Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways. |
CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ sau thuế 17.619 tỷ đồng. Khoản lỗ lớn này nâng lỗ lũy kế của hãng hàng không lên gần 19.336 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng. Năm 2021, Bamboo Airways lỗ 2.281 tỷ đồng.
Chia sẻ trên Báo Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Trọng – Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết, trong số lỗ của Bamboo Airways, chỉ có khoảng 4.800 tỷ đồng là lỗ thực từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng, còn lại phần lớn là xuất phát từ hoạt động kinh doanh ngoài ngành hàng không nhưng không hiệu quả trong giai đoạn trước khi nhà đầu tư mới tham gia.
Theo ông Trọng, ban lãnh đạo và nhà đầu tư mới đã nắm rõ tình hình, đồng thời có các động thái để đồng hành cùng hãng tháo gỡ khó khăn. Nhà đầu tư mới đã rót thêm gần 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu nguồn vốn, chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nhằm cân bằng các khoản lỗ, đưa vốn điều lệ của hãng dương trở lại; đảm bảo điều kiện cho hãng tiếp tục hoạt động kinh doanh hàng không và có thể xin tăng quy mô đội bay.
“Từ khi có sự tham gia về công tác quản trị, tái cơ cấu, điều chỉnh định hướng kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư mới và ban lãnh đạo, hiện hoạt động của hãng đã chuyển biến theo hướng tích cực hơn và bắt đầu ghi nhận hiệu quả”, ông Trọng cho biết.
Theo lộ trình tái cơ cấu, Bamboo Airways sẽ trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chính thức 5 thành viên HĐQT này tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 21/6 tới. Công ty dự kiến bầu HĐQT mới, nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 7 thành viên. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, ĐHĐCĐ lần này của Bamboo Airways diễn ra trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của HĐQT đương nhiệm.
Do đó, các thành viên thống nhất từ nhiệm để đại hội đồng cổ đông bầu ra các thành viên HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2023-2028, với cơ cấu gồm 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch và 3 thành viên HĐQT. Trong đó, phần lớn các thành viên HĐQT cũ sẽ tiếp tục ứng cử khóa tới và dự kiến sẽ bổ sung một số thành viên mới, là các lãnh đạo cấp cao, dày dặn kinh nghiệm hàng không trên thế giới để kiện toàn bộ máy lãnh đạo.
Ông Trọng khẳng định, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tái cấu trúc tổng thể, hướng tối ưu hoá chi phí và gia tăng doanh thu, với kỳ vọng bước sang năm 2024, hãng bay sẽ ghi nhận lãi và trong vài ba năm tới sẽ bù được khoản lỗ gộp hiện nay.
Báo cáo tài chính của Bamboo Airways cho thấy, tính đến cuối năm 2022, công ty có tổng tài sản đạt hơn 18.000 tỷ đồng, giảm hơn 8.800 tỷ so với cuối năm 2021. Hãng bay có tới 10.916 tỷ đồng khoản phải thu về cho vay (riêng khoản phải thu về cho vay ngắn hạn là 10.443 tỷ đồng); 9.846 tỷ đồng phải thu khác (ngắn hạn và dài hạn).
Tuy nhiên, công ty đã mạnh tay trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên tới 12.492 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của hãng lên tới 12.750 tỷ đồng và trực tiếp gây ra khoản lỗ kỷ lục trong năm 2022.
Trong năm 2021, Bamboo Airways chưa hề trích lập dự phòng cho các khoản phải thu, dù khi đó hãng đã có tới hơn 10.000 tỷ đồng phải thu về cho vay và hơn 6.000 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.