RT đưa tin, phát biểu trong cuộc họp ngày 22/10 tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình tại Ukraine, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Kiev cần phải trở thành thành viên của NATO hoặc được sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Việc Ukraine gia nhập NATO dưới bất kỳ hình thức nào liên quan đến lãnh thổ là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga và không thể là một phần của bất kỳ kế hoạch hòa bình hay sáng kiến hòa giải nào,” ông Nebenzia nói.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: AP |
Nhà ngoại giao Nga tuyên bố “hành động đe dọa hạt nhân” của Tổng thống Zelensky tương đương với tuyên bố công khai về ý định sẽ vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) của Kiev; đồng thời điều này cũng chứng minh quyết định của Moscow là đúng đắn khi phát động chiến dịch quân sự, vì họ đã hành động sau khi nhận được những lời đe dọa hạt nhân tương tự từ phía lãnh đạo Ukraine.
“Những mối đe dọa an ninh đối với đất nước chúng tôi sẽ không thể được loại bỏ nếu không tiến hành phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đảm bảo quyền lợi và tự do của tất cả công dân Ukraine,” ông Nebenzia phát biểu trước Hội đồng Bảo an.
Ông cho rằng “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Zelensky chỉ là nỗ lực lôi kéo NATO vào “một cuộc xung đột trực tiếp với Nga, thay vì là một cuộc chiến ủy nhiệm”. Đại sứ Nga cũng cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine đang đẩy cả thế giới vào nguy cơ diệt vong hạt nhân chỉ để duy trì quyền lực.
Ukraine chưa bình luận về các tuyên bố của Đại sứ Nga.
Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kể từ cuối tháng 2/2022. Cho đến nay, cuộc xung đột này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng.
Vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Trong đó, Nga sẵn sàng ngay lập tức mở các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu Kiev rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới của Moscow – những vùng cần được quốc tế công nhận; Ukraine cam kết giữ nguyên trạng thái trung lập, chính thức không gia nhập NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và cuối cùng là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều bác bỏ đề xuất này.
Ngày 16/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố "kế hoạch chiến thắng" trong bài phát biểu trước Quốc hội Ukraine. Trong đó bao gồm đề xuất Ukraine phải nhận được lời mời gia nhập NATO vô điều kiện ngay lập tức; kêu gọi phương Tây dỡ bỏ hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất để tấn công sâu vào Nga; Kiev cần “triển khai một gói răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện trên lãnh thổ của mình” để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ Moscow...
Ông Zelensky cho rằng kế hoạch này có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột với Nga sớm nhất là vào năm tới; đồng thời tuyên bố sẽ không cho phép nhượng bộ lãnh thổ hay đóng băng xung đột với Nga.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận rằng “kế hoạch chiến thắng” do Tổng thống Zelensky đưa ra là kế hoạch gây ra "nỗi bất hạnh" và chỉ góp phần thúc đẩy NATO tiến tới một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.
Nga sẽ ‘kích hoạt kế hoạch dự phòng’ nếu Ukraine tấn công tầm xa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo các biện pháp đáp trả của Moscow sẽ có hiệu lực ngay lập tức nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. |
Tổng thống Zelensky kỳ vọng xung đột Nga - Ukraine sắp kết thúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông nhận thấy tình hình trên chiến trường sẽ tạo ra cơ hội trong những tháng tới để mở đường cho việc chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm với Nga. |
Nga phản ứng trước ‘kế hoạch chiến thắng' của Tổng thống Zelensky Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “kế hoạch chiến thắng” do Tổng thống Ukraine đưa ra là kế hoạch gây thảm họa và chỉ góp phần thúc đẩy NATO tiến tới một cuộc xung đột trực tiếp với Moscow. |
Tổng thống Putin không chấp nhận ngừng bắn tạm thời ở Ukraine Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mục tiêu của Nga là duy trì một nền hòa bình lâu dài với Ukraine thay vì một lệnh ngừng bắn ngắn hạn; đồng thời cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán nếu dựa trên cơ sở dự thảo tại cuộc họp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022. |