Kế hoạch phát hành cổ phiếu này nhằm tăng vốn điều lệ của MIC từ gần 1.727 tỷ đồng lên hơn 2.014 tỷ đồng.
25,9 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ được MIC phát hành theo tỷ lệ 15%, cổ đông được quyền mua thêm 15 cổ phiếu với mỗi 100 cổ phiếu sở hữu, mức giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ được quyền tự do chuyển nhượng.
MIC sẽ phát hành trong quý 4/2023 và/hoặc quý 1/2024 và dự kiến huy động được hơn 259 tỷ đồng.
Số cổ phiếu còn lại chưa phân phối hết sẽ được MIC chào bán cho các nhà đầu tư khác với mức giá không thấp hơn mức giá đã chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư khác sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Trong trường hợp cổ phiếu không phân phối hết và số vốn huy động không đạt đủ như theo dự kiến. HĐQT sẽ cân nhắc sử dụng nguồn vốn sẵn có từ hoạt động kinh doanh của công ty hoặc huy động từ các nguồn hợp pháp khác như vay ngân hàng nhằm bù đắp phần còn thiếu để thực hiện kế hoạch sử dụng vốn.
Về chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), công ty dự kiến phát hành 2,86 triệu cổ phiếu, mức giá phát hành cũng là 10.000 đồng/cp. Đối tượng được tham gia chương trình ESOP là nhân viên tiêu biểu, tài năng, cán bộ chủ chốt, thành viên HĐQT, ban kiểm soát của MIC. Lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Việc phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024, sau khi Bộ Tài chính có công văn chấp thuận và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận đủ tài liệu báo cáo phát hành.
Với tổng cộng gần 288 tỷ đồng huy động được, MIC dự kiến sử dụng 100,5 tỷ đồng để đầu tư tăng năng lực, giải pháp triển khai chiến lược. Trong đó, 70 tỷ đồng sử dụng đầu tư hệ thống hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin, 5 tỷ đồng để triển khai các giải pháp chiến lược, 25,5 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị, cải tạo, sửa chữa.
Hơn 187,1 tỷ đồng còn lại sẽ đầu tư tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 12 tháng tới 24 tháng, với tỷ suất sinh lời dự kiến là 7%/năm.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu này đã được MIC đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 và được cổ đông thông qua. Theo Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Quân đội Uông Đông Hưng, việc đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho chuyển đổi số, đặc biệt là đầu tư hệ thống hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin sẽ tạo nền tảng vững chãi cho chiến lược 5 - 10 năm tới của công ty, giúp MIC nắm bắt cơ hội đi tắt đón đầu trong xu hướng chuyển đổi số.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm, MIC ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.426 tỷ đồng giảm 6%. Nhờ tăng trưởng doanh thu tài chính tốt, lợi nhuận trước thuế kỳ này của MIC tăng gấp rưỡi cùng kỳ, lên 161 tỷ đồng.
Năm 2023, MIC đặt mục tiêu đạt 6.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc và 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 17% và 75% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành được 39,8% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận năm.
Kết phiên 4/10, cổ phiếu MIG tăng 2,06% lên 17.350 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 2.996 tỷ đồng. Ảnh chụp bảng giá SSI |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MIG đang chứng kiến một đợt giảm nhẹ sau khi thị trường tụt dốc hồi giữa tháng 9. Trước đó, cổ phiếu duy trì đà tăng trưởng kéo dài từ đầu tháng 3 tới giữa tháng 8 và trở lại vùng giá cao nhất trong vòng gần 1 năm qua, khi đạt mức 20.500 đồng/cp, phiên 8/8.
Sau đó, thị trường có những nhịp điều chỉnh khiến thị giá cổ phiếu sụt giảm về quanh mức 17.000 đồng/cp. Kết phiên 4/10, cổ phiếu MIG tăng 2,06% lên 17.350 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 2.996 tỷ đồng.