Đại sứ Philippines: Mọi con mắt dường như đang đổ dồn vào những ấn tượng của các bạn

Đại sứ Philippines: Mọi con mắt dường như đang đổ dồn vào những ấn tượng của các bạn

Việt nAM Philippines
07:18 - 27/01/2023

Trong cuộc trao đổi với Mekong ASEAN nhân dịp đầu năm mới, Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo LB.Montealegre cho rằng, những giá trị của truyền thống và văn hóa sẽ luôn là những gì quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân người Việt, bên cạnh khát vọng xây dựng xã hội hiện đại và hòa nhập với thế giới.

Mekong ASEAN: 2022 là một năm quan trọng đối với các quốc gia trong quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Ngài Đại sứ đánh giá thế nào về những kết quả mà Việt Nam đã đạt được?

Đại sứ Meynardo LB.Montealegre: Sự phục hồi của Việt Nam sau Covid-19 rất đáng ngưỡng mộ. Nhờ chiến dịch tiêm chủng quyết liệt của Chính phủ, người dân đã có thể thích ứng an toàn và trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Các kết quả tích cực có thể dễ dàng kiểm chứng dựa trên thành tích kinh tế của Việt Nam so với khu vực. Mọi con mắt dường như đang đổ dồn vào những ấn tượng liên tục của các bạn. Tất cả đều tin tưởng Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng ổn định; GDP năm nay đã đạt hơn 8%.

Bên cạnh kinh tế, tôi cũng rất ấn tượng với sự phục hồi của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… Đó là kết quả từ hoạt động sôi nổi của các cơ quan, ban ngành tại Việt Nam. Thậm chí các tỉnh đã tổ chức thành công các hội chợ, triển lãm văn hóa ngay từ đầu tháng 6/2022. Các chương trình, dự án bị tạm dừng 2 năm qua đã được khởi động lại với sự tham gia mạnh mẽ, nhiệt tình của cán bộ, công chức chính quyền và người dân.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, Đại sứ có thể điểm lại một số nét nổi bật trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Philippines năm 2022 vừa qua?

Đại sứ Meynardo LB.Montealegre: Trong năm 2022, Việt Nam và Philippines tiếp tục thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược qua nhiều hoạt động từ Chính phủ cũng như thúc đẩy thương mại, giao lưu văn hóa. Các quan chức cấp cao của Philippines đến thăm Việt Nam; gặp gỡ những người đồng cấp từ các nước ASEAN khác trong một số hội nghị và diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các cuộc gặp song phương giữa các quan chức quốc phòng và an ninh; qua chuyến thăm của các nghị sĩ.

Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân dự lễ nhậm chức của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos, Jr. vào tháng 6/2022. Đặc biệt trong tháng 11/2022, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Philippines đã có những cuộc hội đàm, gặp gỡ ngắn gọn để sắp xếp các cuộc gặp song phương có thể có trong những tháng tiếp theo.

Ngoại trưởng Enrique Manalo hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến ​​với Tổng thống Marcos bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnom Penh. Trong khuôn khổ APEC, Tổng thống Marcos cũng đã có dịp gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và trao đổi về tình hình quan hệ nổi bật và ngày càng sâu sắc giữa hai nước.

Cũng trong tháng 11/2022, Philippines đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác thăm cấp nghị viện Philippines, ngay sau chuyến thăm của Thượng nghị sĩ Ronald Dela Rosa tại Việt Nam.

Về quan hệ thương mại, bất chấp những thách thức do Covid-19 mang lại, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Philippines và Việt Nam vẫn ổn định. Năm 2021, khi đại dịch đỉnh điểm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 6,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Philippines sang Việt Nam vẫn tăng gần 28%, trong khi nhập khẩu của Philippines từ Việt Nam cũng tăng 33%. Philippines là đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại gạo tăng đều hàng năm và lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 6,6 tỷ USD, bình quân đạt trên 600 triệu USD/tháng. Riêng xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Philippines đạt 2,739 triệu tấn, trị giá hơn 1,266 tỷ USD, tăng 30,84% về khối lượng và tăng 18,39% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu của năm 2022 vẫn đang được cập nhật nhưng với thực tế là các hoạt động kinh tế đã gần trở lại mức bình thường, chúng ta có thể kỳ vọng rằng thương mại và đầu tư hai chiều giữa hai nước sẽ đạt những kết quả đáng khích lệ.

Mekong ASEAN: Theo Đại sứ, đâu là những thách thức kinh tế mà Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung sẽ phải đối mặt và vượt qua trong năm 2023? Cộng đồng các quốc gia ASEAN cần làm gì để xây dựng khối kinh tế vững mạnh trong hợp tác và cạnh tranh với các khu vực khác?

