Việt Nam – Lào đẩy mạnh hợp tác trong lao động và phúc lợi xã hội

LAO ĐỘNG Việt Nam - Lào
21:40 - 20/10/2021
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH Việt Nam).
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH Việt Nam).
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Bộ Lao động Thương binh Xã hội 2 nước Việt Nam và Lào trong bối cảnh hồi phục sau đại dịch Covid-19

Ngày 19/10, tại Trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã diễn ra hội thảo trực tuyến “Xây dựng Thỏa thuận trong hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ,TB&XH Việt Nam và Ông Vilayphong Sysomvang, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đồng chủ trì Hội thảo.

Tăng cường hợp tác trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hợp tác giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ LĐPLXH Lào đang trở nên ngày càng thiết thực, trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết và truyền thống lâu đời giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam - Lào, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kể từ đầu năm 2020.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao nỗ lực duy trì thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giai đoạn 2019 – 2021, đồng thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hai Bộ đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về hợp tác lao động trong Kỳ họp lần hai của Tổ công tác về thực hiện Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam – Lào 2013.

Mặc dù COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động nhưng hai Bộ vẫn linh hoạt thực hiện hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và người có công.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, từ những hợp tác ngắn hạn ban đầu về công tác xã hội và dạy nghề, đến nay, hai nước đã mở rộng lĩnh vực và đa dạng hóa hình thức hỗ trợ, như: hỗ trợ thiết bị đào tạo với các ngành công nghệ quan trọng (công nghệ ô tô, điện, điện tử và công nghệ thông tin), huấn luyện dạy nghề, hỗ trợ đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học cho sinh viên Lào tại các trường cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Hai bên đang cùng đẩy mạnh hợp tác kết nghĩa giữa các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam – Lào và hợp tác trong khuôn khổ khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong...; khởi động đàm phán hiệp định hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề.

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Ông Vilayphong Sysomvang khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ vẫn luôn được duy trì thông qua các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là các hoạt động trao đổi về lao động, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội…

Hiệu quả hợp tác giữa hai Bộ đã góp phần vào mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào và hy vọng quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Tiến tới Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội Việt Nam - Lào lần thứ 7

Ông Nguyễn Mạnh Cường hy vọng hội thảo hôm nay sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Biên bản kỳ họp Hội nghị Bộ trưởng lao động lần thứ 6, đồng thời thống nhất nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ và dự thảo Biên bản kỳ họp lần 7. Các kết quả của Hội thảo này sẽ là cơ sở quan trọng để chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội Việt Nam - Lào lần thứ 7 dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11/2021.

Dự kiến, hội nghị tháng 11 tới đây sẽ đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng như: hai bên tiếp tục triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác về lao động Việt Nam - Lào ký năm 2013; tăng cường phổ biến thông tin nội dung của Hiệp định; hai bên tạo điều kiện cho việc trao đổi luân phiên các đoàn cán bộ về lao động và xã hội, trong đó có công tác người có công với cách mạng của hai nước thông qua trao đổi đoàn và các hội nghị, hội thảo chuyên đề giữa hai Bộ; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, thông tin về luật pháp, chính sách lao động và phúc lợi xã hội, thị trường lao động; tích cực trao đổi thông tin và phối hợp trong các vấn đề hội nhập quốc tế về lao động và xã hội…

Tin liên quan

Đọc tiếp