Bamboo Airways phải vay nợ nhiều trong 3 năm khó khăn vì Covid-19 và sự cố liên quan đến cựu Chủ tịch. |
Sáng 10/4, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, BAV) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với nội dung chính là thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Theo đó, Bamboo Airways trình cổ đông thông qua phương án phát hành tổng cộng 957 triệu cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên 28.070 tỷ đồng, với 2 hình thức. Một là phát hành hoán đổi nợ và hai là phát hành mới.
Bamboo Airways hiện có 1,85 tỷ cổ phần, tương ứng vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng. Tại đại hội, có 1,76 tỷ cổ phần tham gia biểu quyết. Kết quả, có hơn 756 triệu cổ phần tán thành, chiếm 43,56% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Số cổ phần không tán thành là hơn 979 triệu, tương ứng với 56,42% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Bamboo Airways đã không được thông qua.
Chia sẻ tại đại hội, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, việc tái cơ cấu khoản vay và tăng vốn là một trong những nhóm mục tiêu được ưu tiên của hãng bay, nhằm củng cố vị thế một trong ba hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, nguồn vốn mới sẽ giúp Bamboo Airways tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế.
Bamboo Airways có rất nhiều chủ nợ
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình tài chính, ông Nguyễn Khắc Hải – Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, thời gian vừa qua, để duy trì hoạt động, Bamboo Airways phải vay nợ và có rất nhiều chủ nợ. Một trong những chủ nợ lớn nhất là các chủ máy bay.
“2 năm dịch Covid-19, rồi sự cố xảy ra với cựu chủ tịch, chúng tôi phải liên tục đàm phán với các chủ tàu để gia hạn, xin nợ lãi suất... Rất may là tất cả các chủ tàu bay đều tạo điều kiện, không thu về bất cứ tàu bay nào”, ông Hải nói.
Cổ đông Bamboo Airways biểu quyết tại đại hội. |
Nhấn mạnh “phương án tăng vốn chỉ có tốt cho Bamboo Airways”, ông Hải chia sẻ: “Chúng ta đang nợ gần 8.000 tỷ đồng, nếu chuyển từ vốn vay sang vốn cổ phần thì báo cáo tài chính sẽ tốt hơn, về chỉ tiêu tổng tài sản/dư nợ. Còn phát hành thêm 10%, tiền mới vào để duy trì hoạt động kinh doanh, giảm nợ dần, tiếp tục mang thêm tàu về để tăng trưởng".
Theo ông Hải, thị trường hàng không hiện rất tiềm năng, chỉ có 3 hãng bay lớn, thị phần của Bamboo Airways theo báo cáo gần nhất là gần 18%. Ngành hàng không đã hồi phục, từ châu Mỹ, châu Âu và bây giờ mới đến châu Á - Thái Bình Dương; đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa, tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Trong quý 1/2023, Bamboo Airways gần như đã đạt điểm hòa vốn.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng chia sẻ thêm, Bamboo Airways ra đời năm 2018, khai thác năm 2019 với 10 máy bay thì 2020-2021 dính dịch Covid-19. Tuy nhiên trong 2 năm Covid, đội bay vẫn tăng, mỗi năm tăng thêm 10 chiếc. Trong quý 1 năm nay, đội bay 30 chiếc đã bay hết công suất.
Theo ông Trọng, hoạt động trong điều kiện như vậy nên công ty chắc chắn lỗ, phải đi vay. Đặc biệt là đầu năm 2022, khi người sáng lập – cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý, Bamboo Airways đứng trên bờ vực, rất may là tìm được mạnh thường quân hỗ trợ.
“Hàng không là ngành ngốn vốn rất nhiều. Nếu không có 8.000 tỷ đồng từ nhà đầu tư thì hãng không thể có tiền để duy trì hoạt động. Nếu năm nay phát hành thành công phương án tăng vốn thì hãng sẽ tăng thêm 6-8 máy bay, dự kiến từ 2025 có lợi nhuận và từ 2026-2027 có thể lên sàn”, ông Trọng cho biết.
Với kết quả tại đại hội sáng 10/4, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết sẽ bổ sung thông tin, hoàn thiện phương án tăng vốn khả thi nhất cho công ty và sớm triệu tập ĐHĐCĐ bất thường lần 2.