Ông Nguyễn Văn Dũng (giữa) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Chứng khoán FPT (FPT Securities, FPTS – HoSE: FTS) được tổ chức thành công chiều 28/3 ở trụ sở công ty tại 52 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Đại hội có sự tham dự của 64 cổ đông, đại diện cho 165,5 triệu cổ phần, tương đương 77,6% vốn điều lệ FPTS.
Với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông FTS đã thông qua toàn bộ các tờ trình. Trong đó, một trong những tờ trình đáng chú ý là kế hoạch phát hành 85,8 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 5,5 triệu cổ phiếu ESOP, dự kiến tăng quy mô vốn điều lệ lên mức 3.059,2 tỷ đồng.
So với nhiều công ty chứng khoán khác, kế hoạch tăng vốn điều lệ của FPTS là khá khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi trong năm 2024.
ĐHĐCĐ FPT Securities: Tăng vốn vượt 3.000 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận đi lùi
Khi được hỏi về việc công ty không phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ các cổ đông, qua đó tăng vốn chủ sở hữu, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT FPTS cho rằng nguồn vốn lớn là một trong những lợi thế của các công ty chứng khoán trong việc cung cấp ‘margin’ cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, tăng vốn cũng có một số rủi ro nhất định. Ví dụ như FTS tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng, sức ép cho việc kinh doanh là rất lớn để có thể đảm bảo tỷ lệ EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) cho các cổ đông.
"FPTS đã cân nhắc nhiều yếu tố, nhận thấy việc sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại sau chia cổ tức để tăng vốn ở mức vừa phải là phương án tối ưu nhất, kết hợp cùng nguồn vốn vay để mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông," ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ tại đại hội.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2024 của FTS. Ảnh: Minh Phong |
Về vấn đề cổ phiếu ESOP, theo Chủ tịch FTS, cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trong ngành là rất khốc liệt, từ khách hàng, thị phần, lãi suất và kể cả cạnh tranh về nhân sự. Các doanh nghiệp có thể thu hút nhân lực tài năng của công ty đối thủ bằng chính sách hấp dẫn, có thể là bằng lương cao, có thể là chính sách khác.
Trong bối cảnh như vậy, việc giữ được người lao động tốt là rất quan trọng, công ty cũng phải có những chính sách để giữ nhân sự giỏi của mình.
ESOP là chính sách nhiều nước và doanh nghiệp áp dụng. Đây là phương pháp hiệu quả, hài hòa lợi ích người lao động và cổ đông. Theo ông Dũng, khi công ty phát triển sẽ chia sẻ một phần nào đó sự phát triển đó để giữ chân người lao động vì yếu tố con người là cực kỳ quan trọng trong ngành chứng khoán.
Tại đại hội, cổ đông FPTS đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu và lãi trước thuế năm 2024 lần lượt ở mức 845 tỷ đồng và 420 tỷ đồng, giảm gần 8% và 18% so với thực hiện năm trước.
Nhận xét về việc kế hoạch kinh doanh giảm so với năm ngoái, dù mục tiêu thị phần đặt cao hơn, ông Nguyễn Văn Dũng nhận định khi xu hướng về phí, lãi suất, phí môi giới, phí giao dịch đang giảm đi. Thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh, nhiều công ty còn có chính sách zero fee (không thu phí giao dịch). Công ty xác định đây là xu hướng, các công ty khác cũng phải theo xu hướng này.
Trong bối cảnh đó, FTS sẽ cố gắng đưa ra những sản phẩm mới phục vụ khách hàng, phấn đấu đạt được thị phần cao hơn. Tuy nhiên do xu hướng về tỷ lệ phí giao dịch giảm đi, nên doanh thu cũng giảm đi tương ứng.
Trên thị trường chứng khoán, trong 6 tháng qua, thị giá cổ phiếu FTS tăng gấp đôi lên vượt ngưỡng 60.000 đồng/CP, vốn hóa cũng tăng lên hơn 13.600 tỷ đồng, là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán.
Nhận định về diễn biến cổ phiếu FTS trên sàn chứng khoán, Chủ tịch FPT Securities cho biết không chỉ FTS, nhiều cổ phiếu chứng khoán khác cũng tăng mạnh trong thời gian qua như VCI, BSI. Cổ phiếu tăng giảm là do cung cầu của thị trường, không thể can thiệp.
Ông Dũng cho rằng, nhà đầu tư đang kỳ vọng lớn vào sự tăng trưởng của thị trường chung khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tiến trình nâng hạng và hệ thống KRX sắp đi vào vận hành. Thanh khoản thị trường tăng mạnh cũng là động lực giúp các công ty chứng khoán tăng trưởng doanh thu.
"Số lượng cổ phiếu FTS đang lưu hành hiện tương đối thấp. Giá cổ phiếu tăng nhờ kỳ vọng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là kỳ vọng về thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai," Chủ tịch FPTS nhận định.
Về khoản đầu tư vào CTCP May Sông Hồng (HoSE: MSH), Phó Tổng giám đốc FPTS Nguyễn Thị Thu Hương cho biết công ty chưa có chủ trương thoái vốn và hiện thực hóa lợi nhuận đối với khoản đầu tư này.
Bà Hương đánh giá MSH là doanh nghiệp tốt, hoạt động kinh doanh hiệu quả, bền vững, hàng năm đều chia cổ tức với tỷ lệ cao. Do đó, FPTS sẽ tiếp tục là cổ đông dài hạn của MSH.