Tỉnh Cao Bằng giới thiệu đến các khách tham quan thủ đô và các doanh nghiệp tham dự sự kiện về các loại hình nghệ thuật, đặc sản địa phương, từ đó quảng bá thêm hình ảnh con người, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong số đó có nghệ thuật hát then, đàn tính. Đây là loại hình dân ca đặc sắc của người Tày ở Cao Bằng, đồng thời là một hình thức sinh hoạt có vị trí quan trọng của người Tày, thường được biểu diễn trong lễ tết, cầu mùa, gọi hồn… |
Tỉnh Cao Bằng còn quảng bá về trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh là cô gái mặc đồ dân tộc Mông sinh sống tại Cao Bằng. Người Mông trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nhóm, bao gồm Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen. |
Người Dao tại Cao Bằng hiện có hai nhóm người, bao gồm Dao Đỏ và Dao Tiền. Riêng trang phục truyền thống của người Dao Tiền có màu sắc chủ đạo là sắc chàm và màu trắng cùng những hoa văn họa tiết trang trí đa dạng. Người Dao Tiền còn trang trí thêm cho trang phục bằng những trang sức bằng bạc đi kèm như vòng cổ, vòng tay, khuy áo… |
Cao Bằng là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tổ quốc với diện tích tự nhiên hơn 6.700 km², dân số hơn 530.000 người, trong đó hơn 95% là đồng bào các dân tộc thiểu số (là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước). Tỉnh hiện có 8 dân tộc chính cùng sinh sống trên địa bàn, bao gồm Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán chỉ, Lô lô.... Tại sự kiện, tỉnh Cao Bằng còn trưng bày các bức ảnh về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, các cảnh quan thiên nhiên tại địa phương. |
Bên cạnh giới thiệu, quảng bá văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng" cũng là dịp để người dân thủ đô, doanh nghiệp được hiểu nhiều hơn về các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết, các sản phẩm được mang đến giới thiệu là các sản phẩm OCOP, mang đặc trưng của địa phương như thạch đen, miến dong, lạp xưởng… |
Bánh dày ngũ sắc với màu được tạo hoàn toàn từ các cây tự nhiên. Màu tím được nhuộm từ lá và thân của cây cẩm tím, màu vàng được tạo ra từ gấc, màu xanh được lấy từ cây ngải. |
Doanh nghiệp Kolia (tại Cao Bằng) lần này cũng mang đến các sản phẩm về trà như trà xanh truyền thống, hồng trà, ô long…. Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Trà trồng tại Cao Bằng có vị không quá đắng và chát. Điểm nổi bật của lá trà tại đây là mùi thơm đặc trưng”. Các sản phẩm trà của doanh nghiệp đã được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và được người tiêu dùng nước này ưa chuộng. |
Tỉnh Cao Bằng đang tập trung phát triển tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3: "Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN", trong đó ớt là một trong những sản phẩm được chú trọng. |
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng được giao hơn 2.095 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh đã dành gần 567 tỷ đồng để thực hiện Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.
Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã thẩm định được 8 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm: Dự án cây ớt tại 2 huyện Hà Quảng, Hoà An; dự án cây ngô sinh khối tại 2 huyện Quảng Hoà, Thạch An; dự án cây lê, dự án cây thuốc lá, dự án cây hồi, quế ở huyện Trùng Khánh; dự án cây gừng trâu, dự án cây gai xanh ở huyện Hạ Lang; dự án cây hồi, quế ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm.