ở Trung Quốc, sau đó đến Việt Nam, Ấn Độ, các sản phẩm thông dụng sẽ suy giảm”, đại diện JETRO giải thích.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát chỉ ra rằng trong 1 - 2 năm tới, hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản đều có phương hướng sẽ mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

"Có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, ngược lại, chỉ có 1% doanh nghiệp có nhu cầu dịch chuyển sang nước thứ ba. Tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước ASEAN, JETRO mong muốn tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong năm tới”.

Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Nakajima Takeo

Trong số các lĩnh vực, nhóm doanh nghiệp phi chế tạo mong muốn mở rộng đầu tư ngày càng tăng và đã vượt nhóm ngành chế tạo. Các doanh nghiệp bán lẻ có xu hướng gia tăng mạnh trong 1-2 năm tới, tăng đến 79,6% so với năm 2021.

Trong khi đó, ngành dệt, may đang có xu hướng thu hẹp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau khi chứng kiến sự suy giảm đơn hàng trong năm 2022. Với 8,3% doanh nghiệp muốn thu hẹp sản xuất, dệt may trở thành lĩnh vực có tỷ lệ thu hẹp lớn nhất trong các ngành nghề mà Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam có nhiều lợi thế trong tăng trưởng quy mô thị trường

Về rà soát chuỗi cung ứng sản xuất, so với ASEAN nói chung, ông Nakajima Takeo cho biết, các doanh nghiệp đều có xu hướng tăng đầu tư thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, chuyển đổi số để tiết kiệm nhân lực với chi phí nhân công cao và chuyển sang sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, gần 73% doanh nghiệp cho biết sẽ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giảm nhân sự người Nhật và tăng cường đào tạo lao động người bản địa. Mức chuyển đổi này cao hơn mức trung bình của ASEAN.

Theo Trưởng đại diện JETRO Việt Nam, lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam cao hơn so với các nước ASEAN bởi tính tăng trưởng của thị trường và quy mô thị trường. Thị trường Việt Nam có khả năng tăng trưởng tốt, cao hơn mức trung bình của ASEAN, đạt 74% - mức tăng này chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp nêu ra rủi ro kinh doanh tại Việt Nam ở tiêu chí tính hiệu quả của thủ tục hành chính cũng cao hơn mức trung bình của khu vực. “Đây cũng là khó khăn chung giữa các nước ASEAN, do đó đây sẽ là điểm cạnh tranh để thu hút đầu tư”, ông Nakajima Takeo phân tích.

Một hạn chế khác là tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn thấp và tăng chậm, đang ở mức 37,3% còn lại là nhập khẩu nước ngoài. Trong đó thu mua từ Nhật Bản chiếm tỷ lệ lớn nhất, xếp thứ 2 là ASEAN, sau đó là Trung Quốc.

“Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ tăng lương của Việt Nam tăng khá nhanh trong khi Thái Lan, Singapore không tăng nhiều dẫn đến khoảng cách mức lương của Việt Nam với các nước trong khu vực dần thu hẹp. Cùng với đó, Việt Nam cần năng cao năng suất lao động để tăng mức cạnh tranh về nhân công hơn nữa đạt hiệu quả”, Trưởng đại diện JETRO chỉ ra.

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn tăng thu mua tại Việt Nam

Trả lời câu hỏi của Mekong ASEAN tại họp báo về sự thay đổi rà soát chuỗi cung ứng của Nhật Bản ở Việt Nam trong bối cảnh mới, ông ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Việt Nam cho biết, hậu Covid-19, các doanh nghiệp đa quốc gia toàn cầu của Nhật Bản dựa trên chi phí tổng thể sẽ quyết định thu mua nguyên liệu ở thị trường nào rẻ nhất.

“Theo như tôi được biết, nếu trước đây doanh nghiệp Nhật Bản chấp nhận mua xa để được giá rẻ nhưng sau Covid-19, chi phí logistics tăng cao hơn khiến điều này trở nên rủi ro, nên họ đã có những tính toán lại tìm đến những thị trường gần. Trong đó, họ muốn tăng thu mua tại thị trường Việt Nam nhưng giá cả của Việt Nam đang cao điều nay khiến doanh nghiệp Nhật Bản vướng mắc”, ông Nakajima Takeo thông tin.

Theo ông Nakajima Takeo, doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản đang gặp những điều không khớp với nhau về nhu cầu, giá, hay khả năng đáp ứng. Thời gian qua, doanh nghiệp 2 bên đã có những điều chỉnh để có thể hợp tác tốt với nhau.

JETRO cũng đang có những hỗ trợ cho doanh nghiệp 2 bên trong việc kết nối và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin liên quan

Đọc tiếp