Nhóm ngân hàng và bất động sản diễn biến tích cực. |
Kết phiên 8/1, VN-Index tăng 5,5 điểm, chinh phục thành công mốc 1.160 điểm. HNX-Index tăng 0,6 điểm trong khi UPCoM giảm 0,14 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh gần 20.000 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch hơn 2.300 tỷ đồng và vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, với giá trị bán ròng trên HoSE đạt gần 250 tỷ đồng. Dẫn đầu chiều bán ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 182 tỷ đồng, kế đến là MSN và KBC trên 50 tỷ đồng; SHB, PVD, GAS, VRE, VHM, VNM, DGC, DBC 20-40 tỷ đồng. Ngược lại, VCB được mua ròng mạnh nhất gần 64 tỷ đồng. OCB và NLG cũng được mua ròng hơn 40 tỷ đồng. DIG, APG, VPB, BID, DHC được mua ròng hơn 20 tỷ đồng…
Sau tuần cuối năm 2023 trở lại mua ròng, nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng quay đầu bán ròng trong tuần giao dịch đầu năm 2024. Giá trị bán ròng cả tuần 2-5/1 đạt 1.190 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh 705 tỷ và bán ròng thoả thuận 486 tỷ đồng.
Trong tuần trước, thị trường liên tục có các phiên tăng điểm chủ yếu là nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Diễn biến tương tự trong phiên hôm nay, tuy nhiên dòng tiền đã có sự phân hóa hơn. BID trở thành “ngôi sao” với tỷ lệ tăng 4,3% - dẫn đầu nhóm VN30.
Với mức tăng trên, cổ phiếu của BIDV vươn lên mức giá 46.400 đồng/cp, “xô đổ” vùng đỉnh của tuần trước. Tính từ giữa tháng 10/2023 đến nay, mã đã tăng 32% giá trị. Đây cũng là một trong số ít cổ phiếu ngân hàng có sự bứt phá trong năm 2023, so với đa số các cổ phiếu ì ạch ở vùng giá thấp.
BIDV vừa công bố sơ bộ tình hình kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 26.750 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế khối công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, khối liên doanh đạt 945 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank (hơn 41.000 tỷ đồng).
Trở lại diễn biến nhóm ngân hàng, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là VBB +9,7%, lên vùng giá 11.300 đồng/cp. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để Vietbank chốt quyền phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:2, với giá 10.000 đồng/cp. Từ giữa tháng 12/2023 đến nay, VBB đã tăng hơn 20%.
Các mã ngân hàng tăng tốt khác gồm TCB +2,7%, OCB +2,5%, CTG +1,9%, BAB +2,3%, SHB +1,3%. VCB, VPB, VIB, PGB, MSB, MBB, HBD tăng dưới 1%. Còn lại chiều giảm có SGB giảm mạnh nhất -2,3%, SSB -1,3%. STB, TPB, ACB… giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản và xây dựng hôm nay cũng có diễn biến tích cực. Bộ đôi CII và NBB tăng trần. DIG, NLG và NVL tăng hơn 2%. PDR, DXG, CEO, HUT, FCN tăng gần 2%. VRE, KBC tăng hơn 1%. VIC, VHM, VCG, TCH, KDH, VPI, LCG, BCG, HQC… tăng nhẹ. Chiều giảm có REE, CTD, HDG, DPG, SZC, BCM, PC1, SJS… tuy nhiên tỷ lệ điều chỉnh không lớn.
Các nhóm ngành khác không có nhiều diễn biến đáng chú ý. Nhóm chứng khoán đa số kết phiên trong sắc xanh nhưng hai mã đầu ngành là VND và SSI lại giảm nhẹ. HCM đứng tham chiếu. VIX, VCI, SHS tăng giá nhưng chưa đến 1%. Tăng mạnh nhất là ORS +5,2%, DSC +4,8%, AGR +3,6%...
Chiều giảm mạnh nhất là nhóm bán lẻ, với MWG -1,5% và FRT -1,8%. Nhóm nông nghiệp cũng chứng kiến sự đi xuống của HAG -1,9%, HNG -2,4%.
Nhìn chung phiên giao dịch hôm nay thanh khoản duy trì khá tốt và có dấu hiệu gia tăng mỗi khi thị trường rung lắc. Điều này cho thấy VN-Index có nền hỗ trợ mới tại 1.140+/- nhằm hướng đến mục tiêu 1,190+/-10.