![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP |
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Tổng Bí thư Tô Lâm, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân," Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Xuất khẩu là động lực quan trọng, nhưng không phải động lực duy nhất
Hội nghị thống nhất cao các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Thứ hai, về ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình, đề ra kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng. Coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu.
Thủ tướng nêu rõ, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng không phải là thị trường duy nhất.
"Do đó, chúng ta rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Hoa Kỳ và tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với các đối tác," Thủ tướng nêu rõ.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội sửa đổi các luật, nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới (đến nay có hơn 40 dự án luật, nghị quyết. Trong đó có các dự án luật về doanh nghiệp; đầu tư; đối tác công tư; đấu thầu; ngân sách Nhà nước, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; năng lượng nguyên tử…)
Thứ tư, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Về đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ. Phát huy vai trò của các đoàn công tác, tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Về xuất khẩu, Bộ Công Thương chủ trì để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Về tiêu dùng, Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng gói chính sách kích cầu tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng…, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.
Bộ Công Thương chủ trì đề xuất các giải pháp cụ thể kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.
Về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đôn đốc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quốc tế; xây dựng khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số, quỹ đầu tư quốc gia.
Đà Nẵng khẩn trương trình đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; Quảng Ninh khẩn trương xây dựng đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Thứ năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng phương án, kịch bản tăng trưởng quý 2/2025 và các quý còn lại của năm 2025. Đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi; tăng cường quản lý thu, nhất là từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển. Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025.
Thứ sáu, tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với ngân hàng SCB. Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 này.
Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước.