“Chúng tôi đã ngừng theo dõi chủ đề này kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng chúng tôi sẽ làm gì, rút ra kết luận gì nếu phương Tây đưa ra quyết định như vậy (cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa),” Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 8/10 cho biết, theo RT.
Ông nhấn mạnh: “Ngay khi quyết định này được (phương Tây) đưa ra, thì những phương án dự phòng mà Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập sẽ có hiệu lực”.
Bình luận của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau phát biểu gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng cuộc họp cấp lãnh đạo của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (Ramstein) vào ngày 12/10 về viện trợ quân sự cho Kiev sẽ trở nên đặc biệt và tuần sau sẽ “trở thành lịch sử”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS |
Ông Lavrov tuyên bố Moscow không theo dõi cuộc họp này. “Chúng tôi đang làm nhiệm vụ của mình. Quan trọng nhất là quân đội của chúng tôi đang làm nhiệm vụ của họ. Tôi không biết Tổng thống Zelensky đang mong đợi những điều ‘lịch sử’ nào. Nhiều ‘điều lịch sử’ đang đến với số phận của chính phủ ông ấy,” ông Lavrov nói.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Newsweek đăng tải ngày 7/10, nhà ngoại giao cấp cao Nga đã cảnh báo việc phương Tây thảo luận về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga là “đùa với lửa” và có thể dẫn đến “hậu quả nguy hiểm”.
Ukraine trong nhiều tháng qua đã kêu gọi các đồng minh cho phép sử dụng các vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh, để tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Một số thành viên NATO đang có sự thay đổi lập trường về việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa đối với Ukraine. Tờ Guardian ngày 11/9 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Chính phủ Anh đã “bật đèn xanh” cho việc Ukraine được phép sử dụng tên lửa Storm Shadow, trước khi Ngoại trưởng Anh David Lammy và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken thực hiện chuyến đi chung tới Kiev.
Cũng theo tờ Guardian, Ngoại trưởng Mỹ đã “đưa ra gợi ý mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa chống lại Nga. Quyết định này “được hiểu là đã được đưa ra một cách riêng tư”.
Các quốc gia khác, như Thụy Điển, Phần Lan và Canada, cũng đã lên tiếng tuyên bố rằng họ hoàn toàn ủng hộ việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15/9 tuyên bố Berlin sẽ không cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của mình để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, ngay cả khi các quốc gia khác có động thái như vậy.
Về phía Nga, trong bài phát biểu ngày 12/9, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Ukraine không đủ khả năng tự vận hành các hệ thống tầm xa do phương Tây cung cấp; mà phải cần các thông tin tình báo từ vệ tinh và binh sĩ NATO. Ông cảnh báo nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga sẽ đồng nghĩa với việc “các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Chủ nhân Điện Kremlin cũng tiết lộ rằng, Moscow đang trong quá trình điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Trong đó, một cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân được một quốc gia hạt nhân hậu thuẫn có thể kích hoạt hành động trả đũa hạt nhân từ Nga.
Nga cảnh báo nếu Ukraine được phép tấn công bằng tên lửa tầm xa Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ quyết định nào của phương Tây nhằm cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa sẽ là động thái làm sâu thêm sự tham gia trực tiếp của Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến với Moscow. |
Tổng thống Nga Putin cảnh báo cứng rắn với NATO về vũ khí tầm xa Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc phương Tây gỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa sẽ khiến các nước này trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột với Nga và sẽ nhận lấy phản ứng thích đáng từ Moscow. |
Ông Medvedev: ‘Nga đang kiềm chế không sử dụng vũ khí hạt nhân' Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của Moscow là có giới hạn khi phương Tây cân nhắc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa. |
NATO kêu gọi các thành viên tự quyết định cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg quyên bố rằng các thành viên NATO có thể tự đưa ra quyết định về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga hay không. |