Cần Thơ, điểm đến tin cậy hấp dẫn của các nhà đầu tư

Cần Thơ, điểm đến tin cậy hấp dẫn của các nhà đầu tư

ĐẦU TƯ CẦN THƠ
09:18 - 22/01/2023

Với tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ hướng đến là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Nhân dịp đầu xuân Quý Mão, Mekong ASEAN có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, xung quanh tiềm năng và thế mạnh phát triển của thành phố..

Mekong ASEAN: Nhìn lại năm 2022 khi các địa phương đều tăng tốc phục hồi kinh tế, ông có thể chia sẻ về những thành tựu TP Cần Thơ đã đạt được trong năm vừa qua?

Ông Trần Việt Trường: Trong năm qua, Thành phố (TP) Cần Thơ đã tích cực triển khai chủ trương, đường lối và chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Nhờ vậy, tình hình kinh tế TP tiếp tục phục hồi, khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng đạt mức cao 12,64% so năm 2021.

Điều vui mừng là các lĩnh vực kinh tế đều tăng so cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,49%; công nghiệp và xây dựng tăng 18,18%; dịch vụ tăng 13,19%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,37%. GRDP/người của TP đạt 85,99 triệu đồng/người, vượt 10,95% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 17,21% so với năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 1.907,5 triệu USD, tăng 35,67% so với 2021. Du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đợt dịch, với tổng lượt khách đến TP đạt hơn 5,1 triệu lượt, gấp 1,4 lần so năm 2021; tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.117 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm trước.

TP Cần Thơ cũng đã tập trung huy động các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 34.300 tỷ đồng, vượt 5,54% kế hoạch, tăng 38,47% so năm 2021. Trong đó, nguồn vốn ngoài Nhà nước đạt 25.989 tỷ đồng, vượt 10,92% kế hoạch, tăng 43,28%. Kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2022 ước đến ngày 30/01/2023 thực hiện 6.136 tỷ đồng/6.359,402 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96,49% kế hoạch.

Thu ngân sách Nhà nước theo dự toán giao thực hiện 11.420 tỷ đồng, vượt 2,73% dự toán Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, tăng 11,01% so năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương 14.682,3 tỷ đồng, đạt 98,38% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 91,61% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 8,53%.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, đâu là những điểm nhấn chính sách và mục tiêu phát triển nổi bật mà Cần Thơ đặt ra trong năm 2023, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng của Cần Thơ trong việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành tiến độ mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

TP đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 - 10%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,2 - 2,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 12 - 13,4%; dịch vụ tăng 10,2 - 10,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,5 - 6,1%.

Để đạt được mục tiêu này, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND quận huyện tập trung khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của TP. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Mekong ASEAN: Cần Thơ hướng đến xây dựng thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, ông có thể chia sẻ TP đã có những bước chuẩn bị như thế nào về quy hoạch, hạ tầng để đạt được mục tiêu đó? Dự án Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ vừa được khởi công, theo ông sẽ tạo ra bước đột phá nào cho thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung?

Ông Trần Việt Trường: Nhiệm vụ quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020. Sau hơn một năm tổ chức triển khai thực hiện, dự thảo Quy hoạch TP đã cơ bản được hoàn thành theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.

TP Cần Thơ đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh thực hiện việc lập quy hoạch phát triển; hoàn thành hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hiện đang trình Bộ Xây dựng thẩm định theo quy định); hoàn chỉnh nội dung kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025) TP Cần Thơ, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Đây là những cơ sở quan trọng cho các mục tiêu phát triển TP trong thời gian tới.

Với Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ quan lập quy hoạch đã tổ chức trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì), dự kiến sẽ tổ chức thẩm định vào đầu tháng 01/2023.

Sau khi được phê duyệt và công bố Quy hoạch, UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện, nhất là trong công tác thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển TP theo đúng mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đó là xây dựng Cần Thơ thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…

Với dự án Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ, quy hoạch có điểm đầu từ Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đến điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, tổng chiều dài khoảng 53,5 km. Trong đó, đoạn thuộc dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C) đã tổ chức khởi công vào ngày 17/11/2022, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 6 năm 2025 để đăng ký công trình chào mừng Đại hội Đảng thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đoạn từ giao với đường Võ Nguyên Giáp (Quốc lộ Nam Sông Hậu) tại cảng Cái Cui đến nút giao IC4 của Quốc lộ 1 giao với Quốc lộ 61C dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản xây dựng hoàn thành dự án vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Đoạn còn lại từ Quốc lộ 91 đến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có chiều dài 25 km, dự kiến triển khai xây dựng trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đây là trục vành đai ngoài phía Tây đặc biệt quan trọng của TP Cần Thơ, tách luồng phương tiện có tải trọng lớn đi vào TP, giảm áp lực đến các tuyến đường nội đô. Đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, mở rộng không gian đô thị, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới, hiện đại, thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu dọc theo các dự án.

Bên cạnh đó, tuyến sẽ kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL như Quốc lộ Nam Sông Hậu, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61C đến Quốc lộ 91, tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối TP Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL.

Hiện Bộ GTVT và UBND Thành phố cũng đang triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng qua TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025: Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tất cả sẽ là cơ sở để Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Mekong ASEAN: Việc thu hút nguồn vốn là rất quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, các lĩnh vực, dự án tiềm năng mà Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư cũng như những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận là gì, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư mới 5 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng, lũy kế hiện có 99 dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn TP với tổng diện tích đất khoảng 2.316,4 ha. Cấp mới 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 174,23 triệu USD; lũy kế có 86 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.223,26 triệu USD.

Dựa trên thế mạnh của Cần Thơ và triển vọng phát triển trong tương lai, TP xác định: Chế biến thực phẩm, thương mại nông lâm thủy sản, bán lẻ, du lịch, logistics, năng lượng, dược phẩm, công nghệ thông tin, điện tử, dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế là các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Ngoài các chính sách ưu đãi áp dụng chung cho cả nước nhằm phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, TP Cần Thơ đã được Quốc hội cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị thành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Trong đó đặc biệt là phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường thông thoáng, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư. Chính quyền Cần Thơ cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, thực hiện đầu tư kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp