Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”. Ảnh: BTC |
Ngày 16/11, Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề "Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta" được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện diễn ra đúng 2 năm sau Hội nghị COP26, nơi 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua một thỏa thuận lịch sử.
Thỏa thuận này tái khẳng định việc duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp, các quốc gia gồm Việt Nam đã cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Cam kết này một lần nữa được tái khẳng định tại Hội nghị COP27 và sẽ tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28 tổ chức tại UAE sắp tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ, trong đó tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững,.
"Mục tiêu này trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã tiếp tục thể hiện khát vọng của Việt Nam hướng tới một quốc gia, một nền kinh tế phát triển bền vững", Thứ trưởng nhấn mạnh tại hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức sáng 16/11.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, kinh tế thế giới trong giai đoạn sắp tới dự kiến sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi các quốc gia phải chung tay xây dựng và triển khai các biện pháp và huy động nguồn lực để ứng phó.
Đối với Việt Nam, các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học, công nghệ còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường như vậy, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát triển vững trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.
Thứ hai, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.
Thứ ba, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ sáu, tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, các giải pháp cũng cần tập trung vào việc tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.
"Với những giải pháp đề ra, cùng nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin tưởng quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.