Sau chặng đường nhiều thăng trầm cùng thị trường chứng khoán Việt Nam, đến nay SSI đã trở thành công ty quy mô tỷ USD. Tuy nhiên, cùng với vươn lên của những đối thủ có tiềm lực mạnh, SSI phải đối mặt với nhiều thách thức để giữ vị thế của mình cả về thị phần và hiệu quả kinh doanh.
Cuối tháng 9 vừa qua, CTCP Chứng khoán SSI (mã SSI) đã hoàn thành phương án phát hành hơn 300 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 18.130 tỷ đồng - giành lại “ngôi vương” vốn điều lệ ngành chứng khoán từ VNDirect.
SSI còn đang triển khai phương án chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông, với giá chào bán 15.000 đồng/cp. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của công ty chứng khoán sẽ tiếp tục tăng lên gần 19.645 tỷ đồng. Cùng với đó, SSI có thể thu về gần 2.300 tỷ đồng dùng để bổ sung cho hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ.
Trước bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển và cơ hội nâng hạng từ cận biên lên mới nổi đang rất gần, thời gian qua các công ty chứng khoán đều tích cực trong “cuộc đua” tăng vốn để đón đầu dòng vốn lớn kỳ vọng chảy vào thị trường. Riêng với SSI, từ năm 2019 đến nay, công ty liên tục thực hiện các đợt tăng vốn quy mô lớn để duy trì vị trí đầu ngành. So với mức vốn 5.100 tỷ đồng năm 2018, hiện tại vốn của SSI đã gấp 3,6 lần.
SSI là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên và lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được thành lập bởi ông Nguyễn Duy Hưng. Tuy nhiên, con đường lập nghiệp của vị doanh nhân sinh năm 1962, từng du học Đông Đức lại bắt đầu với Tập đoàn PAN (PAN Group) - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
PAN Group tiền thân là Công ty Pan Pacific được thành lập từ năm 1992, với lĩnh vực hoạt động là tư vấn đầu tư. Công ty đi tìm đối tác nước ngoài, giới thiệu dự án và giúp họ hoàn thành hồ sơ. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1995 -1996, nhà đầu tư nước ngoài rút nhiều nên Pan Pacific phải chuyển sang lĩnh vực làm dịch vụ bảo trì bảo dưỡng, lau dọn vệ sinh các tòa nhà cao ốc, nhà máy xí nghiệp.
Với đam mê lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng không bằng lòng với Pan Pacific và quyết định sang Thái Lan học về chứng khoán khi Việt Nam có kế hoạch phát triển thị trường này. Ngay sau khi đi học về năm 1999, ông Hưng thành lập SSI với tên gọi ban đầu là CTCP Chứng khoán Sài Gòn, có trụ sở chính tại TP HCM, vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Năm 2001, công ty tăng vốn lên hơn 20 tỷ đồng với 4 nghiệp vụ chính là tư vấn đầu tư chứng khoán, môi giới chứng khoán, tự doanh và lưu ký chứng khoán.
Năm 2002, SSI mở rộng kinh doanh ra khu vực phía Bắc bằng việc thành lập chi nhánh Hà Nội. Những năm sau đó, SSI liên tục tăng vốn điều lệ và bổ sung thêm các lĩnh vực kinh doanh như quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán. Năm 2006, cổ phiếu của SSI đăng ký giao dịch trên HNX và tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Đây cũng là năm công ty thực hiện thành công đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cho chính SSI.
Thị trường chứng khoán đón nhận “cơn địa chấn” vào năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO và các nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện. SSI cũng có bước đi nhanh từ đó. Công ty chuyển niêm yết sang sàn HoSE, thành lập Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) và đón chào cổ đông chiến lược - Ngân hàng ANZ (Australia, đến năm 2014 thì thoái vốn). Năm 2008, SSI tiếp tục đón cổ đông chiến lược Daiwa - Tập đoàn tài chính chứng khoán lớn tại Nhật Bản.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán SSI. |
Sau chặng đường nhiều thăng trầm cùng thị trường chứng khoán Việt Nam, đến nay SSI đã vươn lên trở thành công ty quy mô tỷ USD với tổng tài sản hợp nhất tính đến cuối quý III/2024 đạt hơn 65.000 tỷ đồng, gấp gần 8 lần thời điểm cách đây 10 năm (năm 2014). SSI cũng nhiều năm liên tiếp dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, quản lý.
Về kết quả kinh doanh, chỉ mất 5 năm từ 2003 đến 2007, doanh thu của SSI đã tăng tới 225 lần, từ mức gần 6 tỷ đồng lên hơn 1.350 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng tăng vọt từ 108 triệu đồng lên 864 tỷ đồng. Dù có chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 nhưng tình hình kinh doanh của SSI cũng không quá “bết bát” khi ghi nhận doanh thu 1.055 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 71% so với năm 2007.
Những năm sau đó, dù bức tranh tài chính của SSI có sự trồi sụt đan xen nhưng nhìn chung vẫn nằm trong top đầu các công ty chứng khoán. Hoàng kim nhất là năm 2021, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, các mảng kinh doanh đều thuận lợi giúp công ty chứng khoán ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục, lần lượt đạt 7.443 tỷ đồng và 2.695 tỷ đồng.
Năm 2022 và 2023, thị trường chứng khoán thoái trào sau giai đoạn bùng nổ nên kết quả kinh doanh của SSI cũng bị ảnh hưởng. Công ty đặt kỳ vọng lớn vào sự trở lại năm 2024 với kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 19% so với kết quả năm 2023. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của SSI từ trước đến nay.
Kết quả thực tế đang vượt lộ trình khi 9 tháng đầu năm 2024, SSI đã thực hiện được 76% mục tiêu doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận năm; với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 6.140 tỷ đồng và 2.878 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, doanh thu của SSI tăng 25% còn lợi nhuận tăng 38%.
Đứng ở vị thế doanh nghiệp đầu ngành nhưng SSI không phải không có thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh các công ty chứng khoán đua nhau mở rộng, khiến môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt. Thực tế, SSI từng giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới trên toàn thị trường liên tục từ năm 2014 đến năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2021, doanh nghiệp đã không còn giữ được “ngôi vương” khi để rơi vào tay Chứng khoán VPS.
Từ đó đến nay, SSI chưa thể giành lại vị trí số 1, thậm chí ngày càng bị mất thị phần. Nếu quý I/2021, SSI chiếm 11,89% thị phần môi giới sàn HoSE thì đến quý III/2024 chỉ còn chiếm 8,84%, vẫn đứng thứ hai trong Top 10 nhưng cách khá xa VPS với thị phần 17,63% và còn bị “đe dọa” bởi những đối thủ phía sau như TCBS, Vietcap, HSC...
SSI cũng đang chịu sự ganh đua lớn trong “đường đua” tăng vốn. Ngoài VNDirect, SSI còn phải đối mặt với sự vươn lên của các đối thủ, điển hình như Chứng khoán VPBank (VPBankS). Sau khi về tay VPBank vào năm 2022, VPBankS liên tục tăng vốn, từ 269 tỷ đồng vào tháng 2/2022 lên 8.920 tỷ đồng và lên 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Con số này đưa VPBankS trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường hiện nay.
Chứng khoán VIX (mã VIX) và Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) cũng đang “nhăm nhe” vị trí top đầu. Cuối tháng 9 vừa qua, VIX đã hoàn thành phát hành gần 800 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên gần 14.600 tỷ đồng. SHS thì tham vọng tăng vốn lên hơn 17.000 tỷ đồng, với 3 phương án phát hành đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.