Trong báo cáo chiến lược năm 2025 công bố ngày 20/12, Chứng khoán MB (MBS) nhận định, kể từ đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì xu hướng cải thiện qua các quý liên tiếp, quý 1/2024 tăng trưởng 5,87%; quý 2/2024 tăng trưởng 6,93%; quý 3/2024 tăng trưởng 7,4%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, GDP ước tăng 6,82%.
Theo đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng đạt 7,6% - 8% trong quý 4/2024, nhằm đạt được hoặc thậm chí vượt qua mục tiêu tăng trưởng cả năm của Chính phủ là 7%.
"Theo đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 sẽ đạt 7% - 7,1%, trên cơ sở tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm lại trong quý 4/2024 (trên nền cao của năm trước), song khu vực dịch vụ sẽ phục hồi và trở thành đầu kéo trong quý cuối năm," chuyên gia MBS dự báo.
6 chủ đề định hình kinh tế Việt Nam
MBS nhận định sau năm 2024 chạy đà ấn tượng, Việt Nam sẽ tiếp tục bứt tốc tăng trưởng từ 7% đến 7,5% trong 3 năm tới, là ngôi sao của khu vực ASEAN-6. MBS cho rằng sẽ có 6 chủ đề chính định hình triển vọng vĩ mô của Việt Nam trong năm 2025.
Thứ nhất, sản xuất vẫn duy trì triển vọng tích trong bối cảnh nhu cầu thế giới tiếp tục phục hồi, cầu đầu tư trong nước cũng đang khả quan. Hơn nữa, giai đoạn này có sự khác biệt khi Việt Nam đang sẵn sàng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, chuyển dịch sang mảng sản xuất dịch vụ sang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng lớn như hoàn thành cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc và sân bay Long Thành, nhằm đảm bảo cho tăng trưởng cũng củng cố năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, lạm phát năm 2025 không phải là mối lo ngại lớn, phần nào tạo dư địa cho NHNN tung ra các chính sách thúc đẩy cầu tiêu dùng, đầu tư nội địa.
Thứ tư, chính sách điều hành của Trump 2.0 và tác động tiềm tàng đến kinh tế vĩ mô Việt Nam là yếu tố cần theo dõi.
Thứ năm, ẩn số phục hồi của kinh tế Trung Quốc có thể tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.
Thứ sáu, mặc dù chu kỳ nới lỏng toàn cầu đã bắt đầu, song dư địa về chính sách tài chính của Việt Nam không còn quá lớn do áp lực tỷ giá. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cần cân đối giữa rủi ro tỷ giá trong ngắn hạn và mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
"Tiếp nối kết quả kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững ở mọi khía cạnh trong năm tới, tăng trưởng 7,1% trong năm 2025. Trong đó, việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công cùng với các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng nội địa," MBS nhận định.
Nền tảng vững chắc một chu kỳ tăng trưởng toàn diện của thị trường chứng khoán
Về mặt đầu tư, MBS cho rằng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thuận lợi kết hợp với yếu tăng trưởng lợi nhuận hoạt động kinh doanh sẽ là nền tảng vững chắc một chu kỳ tăng trưởng toàn diện của thị trường chứng khoán trong năm tới.
MBS ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt 18% - 19% giai đoạn 2025 - 2026 đóng góp bởi sự ổn định của ngành ngân hàng, bán lẻ, cũng như từ phục hồi từ đáy của ngành bất động sản, xây dựng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi. Kỳ vọng chu kỳ nới lỏng của Mỹ sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Về định giá, xét theo nhóm ngành, nhiều nhóm ngành đang có định giá P/E thấp hơn so với trung bình 3 năm gần nhất, mở ra nhiều cơ hội đầu tư tích lũy các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành. Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 18% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 12,5 – 13 lần P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400 – 1.420 trong năm 2025.