Ngày 8/8/1967: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, gồm 5 thành viên ban đầu là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Trên cơ sở Tuyên bố Bangkok, mục tiêu của ASEAN là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá - xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới.
Ngoại trưởng 5 nước Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore ký Tuyên bố Bangkok, tài liệu thành lập ASEAN, vào ngày 8/8/1967 tại Thái Lan. |
Năm 1971: ASEAN ra Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), nhấn mạnh quyết tâm của các nước ASEAN trong việc đảm bảo việc công nhận và tôn trọng Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất kỳ hình thức và phương cách nào của các nước ngoài khu vực.
Ngày 24/2/1976: Mong muốn thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua việc tôn trọng công lý và luật pháp và nâng cao khả năng tự cường khu vực của các nước ASEAN tiếp tục được thể hiện trong Hiệp ước về Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), được các Nhà lãnh đạo ký thông qua tại Bali, Indonesia nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ASEAN tại Bali, Indonesia năm 1976. Ảnh tư liệu |
Ngày 8/1/1984: Brunei được kết nạp vào ASEAN, nâng số thành viên của Hiệp hội lên thành 6 nước.
Ngày 28/7/1995: Việt Nam gia nhập ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tổ chức tại Brunei, đưa tổng số thành viên của ASEAN lên thành 7 nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm ký Tuyên bố kết nạp Việt Nam vào ASEAN ngày 28/7/1995. Ảnh tư liệu |
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995. Ảnh tư liệu |
Tháng 7/1997: Lào và Myanmar trở thành thành viên thứ 8 và thứ 9 của Hiệp hội.
Tháng 4/1999: ASEAN chính thức hội tụ 10 nước trong khu vực Đông Nam Á sau khi Campuchia gia nhập.
Lễ kết nạp Lào và Myanmar gia nhập ASEAN. Ảnh tư liệu |
Tháng 10/2003: Bước sang thế kỷ mới, nhu cầu nâng tầm liên kết của ASEAN càng trở nên bức thiết trước những chuyển động không ngừng của thế giới và khu vực. Với Tuyên bố Hòa hợp Bali II tháng 10/2003, các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột Chính trị - an ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội vào năm 2020.
Tháng 1/2007: ASEAN nhất trí đẩy nhanh liên kết nội khối, rút ngắn 5 năm tiến độ hình thành Cộng đồng vào năm 2015 để bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập thế giới. Hiến chương ASEAN có hiệu lực năm 2008 tạo dựng một khuôn khổ pháp lý và thể chế toàn diện cho liên kết ASEAN mà trước hết là mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.
Các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN ký Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ngày 22/11/2015. |
Ngày 31/12/2015: Cột mốc đánh dấu ASEAN trở thành một Cộng đồng, sự kiện được xem là bước chuyển mới về chất của một ASEAN gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển thịnh vượng chung và là kết quả của gần nửa thế kỷ phấn đấu bền bỉ vươn lên.
Từ Tuyên bố Bangkok 1967 đến Tầm nhìn ASEAN 2020, từ Hiệp ước TAC đến Hiến chương ASEAN, từ Tuyên bố Hòa hợp Bali II đến Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên luôn nỗ lực không ngừng vì sự phát triển và thành công của ASEAN.
Nhóm đặc trách cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN. |
Tiếp theo, ASEAN đưa ra Lộ trình xây dựng Cộng đồng thứ hai (2015 - 2025), được xác định bởi sự đời của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (thông qua năm 2015) với 3 Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, dựa trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN.
Hiện tại, ASEAN đang nỗ lực hoàn thành Tầm nhìn ASEAN 2025 và xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 để tiếp tục củng cố Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và thích ứng.
Trong đó, đoàn kết để thống nhất ý chí, đề cao ý thức cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm vì lợi ích chung và lâu dài của Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Tự cường để giữ vững bản lĩnh, tăng cường tiềm lực và sức mạnh nội sinh của từng quốc gia thành viên và cả Cộng đồng ASEAN. Thích ứng để luôn tự tin, năng động, đổi mới sáng tạo, vững vàng vươn lên trước những biến chuyển phức tạp của khu vực và thế giới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị Cấp cao của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. |
Đặc biệt, ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác để chuyển đổi số. Các Bộ trưởng ASEAN phụ trách về hợp tác số đã thông qua Kế hoạch chuyển đổi số của ASEAN cho đến năm 2025. Đồng thời, ASEAN quyết tâm tận dụng và đẩy mạnh các Hiệp định đã ký kết về tự do hóa thương mại, xác định với nhau là cố gắng để phê chuẩn sớm nhất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan, ngày 15/11/2020. |
Đối với tình hình Biển Đông, ASEAN duy trì quan điểm nhất quán là ủng hộ, nhấn mạnh hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực và xây dựng lòng tin. Các nước phải kiềm chế, không có hành động làm theo thang căng thẳng, hoặc các hành động quân sự hóa hay tái tạo đảo, những hoạt động gây tổn hại quyền lợi chính đáng của các nước ở ven biển.
Các nước ASEAN nhất trí đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ để điều chỉnh các hoạt động của các nước trên biển và trên đại dương. Các nước cũng nhất trí rằng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phải thực chất, tổng thể, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh (Campuchia), ngày 2/8/2022. |
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, từ một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, ASEAN ngày nay là một hình mẫu tổ chức hợp tác khu vực có uy tín và thành công trên thế giới.
ASEAN là ngôi nhà chung gắn bó hơn 650 triệu người dân của 10 nước thành viên, có bản sắc văn hóa đa dạng, một cộng đồng kinh tế lớn thứ 5 thế giới, một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều quốc gia, đóng vai trò trung tâm của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng ở khu vực.
Trong bối cảnh hậu tác động đa chiều từ đại dịch Covid-19, tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, các thách thức phi truyền thống ngày càng gia tăng, ASEAN phải đoàn kết một lòng, thống nhất duy trì vai trò trung tâm ở khu vực, gắn kết và chủ động thích ứng hơn bao giờ hết.