Theo RT, trong cuộc phỏng vấn với tờ New Voice của Ukraine ngày 5/4, khi được hỏi liệu khối này có bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine hay không, Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố:
“Chúng tôi không đặt ra lằn ranh đỏ của riêng mình, vì NATO không phải là một phần của các cuộc đàm phán đó. Cuộc đàm phán hiện nay do Mỹ dẫn dắt, phối hợp cùng Ukraine và Nga. Tôi rất mừng vì Mỹ đã phá vỡ bế tắc để cuộc đàm phán này được nối lại”.
![]() |
Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: RT |
Người đứng đầu NATO đồng thời nhấn mạnh rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine không liên quan đến các cuộc đàm phán hiện nay. “Ukraine chưa từng được hứa hẹn rằng tư cách thành viên NATO sẽ là một phần trong thỏa thuận hòa bình hoặc lệnh ngừng bắn. Đây là 2 điều riêng biệt, một bên là thỏa thuận hòa bình, một bên là triển vọng dài hạn,” ông Rutte nói.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thư ký NATO đã loại trừ khả năng khối này có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine. “Khả năng NATO tham gia là rất thấp,” ông Rutte khẳng định, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia thành viên có thể tự mình điều động quân đội nếu muốn. Song, ông cảnh báo động thái này sẽ “tác động đến lãnh thổ NATO” và “tác động đến cách thức phòng thủ của khối trong tương lai”.
Tuyên bố của Tổng thư ký NATO được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, các bên mới chỉ nhất trí tạm ngừng tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Đầu tuần này, Tổng thống Trump khẳng định rằng Ukraine sẽ không giành được tư cách thành viên NATO bằng việc gây sức ép và từ bỏ thỏa thuận khoáng sản đất hiếm với Washington. Ông nhấn mạnh rằng Nga đã phản đối khả năng Ukraine gia nhập NATO kể từ trước khi ông Vladimir Putin lần đầu tiên được bầu làm Tổng thống vào năm 2000; đồng thời cho rằng “đó có lẽ là lý do thực sự khiến cuộc chiến bắt đầu”.
Nga từ lâu đã phản đối nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, coi đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột hiện nay. Điện Kremlin tuyên bố rằng việc khối quân sự này mở rộng về phía biên giới của Nga đe dọa đến an ninh của nước này và nhấn mạnh rằng Ukraine phải áp dụng quy chế trung lập như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Moscow cũng khẳng định rằng bất kỳ giải pháp nào nhằm kết thúc cuộc xung đột cũng phải bắt đầu bằng việc Kiev ngừng các hoạt động quân sự; thừa nhận “thực tế lãnh thổ” rằng họ không thể giành lại quyền kiểm soát các khu vực mà Nga đã sáp nhập.
![]() Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng Mỹ chỉ nói về việc sẽ kết nạp Ukraine vào NATO, nhưng Washington chưa bao giờ thực sự muốn điều đó xảy ra. |
![]() Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như ám chỉ rằng ông có thể từ chức để đổi lấy việc Ukraine được gia nhập NATO. |
![]() Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào để chấm dứt xung đột Nga – Ukraine cũng phải bao gồm điều khoản tiên quyết là Kiev phải trung lập và không được gia nhập NATO. |
![]() Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố NATO sẽ không thể bình thường hóa quan hệ với Nga ngay cả khi cuộc chiến tại Ukraine kết thúc, vì hai bên hoàn toàn thiếu tin tưởng lẫn nhau. |