Coteccons bắt đầu mở rộng đầu tư ra nước ngoài. |
CTCP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc đầu tư ra nước ngoài thông qua thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Theo đó, Coteccons sẽ thành lập công ty con có tên Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng, cung cấp dịch vụ xây dựng của Coteccons tại nước ngoài. Vốn góp là bằng tiền mặt từ vốn chủ sở hữu của Coteccons.
Việc đầu tư ra thị trường nước ngoài nằm trong kế hoạch mục tiêu của doanh nghiệp trong năm nay. Trong Báo cáo thường niên năm 2022, CTD nêu rõ, để đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, Coteccons tiếp tục tăng cường hoạt động trên các lĩnh vực sản phẩm - dịch vụ khác, tiêu biểu là mảng pre-cast (công nghệ sản xuất bê tông đúc sẵn).
Biệt đội về pre-cast của Coteccons đã tiến hành nhiều nghiên cứu, khảo sát cả trong nước lẫn nhiều thị trường nước ngoài. Việc nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị được thực hiện thận trọng với lộ trình phù hợp để bắt đầu ngay khi thị trường sẵn sàng.
Coteccons gần đây có nhiều động thái đẩy mạnh kinh doanh để hướng tới mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD vào năm 2025. Mới đây nhất, công ty xác nhận đầu tư vào dự án The Emerald 68 tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, qua hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong Group).
Đây là dự án đầu tiên của Coteccons trong vai trò nhà phát triển, có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, thuộc phân khúc trung cao cấp, nằm trên khu đất có diện tích gần 8.000 m2, tọa lạc tại mặt tiền đại lộ Bình Dương và đường Vĩnh Phú 16, cách TP HCM khoảng 1 km, sát địa phận TP Thủ Đức.
Trước Coteccons, Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cũng ấp ủ khát vọng lớn trong việc đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thế giới. Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HBC, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM từng nhiều lần kiến nghị về việc đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và xuất khẩu.
Theo ông Hải, ở các nước phát triển, giá thành xây dựng đang gấp 3 đến 8 lần so với Việt Nam. Một m2 xây dựng thông thường ở nước ta dưới 500 USD trong khi các nước là từ 1.500 USD đến 4.000 USD/m2.
Ở các nước phát triển, giới trẻ hầu hết không thích làm việc trong ngành xây dựng và bình quân thế giới chỉ có 3.000 kỹ sư xây dựng trên một triệu dân; trong khi đó Việt Nam có đến 9.000 kỹ sư xây dựng/1 triệu dân. Như vậy, Việt Nam có lượng nhân lực chính yếu trong ngành xây dựng lên đến gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Đây là một lợi thế rất quan trọng nhưng nếu không biết khai thác thì lại là gánh nặng khi nhu cầu xây dựng mới đạt mức bão hoà.
Bên cạnh đó, về vật liệu xây dựng, giá trị xuất khẩu xi măng và clinker Việt Nam đã đứng đầu thế giới từ năm 2017. Nhiều loại vật liệu xây dựng của Việt Nam sản xuất được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ từ năm 2019 của Việt Nam đứng đầu trên thế giới. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh có tính chiến lược trên thị trường xây dựng thế giới.
Nằm trong kế hoạch chiến lược 10 năm 2022 – 2032, mục tiêu doanh thu đối với thị trường quốc tế đến năm 2032 của Hoà Bình là 13 tỷ USD. Năm 2022, công ty đã thành lập Tiểu ban thị trường nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ.
Hồi tháng 8 vừa qua, HBC ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Primetech Constructions của Australia để triển khai dự án Matevulu Sands Hotel and Resorts tại Quốc đảo Vanuatu. Trước đó, công ty cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Công ty Geojang của Hàn Quốc về đồng hành xây dựng các dự án ở Arab Saudi.