Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của TPS đạt 1.621 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với con số 1.473 tỷ đồng của cùng kỳ 2022. |
Cụ thể, từ ngày 3/7 – 31/8, Chứng khoán Tiên Phong đã chào bán thành công 10.000 trái phiếu mã ORSH2328001, qua đó huy động thành công 1.000 tỷ đồng theo mệnh giá. Lô trái phiếu có thời hạn 60 tháng và sẽ đáo hạn vào ngày 3/7/2028.
Trước đó vào cuối tháng 6/2023, HĐQT ORS đã có nghị quyết về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2023 với tổng giá trị mệnh giá phát hành tối đa là 1.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có đảm bảo, được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ và được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Kỳ hạn trái phiếu là 60 tháng kể từ ngày phát hành. Lãi suất của trái phiếu áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo là lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,7%/năm.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để cơ cấu nợ của Chứng khoán Tiên Phong, tất toán/thanh toán dư nợ gốc của các trái phiếu đã phát hành với tổng mệnh giá đang lưu hành là 1.000 tỷ đồng. Đây là 5 lô trái phiếu được phát hành vào tháng 8/2020 và đã đáo hạn vào tháng 8/2023 vừa qua.
ORS đang tích cực huy động vốn trong thời gian gần đây. Vào ngày 21/8, HĐQT công ty chứng khoán này đã có nghị quyết về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thăng Long (VCB). Giá trị hạn mức tín dụng là tối đa 900 tỷ đồng, được sử dụng cho việc thanh toán tiền mua trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ khác.
Đáng chú ý, vào ngày 3/8, HĐQT ORS đã thông qua việc triển khai thực hiện phương án chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, TPS sẽ chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP. Số tiền dự kiến thu về là 1.000 tỷ đồng, dự kiến được sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn của ORS, huy động vốn nhằm thực hiện hoạt động đầu tư, cơ cấu nợ của công ty…
Vào ngày 14/6, HĐQT TPS cũng có nghị quyết thông qua việc vay vốn tại ABBank dưới hình thức cho vay theo hạn mức tín dụng, giá trị tối đa là 1.400 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động kinh doanh/bồi hoàn vốn tự có tự doanh chứng khoán đối với mục đích đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, chứng chỉ tiền gửi.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của TPS đạt 1.621 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với con số 1.473 tỷ đồng của cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của công ty đạt 137,4 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 19% so với cùng kỳ.
Năm 2023 TPS đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.831 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, TPS đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 59,7% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4 vừa qua.