Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật số 10/2022/QH15 về Thực hiện dân chủ ở cơ sở, một bước tiến quan trọng từ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Ngoài việc quy định các nội dung liên quan đến ngân sách mà chính quyền cấp xã phải công khai, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 còn thúc đẩy các quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, củng cố khẩu hiệu: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" từ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11.
Theo kết quả khảo sát PAPI thường niên từ 2016 đến 2022, có 30-42% người dân xác nhận số liệu về ngân sách và chi tiêu được công khai tại cấp xã. Trong số đó, có 25-32% đọc số liệu, và 69-86% số người đọc số liệu nói rằng họ tin tưởng các thông tin đó. Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2021 cũng chỉ ra sự tham gia của công dân trong quy trình ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công khai ngân sách Nhà nước cùng sự tham gia của người dân, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và Hội Nhập (CDI) thực hiện với sự chủ trì của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu thực chứng "Chính sách và thực tiễn về mức độ công khai ngân sách Nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách".
Với mục đích chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi hàm ý chính sách và thực tiễn với các bên liên quan, BTAP phối hợp với UNDP tổ chức Tọa đàm "Một số Thực hành tốt trong Công khai Ngân sách địa phương và Hàm ý chính sách" sáng ngày 29/8.
Khoảng trống giữa quy định pháp luật và quá trình triển khai trên thực tiễn
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tại tọa đàm, ThS. Phạm Văn Long cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy các quy định của pháp luật liên quan đến công khai ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào công tác quản lý Nhà nước nói chung và chu trình ngân sách nói riêng tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn một số khoảng trống giữa văn bản pháp luật và quá trình triển khai trên thực tiễn.
Với các quy định và hướng dẫn hiện nay liên quan đến vấn đề công khai ngân sách Nhà nước các cấp tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015, như Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Thông tư số 343/2017/TT-BCT, trên thực tiễn, người dân có ít thời gian hoặc không có thời gian tiếp cận, tìm hiểu về dự thảo dự toán ngân sách để có thể tham gia góp ý, phản biện về ngân sách, vì khó có thể xác định được thời điểm công khai đối với tài liệu này do không có quy định về ngày cụ thể.
"Hơn nữa, khoảng thời gian công khai kể từ khi tài liệu được gửi tới các Đại biểu HĐND cho tới khi HĐND các cấp họp và ra quyết nghị chỉ có năm ngày là quá ngắn", báo cáo đánh giá.
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường, thị trấn trong việc bắt buộc công khai thông tin ngân sách xã, bao gồm cả thông tin về các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của cấp xã.
Điều này ảnh hưởng tới tính sẵn có của các tài liệu ngân sách, khi UBND xã, phường, thị trấn chỉ có trách nhiệm niêm yết các tài liệu ngân sách xã trong thời gian ít nhất 30 ngày kể từ ngày niêm yết.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, một vấn đề quan trọng nữa đó là vẫn chưa có chế tài xử lý vấn đề không công khai/chậm công khai các tài liệu ngân sách theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này có thể dẫn tới việc cán bộ/công chức xem nhẹ tầm quan trọng của việc công khai các tài liệu ngân sách theo quy định bắt buộc.
Nghiên cứu về công khai ngân sách Nhà nước các cấp tại địa phương
Kết quả của nghiên cứu thực địa tại hai tỉnh Điện Biên và Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh – chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số, mà chưa lan tỏa xuống các cấp hành chính thấp hơn.
Sự khác biệt về việc thực hành công khai ngân sách giữa hai tỉnh được thể hiện rõ ràng hơn ở cấp huyện, cấp xã và trên địa bàn các thôn/bản/tổ dân phố/khu dân cư.
Tại tỉnh Điện Biên, nơi phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự hiệu quả, theo nhóm nghiên cứu.
"Các bằng chứng tại thực địa cho thấy việc công khai tài liệu mang tính chất đối phó, phục vụ cho mục đích khảo sát của nhóm nghiên cứu chứ chưa xuất phát từ mục đích cung cấp thông tin cho người dân", báo cáo đánh giá.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi mà người dân đóng góp tương đối nhiều vào ngân sách thì việc thực hiện công khai ngân sách cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, mặc dù vẫn còn một vài hạn chế.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Trưởng nhóm Nghiên cứu chia sẻ: "Việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về việc công khai ngân sách hiện nay tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số".
Do đó, bên cạnh nhiều phương pháp căn cơ, dài hạn nhằm thúc đẩy tính minh bạch, trước mắt cần cải thiện tính công khai, minh bạch thông qua việc thực hành công khai ngân sách ở các cấp thấp hơn, đầu tiên là cấp huyện, coi đó như một phần đánh giá mức độ công khai của các tỉnh. Rồi tiếp đó sẽ là tới cấp thấp hơn nữa.
Ông Nguyễn Quang Thương, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập, tổ chức điều phối BTAP cũng nhìn nhận, kết quả của nghiên cứu cho thấy các UBND tỉnh và Sở Tài chính của các tỉnh thực hành tốt về công khai ngân sách tỉnh cần lan toả được tinh thần và văn hoá công khai minh bạch tới cấp huyện và xã để đảm bảo thông tin ngân sách cấp huyện và xã cũng được công khai đầy đủ theo đúng quy định.