Bầu Đức và một thập kỷ giải bài toán trồng cây nào, nuôi con gì

Bầu Đức và một thập kỷ giải bài toán trồng cây nào, nuôi con gì

bầu Đức HAGL
08:29 - 15/10/2023
Bầu Đức mới tuyên bố “trồng sầu riêng một vốn bốn lời” và đây sẽ là sản phẩm đóng góp lớn nhất cho HAGL trong tương lai.

Cách đây hơn một thập kỷ, khi đang ở thời hoàng kim của ngành gỗ, bất động sản và thủy điện, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) gây bất ngờ khi rẽ sang làm nông nghiệp quy mô lớn. Từ đó đến nay, HAGL vẫn trung thành với lĩnh vực kinh doanh này nhưng chiến lược, sản phẩm đã liên tục thay đổi.

Năm 2012, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố: "Phải bán nhà cũng trồng cao su". Đây chính là sản phẩm chủ lực mà công ty lựa chọn khi chuyển hướng sang làm nông nghiệp từ cuối năm 2007. Ngoài ra, HAGL còn trồng mía và cọ dầu.

HAGL đầu tư trồng cao su diện tích lớn ở 3 nước: Vùng Tây Nguyên của Việt Nam, vùng cao nguyên Attapeu của Lào và Campuchia. Năm 2013, diện tích trồng cao su của HAGL lên tới hơn 50.000 ha. Không chỉ quy mô lớn, công ty còn đầu tư rất bài bản, với việc thuê nhiều chuyên gia, các nhà khoa học tư vấn, mua công nghệ cao. Trung bình tại Attapeu, tổng chi phí đầu tư cho 1ha cao su là 5.000 USD, trong đó riêng công nghệ tưới nhỏ giọt bù áp lên tới 1.000 USD.

Khi ấy, Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su. Hệ thống này gồm các bể chứa nước, van điều áp và hệ thống đường ống dẫn nước đến từng gốc cao su. Nhờ van điều áp mà nước bơm nhỏ giọt qua các van đặc biệt, được nhập khẩu từ Isarel, vào từng gốc cao su đều một lượng nước là 2 lít mỗi giờ. Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây phát triển quanh năm nên cao su Hoàng Anh Gia Lai trồng chỉ 4 năm tuổi là thu hoạch được, rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình thông thường.

Đầu tư lớn với kỳ vọng cao nhưng những gì cây cao su đem lại cho bầu Đức và HAGL lại không được như kỳ vọng. Giai đoạn bầu Đức "đoạn tuyệt" với bất động sản để "tất tay" sang cao su là thời kỳ lập đỉnh của giá cao su thế giới, giá lên tới hơn 6.000 USD/tấn mủ. Tuy nhiên khi cây cao su của HAGL cho sản phẩm lớn, giá cao su lại rớt thê thảm, về mức thấp nhất chỉ còn 1.100 USD/tấn mủ.

Tình hình kinh doanh không thuận lợi, Hoàng Anh Gia Lai còn đối mặt với áp lực tài chính lớn do dùng “đòn bẩy” cao để đầu tư. Năm 2011, nợ vay của công ty đã lên tới hơn 11.000 tỷ đồng. Con số nợ sau đó cứ tăng dần theo từng năm và đỉnh điểm năm 2015 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng.

Đứng trước nguy cơ mất thanh khoản và phá sản, HAGL quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi. Năm 2014, công ty thực hiện chuyển đổi 2.000 ha cao su tại Gia Lai sang dự án nuôi bò. Tổng diện tích cao su giảm từ 44.500 ha xuống 42.500 ha. Năm 2015, công ty tiếp tục chuyển đổi một số diện tích cao su sang dự án chăn nuôi bò, diện tích cao su giảm còn hơn 38.000 ha.

Khi chuyển sang nuôi bò, bầu Đức cũng đầu tư lớn với kỳ vọng cao. Năm 2015, HAGL nhập về trên 120.000 con từ Australia, trong đó tới 110.000 bò thịt, còn lại là bò sữa. Đến năm 2016, HAGL nâng tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con. Công ty đặt mục tiêu là năm 2017 sẽ chiếm tới 40% tổng đàn bò cả nước. Sản phẩm kinh doanh không chỉ là thịt bò, sữa tươi mà còn cả phân bò.

Mô hình kinh doanh của HAGL thời điểm đó khá chuyên nghiệp, với hệ sinh thái nông nghiệp từ trồng trọt và chăn nuôi đan xen, bổ trợ cho nhau, tối ưu chi phí. Các sản phẩm phụ của ngành trồng trọt như cây bắp, bã mía, mật rỉ đường, bẹ lá cọ dầu, bã cọ dầu là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho bò. Nhờ vậy, chi phí thức ăn chăn (chiếm tới 80% cấu thành tổng chi phí) sẽ rất thấp.

