Nhóm cổ phiếu bất động sản là trụ đỡ để thị trường giữ thế cân bằng. |
Kết phiên 29/9, VN-Index tăng 1,7 điểm lên mốc 1.154,15 điểm. HNX-Index tăng 1,8 điểm và UPCoM cũng tăng 0,34 điểm. Thanh khoản sụt giảm đáng kể so với mức trung bình thời gian qua, tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn chỉ đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng và bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, CTG bị bán ròng mạnh nhất 89 tỷ đồng. Tiếp theo là VCI 76 tỷ đồng, HPG 52 tỷ đồng, DPM 47 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND 40 tỷ đồng, HCM 31 tỷ đồng, VIC, STB, SSI trên 20 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất DXG và GAS nhưng giá trị chỉ hơn 20 tỷ đồng. VCG, MWG, DGW, FTS cũng được mua ròng hơn 10 tỷ đồng, còn lại khối ngoại gom ròng rải rác tại LHG, GEX, BSI, PDR, FRT, TPB, VRE…
Mã đóng góp lớn nhất cho chiều tăng của chỉ số hôm nay là VIC, với mức tăng 4,1% lên mức giá 46.850 đồng. Cổ phiếu này vẫn đang giao dịch ở vùng đáy 6 năm. Hai cổ phiếu còn lại thuộc nhóm Vingroup cũng diễn biến tích cực, với VHM tăng 2,3% và VRE tăng 2,6%.
Trong nhóm VN30 còn có BCM tăng 3,4%, VPB tăng 2,4%, SHB tăng 1,4%, POW, SAB, ACB tăng nhẹ. Ngược lại, giảm mạnh nhất là CTG -2,6%; FPT, HPG, SSI, TPB giảm hơn 1%; VNM, VCB, STB, PLX, MWG, MSN, GVR, GAS, BVH giảm nhẹ.
Nhờ sự bứt phá của bộ ba VIC, VHM, VRE nên nhóm bất động sản chính là trụ lực chính để thị trường giữ được cân bằng. Ngoài các bluechip, nhiều mã bất động sản khác cũng tăng giá như DIG +2,5%, PDR +1,3%, CRE +3%, DXS +2,7%, NTL +2,2%, FIR +5%...
Đáng chú ý có LHG tăng trần lên mức giá 33.450 đồng/cp. Trong đợt thị trường điều chỉnh này, cổ phiếu của Long Hậu không những không bị tác động mà còn về lại vùng giá cao nhất kể từ tháng 9/2022. So với thời điểm giữa tháng 8/2023, mã tăng 27%; còn tính từ tháng 11/2022 đến nay, LHG đã tăng 120%.
Chiều ngược lại, một số mã bất động sản vẫn chịu áp lực bán như NVL -1%, TCH -3,3%, NLG -1,5%, KBC -1,4%, HDC -1%...
Nhóm xây dựng có diễn biến khá tương đồng với nhóm bất động sản. Vốn hóa toàn nhóm được kéo lên bởi HUT, VCG, LGC, PC1, CII, BCG, DPG, LCG, FCN, THD… Trong đó, HUT bứt phá nhất với mức tăng 6,5%. Sau khi giảm về vùng 23.000 đồng, cổ phiếu của Tasco nhận được lực cầu bắt đáy và tăng mạnh trở lại trong 3 phiên trở lại đây, hiện đã về lại mức giá 24.500 đồng.
Tasco vừa công bố báo cáo tổng hợp thông tin tài chính quy ước theo quy định sau khi hoàn thành sáp nhập SVC Holdings. Theo đó, doanh thu năm 2022 của Tasco đạt 26.846,6 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 1.218% so với doanh thu quy ước năm 2021; lợi nhuận trước thuế quy ước 2022 đạt 739,5 tỷ đồng, tăng 350% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nhóm ở chiều tăng hôm nay còn có thủy sản, vận tải kho bãi, sản phẩm cao su, sản xuất gia dụng… tuy nhiên mức tăng không đáng kể và tỷ lệ điều chỉnh của các cổ phiếu cũng không lớn.
Các nhóm gây áp lực lên thị trường là chứng khoán, thép. Nhóm chứng khoán bị kéo giảm bởi SSI, VIX, SHS, VND, VCI đều điều chỉnh. Vẫn có nhiều mã nhỏ hút tiền vào, như HAC tăng 6,8%, VUA tăng 4,6%, BMS, EVS tăng 2-3%. Nhóm thép ngoài HPG thì HSG và NKG cũng giảm giá.
Nhóm ngân hàng gần như đi ngang khi các mã đầu ngành CTG, STB, TPB, VCB là tác nhân gây giảm điểm. Bù lại, đa số các mã nhỏ đều tăng giá, với SGB tăng hơn 12%, NVB tăng hơn 8%, EIB tăng gần 3%.