Lãnh đạo Chứng khoán Trí Việt tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 17/6 vừa qua. |
Về ý kiến ngoại trừ giá trị khoản phải thu khác tại ngày 31/12/2022 của công ty với số tiền 480,69 tỷ đồng và cơ sở trích lập dự phòng rủi ro tài chính đối với khoản thu, Chứng khoán Trí Việt giải trình như sau:
Số dư nợ phải thu khác tại ngày 31/12/2022 bao gồm 480,69 tỷ đồng là của các hợp đồng môi giới mua bán chứng khoán, với mục đích hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên do trong năm 2022 có phát sinh một số vấn đề liên quan tới hoạt động và tổ chức nên công ty chưa thể làm việc với các đối tác để đôn đốc tiến độ và thu hồi số tiền đã chuyển theo hợp đồng.
Sau khi xem xét thận trọng về khả năng thu hồi, công ty đã quyết định trích lập dự phòng tổn thất với tỷ lệ 70% số dư nợ phải thu, với số tiền là 336,483 tỷ đồng. Giá trị thuần của các khoản nợ phải thu nêu trên trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022 là 144.207 tỷ đồng.
Theo TVB, do trong năm 2022 việc thực hiện các hợp đồng môi giới mua chứng khoán không thuận lợi và không được đồng bộ nên kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá mục đích, đối tượng tham gia hợp tác và hiệu quả của các hợp đồng. Vì vậy, kiểm toán không thể đánh giá được về số dư, tính phân loại và trình bày của các khoản nợ phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập.
Ngoài một nội dung ngoại trừ, kiểm toán còn nhấn mạnh đối với hai nội dung trong báo cáo tài chính của TVB. Một là chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Công ty giải trình như sau:
Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) bao gồm các mã cổ phiếu HPG và FPT, được công ty phân loại tại thời điểm ghi nhận ban đầu (năm 2021) và áp dụng nhất quán cho năm tài chính 2022 theo quy định. Khoản lỗ đánh giá lại AFS theo giá thị trường với số tiền 92,8 tỷ đồng được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu, đồng thời ghi nhận vào chỉ tiêu thu nhập (lỗ) toàn diện khác trên báo cáo kết quả hoạt động riêng.
Các khoản lỗ do đánh giá lại đều được phản ảnh giảm vốn chủ sở hữu và giảm thu nhập toàn diện mà không phản ánh vào lợi nhuận sau thuế năm 2022 và chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối. Việc ghi nhận như vậy sẽ tiếp tục cho đến khi tài sản tài chính được dùng ghi nhận theo đúng hướng dẫn của Thông tư 334/2016/TT-BTC.
Do chưa phản ánh vào lợi nhuận sau thuế nên các phân tích/đánh giá dựa trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ kết quả kinh doanh năm 2022 từ các bên hữu quan sẽ chưa bao gồm khoản lỗ trên. Do đó kiểm toán viên nhấn mạnh nội dung “Kết quả hoạt động và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty chưa bao gồm khoản lỗ do đánh giá lại các tài sản tài chính sẵn sàng để bán nêu trên”.
Vấn đề kiểm toán nhấn mạnh thứ hai là vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Louis Holding, CTCP Louis Capital, CTCP Louis Land, CTCP Chứng khoán Trí Việt. Công ty giải trình như sau:
Theo kết luận của TAND Thành phố Hà Nội, các cá nhân vi phạm chịu trách nhiệm hình sự và dân sự liên quan. CTCP Chứng khoán Trí Việt không phát sinh các nghĩa vụ tài chính pháp lý nào từ sự kiện nêu trên. Hiện tại, công ty đã thực hiện việc kiện toàn bộ máy nhân sự chủ chốt, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và đã được UBCKNN cấp Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán. Do đó, báo cáo tài chính năm 2022 được lập dựa trên giả thiết công ty hoạt động liên tục là phù hợp.