Đại sứ Meynardo LB.Montealegre: Tôi cho rằng sự gián đoạn cung ứng năng lượng và lạm phát cao sẽ tiếp tục là thách thức đối với các quốc gia trong khu vực và khả năng sẽ kéo dài trong vài năm tới. Thông qua các cơ chế khác nhau của mình, cộng đồng ASEAN có thể kêu gọi, triệu tập các quốc gia lớn để thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tận dụng những cơ hội này để tăng cường cam kết nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định.

Hợp tác năng lượng và tăng cường khôi phục thương mại, đầu tư cũng là giải pháp để cộng đồng ASEAN xây dựng khối kinh tế lớn mạnh. Cùng với đó là thảo luận với các nước châu Âu về đề nghị hợp tác trong đảm bảo an ninh lương thực, chuỗi cung ứng nguyên liệu thô, với nguồn cung cấp ổn định, chuyên nghiệp và nhân lực lành nghề, ngày càng được trang bị trình độ cao.

Mekong ASEAN: Đại sứ đã ở Việt Nam một thời gian. Đâu là hình ảnh đất nước, con người Việt Nam để lại cho Ngài ấn tượng sâu sắc nhất?

Đại sứ Meynardo LB.Montealegre: Trong 2 năm ở Việt Nam, tôi rất ấn tượng trước thành công bền vững của đất nước các bạn qua nhiều khó khăn và thử thách. Tinh thần bất khuất rất đáng ngưỡng mộ của người Việt Nam để vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm giàu cho quê hương đất nước.

Giống như người dân Philippines, người dân Việt Nam đều coi trọng tự do và gia đình. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân để đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ đó thực sự là truyền thống nhân văn đáng quý.

Trong tất cả các dịp lễ của các bạn, Tết Nguyên đán gây ấn tượng nhất đối với tôi vì tầm quan trọng sâu sắc đối với người Việt Nam. Nó phản ánh giá trị về gia đình và bạn bè, của truyền thống và văn hóa, những điều vốn vẫn là trung tâm đối với mỗi cá nhân người Việt Nam, bất chấp các phong cách mới khi xây dựng một xã hội hiện đại.

Mekong ASEAN: Ngài có thể chia sẻ về những nét đặc trưng trong ngày Tết năm mới của Philippines? Có sự giống nhau nào giữa Tết Việt Nam và Tết Philippines không, thưa Ngài?

Đại sứ Meynardo LB.Montealegre: Hầu hết người Philippines không theo lịch Âm nên chúng tôi ăn mừng vào ngày 1/1 Dương lịch hàng năm. Năm mới thường được tổ chức bằng một bữa ăn với gia đình và bạn bè, nhiều hộ gia đình đốt pháo hoa vào lúc nửa đêm. Nhiều người Philippines cũng xin nghỉ các công việc thường ngày để trở về quê hương đón năm mới cùng gia đình.

Tuy nhiên, do áp lực kinh tế xã hội của thời hiện đại, truyền thống về quê mỗi dịp Năm mới đang dần phai nhạt. Do đó, một số người Philippines sẽ chỉ về quê với gia đình trong các kỳ nghỉ lễ dài khác như Mùa Chay (Tuần Thánh) và Giáng sinh (kéo dài đến lễ đón Năm mới). Hai kỳ nghỉ dài này cũng rất quan trọng đối với nhiều người Philippines vì thể hiện sự trân trọng với mối quan hệ gia đình và cộng đồng.

Mekong ASEAN: Giao lưu, kết nối văn hóa cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Ngài có ý tưởng hay mong muốn gì để xây dựng một cộng đồng văn hóa ASEAN ngày càng có bản sắc?

Đại sứ Meynardo LB.Montealegre: Tôi nghĩ hợp tác văn hóa có thể được thúc đẩy tốt hơn thông qua các chương trình trao đổi giáo dục và du lịch giữa các nước ASEAN. Trao đổi giáo dục nên tập trung vào các lĩnh vực chiến lược mà ASEAN quan tâm và có thể mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sự phát triển của khu vực như nghiên cứu khoa học nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và thăm dò năng lượng thay thế.

Về lâu dài, những lĩnh vực này sẽ giúp ASEAN duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng cường ảnh hưởng kinh tế của khu vực trong cộng đồng quốc tế và giúp xây dựng một cộng đồng ASEAN tốt đẹp hơn.

Các chương trình du lịch khuyến khích sự hiểu biết tốt hơn, thúc đẩy sự kết nối giao lưu thời bảo tồn nền văn hóa ASEAN độc đáo nhưng đa dạng. Điều đáng mừng là tất cả công dân ASEAN có thể tự do đi lại trong khu vực, nhưng tôi cho rằng các nước cũng nên phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn để tăng cường các mối liên kết này cũng như thu hẹp khoảng cách địa lý.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn Ngài Đại sứ!

Đọc tiếp