Ngược lại, phân bò ngoài sử dụng để bón cây còn tạo ra khí đốt để chạy nhà máy điện. Nguồn điện này sẽ được sử dụng để vận hành hệ thống tưới cho cây trồng và thắp sáng chuồng trại chăn nuôi, vận hành thiết bị phục vụ. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, bầu Đức còn khiến cổ đông “choáng” khi tiết lộ: “Mỗi ngày HAG thu về khoảng 1 tỷ đồng từ… phân bò”.

Thực tế, nuôi bò đã là động lực cho HAGL trong những năm khủng hoảng dòng tiền do sử dụng “đòn bẩy” tài chính quá cao. Năm 2015, bán bò đóng góp doanh thu chủ lực cho công ty với 2.541 tỷ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu; vượt xa các mảng hợp đồng xây dựng, đường, bắp... Trừ đi giá vốn, đàn bò mang về cho HAG hơn 750 tỷ đồng lợi nhuận.

Sang năm 2016, giai đoạn cơn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm với việc cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn, doanh thu từ đàn bò cũng là bệ đỡ giúp “đế chế” của bầu Đức thoát khỏi cảnh sụp đổ. Cụ thể, doanh thu bán bò mang về cho công ty tới gần 3.500 tỷ đồng, chiếm 54% tổng doanh thu; 440 tỷ đồng lợi nhuận. “Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”, bầu Đức khẳng định vai trò của đàn bò với công ty trên truyền thông khi đó.

Đàn bò mang về hơn 6.000 tỷ đồng trong 2 năm nhưng kết cục cũng không phải là hướng đi lâu dài của HAGL. Chỉ bùng lên chóng vánh, năm 2017, đàn bò bị cắt giảm quy mô xuống còn 13.000 con và chỉ đóng góp 37 tỷ đồng lợi nhuận cho HAGL. Đến năm 2020, kết quả kinh doanh mảng nuôi bò không còn xuất hiện trên báo cáo thường niên của công ty.

Mảng bò sau này được chuyển giao cho Thaco, cùng HAGL Agrico (HNG). Nhắc lại câu chuyện nuôi bò tại ĐHĐCĐ năm 2022 của HAGL Agrico, bầu Đức cho biết, thực tế khoản lợi nhuận nuôi bò rất lớn, nhưng do nợ ngân hàng quá nhiều và mất thanh khoản ở mảng cao su nên HAGL gặp khó khăn trong xoay vòng vốn.

"Hồi đó nuôi bò lời dữ lắm, thậm chí bán phân bò cũng đủ tiền trả cho nhân công. Nhưng lúc đó HAGL bị mất thanh khoản mảng cao su nên ngân hàng họ "khoá sổ", cứ bán được con bò nào thu luôn tiền con đấy. HAGL không xoay vòng vốn được, không thể tái đàn nổi", bầu Đức trần tình.

Sau khi chuyển giao HAGL Agrico cho Thaco, bầu Đức vẫn theo đuổi mảng nông nghiệp nhưng thu hẹp hoạt động Hoàng Anh Gia Lai theo hướng “một cây, một con”, đó là nuôi heo và trồng chuối. Cũng từ đây, thương hiệu “heo ăn chuối” ra đời, giúp HAG từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh và thu hút nhà đầu tư trở lại.

Theo chiến lược của Hoàng Anh Gia Lai, chuối trồng ra sẽ xuất khoảng 50%, còn lại tái sử dụng cho chăn nuôi. Sau thời gian thử nghiệm, công ty đã tìm ra công thức chế biến thức ăn cho heo với 40% thành phần là chuối, còn lại là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc… giúp heo có giá thành thấp mà chất lượng cũng đặc biệt so với các sản phẩm trên thị trường.

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt thương hiệu heo ăn chuối năm 2022, bầu Đức cho biết từ thời điểm chuyển giao HAGL Agrico cho Thaco, HAG đã tái cấu trúc một lần nữa, với định hướng là phải chọn sản phẩm ngắn ngày, không thể đầu tư quá 3 năm vì không có đủ tài chính. Do đó, HAG đã chọn cây chuối để 9 tháng thu hoạch và con heo cũng từ 6-8 tháng xuất chuồng.

Theo Chủ tịch của HAGL, trồng chuối xuất khẩu, phụ phẩm chuối loại ra nhiều, mỗi năm có thể lên đến 200.000 tấn, còn nuôi heo thì thức ăn chiếm khoảng 75% giá thành, nếu kết hợp heo ăn chuối sẽ giải quyết được cả 2 việc cho mảng trồng chuối và mảng chăn nuôi của tập đoàn. "Lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được", bầu Đức nói về ý tưởng nuôi heo ăn chuối. Mất ngủ là do ông vui mừng vì linh cảm "thời đang tới" sau nhiều năm vật lộn với trồng cây gì, nuôi con gì và chìm trong nợ nần.

Có vẻ đúng như linh cảm của vị doanh nhân khi năm 2022, heo ăn chuối đã giúp kết quả kinh doanh của HAGL tăng trưởng vượt trội. Doanh thu của công ty đạt 5.110 tỷ đồng, tăng 144% so với năm 2021. Trong đó doanh thu bán trái cây đạt 2.240 tỷ đồng, doanh thu bán heo đạt 1.697 tỷ đồng, lần lượt chiếm tỷ lệ 44%, 33% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế HAGL của công ty đạt 1.125 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm 2021. Đáng nói, con số lợi nhuận trên đã lần đầu tiên trong 8 năm từ 2015 đến nay đưa HAGL quay lại câu lạc bộ các doanh nghiệp lãi trên nghìn tỷ.

“Thừa thắng xông lên”, năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục đặt kỳ vọng lớn với doanh thu 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận 1.130 tỷ đồng. Tuy nhiên giá heo về mức thấp khiến công ty gần như không có lợi nhuận ở mảng này. 6 tháng đầu năm, HAG mang về 3.147 tỷ đồng doanh thu, trong đó chăn nuôi đóng góp 1.007 tỷ đồng và ngành cây ăn trái 1.271 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 405 tỷ đồng, giảm 23% so với bán niên 2022, mới hoàn thành 36% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Giữa lúc kinh doanh chững lại, bầu Đức lại gây bất ngờ khi công bố sản phẩm chiến lược mới của HAGL. Đó chính là sầu riêng. Thông tin tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 8 vừa qua, Chủ tịch HAG cho biết, chuối vẫn là nguồn thu chính ở hiện tại nhưng sầu riêng mới chính là "mỏ vàng" của tương lai. Tổng diện tích vườn sầu riêng của HAGL là 1.200 ha, trong số này có 200 ha mới trồng, 700 ha từ 4 - 5 năm tuổi chủ yếu tại Lào sẽ cho thu hoạch vào tháng 10 – 11/2024.

Năm 2023, vườn sầu riêng của bầu Đức mới cho thu hoạch một phần nhỏ, tuy nhiên tỷ suất sinh lợi rất hấp dẫn. Ông dẫn chứng, trong 21 ha cho trái năm thứ 2, công ty hoạch toán chi phí 3,6 tỷ đồng một năm, trong đó khoản thu từ bán sầu riêng đạt 18 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của 21 ha này đạt 14,4 tỷ đồng. Như vậy, một đồng vốn bỏ ra thu về 5 đồng lời.

Bầu Đức chia sẻ, thời gian qua, HAGL phải "dò đường" nên không tránh khỏi tình trạng trồng - chặt. Đến nay, công ty đã xây dựng hoàn thiện được mô hình 2 cây 1 con là chuối, sầu riêng và heo. Heo bán nội địa, chịu sự chi phối của thị trường cạnh tranh gay gắt, giá trồi sụt nhiều. Tuy nhiên chuối và sầu riêng đều rất tiềm năng. Với sầu riêng, HAG đã trồng từ năm 2018 nhưng bầu Đức không chia sẻ thông tin với ai vì sau những thăng trầm cuộc đời, ông không muốn nói trước bất cứ điều gì và chỉ công bố khi đã có thành quả.

“Năm đó, tôi quyết liệt lắm mới có vườn sầu riêng hôm nay. Tôi cũng giấu đi vì thân đã lo không xong còn đi trồng sầu riêng, không khéo cổ phiếu giảm nữa. Nhưng giờ, tôi dám nói tương lai xa hơn sầu riêng sẽ là mảng đóng góp chính cho HAGL”, bầu Đức nhấn mạnh.

Năm 2023, HAGL dự kiến có lãi như kế hoạch, trả 1.000 tỷ đồng nợ cho ngân hàng. Từ 2024, công ty kỳ vọng có lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng và dùng để trả nợ. Ban lãnh đạo khẳng định hiện không còn nhu cầu vay vốn để đầu tư. Đến 2026, công ty sẽ cố gắng xử lý hết khoản 7.600 tỷ đồng nợ ngân hàng.

Đọc tiếp