Việt - Nhật hợp tác phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Hợp Tác Viêt - Nhật
10:07 - 25/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio có cuộc hội đàm chính thức tối 24/11, trong đó hai bên nhất trí thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và coi đó là chìa khóa khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Sau cuộc hội đàm, Việt Nam và Nhật Bản đã ra “Tuyên bố chung về việc mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”. Hai bên khẳng định là đối tác quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược và còn nhiều tiềm năng to lớn để phát triển.

Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, còn Việt Nam nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức. Ảnh: TTX

Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức. Ảnh: TTX

Hai bên thống nhất sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ba đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường năng lực y tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở cửa cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản.

Trong bối cảnh Covid-19, hai thủ tướng nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong công cuộc phòng chống Covid-19, đặc biệt là việc Nhật Bản công bố viện trợ thêm 1,5 triệu liều vaccine trong chuyến thăm lần này, nâng tổng số vaccine viện trợ cho Việt Nam lên 5,6 triệu liều.

Hai thủ tướng cũng nhất trí hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp hai bên, cải thiện môi trường đầu tư thông qua hợp tác trong nhiều lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển công nghiệp phụ trợ, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trên phạm vi toàn cầu. Những nỗ lực này là chìa khóa khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, hai người người đứng đầu chính phủ đã chia sẻ nhận thức về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hậu Covid-19. Vì vậy, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh thông qua các nghiên cứu hình thành dự án, hạ tầng băng thông rộng bao gồm 5G và an ninh thông tin.

Nhật Bản công bố viện trợ thêm 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong chuyến thăm lần này, nâng tổng số vaccine viện trợ của Nhật Bản lên 5,6 triệu liều. Ảnh: TTX
Nhật Bản công bố viện trợ thêm 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong chuyến thăm lần này, nâng tổng số vaccine viện trợ của Nhật Bản lên 5,6 triệu liều. Ảnh: TTX

Việt Nam và Nhật Bản cũng sẽ cùng tháo gỡ vướng mắc trong triển khai một số dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản, thúc đẩy kết nối khu vực cũng như các dự án cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm như đường sắt, sân bay, cảng, đường cao tốc ở Việt Nam, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp.

Hai thủ tướng khẳng định Việt Nam và Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hợp tác du lịch và tạo điều kiện đi lại cho nhân dân hai nước, phấn đấu sớm phục hồi trao đổi khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt như mức trước đại dịch, hướng đến trao đổi khách du lịch cao hơn nữa trong các năm sau. Sau khi thống nhất, hai bên khẳng định sẽ trao đổi sớm công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11. Ông là lãnh đạo đầu tiên tới thăm chính thức Nhật Bản kể từ khi ông Kishida Fumio nhậm chức hồi đầu tháng 10.

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011. Nhật cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Nhật Bản gần đây là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam, đồng thời là thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp