Ảnh: Phùng Nguyện.

Đất vải Thanh Hà - Miền Tây thu nhỏ giữa vùng Đồng bằng sông Hồng

Thanh Hà NÔNG NGHIỆP
09:56 - 20/07/2022
Chia sẻ với Mekong ASEAN, Bí thư huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết, bên cạnh những nông sản giá trị như vải và ổi, huyện xứ Đông này còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái có thể đẩy mạnh kết hợp trong thời gian tới.

Tuy đã là cuối vụ vải nhưng vùng đất Thanh Hà – Hải Dương vẫn còn điểm xuyết màu đỏ của thứ quả ngọt thơm đặc trưng mà bất kỳ ai đặt chân đến cũng dễ dàng thấy được. Đây cũng chính là một trong hai nguồn thu giá trị chính cho Thanh Hà trong 6 tháng đầu năm.

Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Huyện Thanh Hà cho thấy, năm 2022, ngoài duy trì 420 ha đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, huyện Thanh Hà tiếp tục quy hoạch mở rộng sản xuất thêm 30 ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50 ha vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nâng diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP 450 ha; diện tích vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 100 ha.

Huyện đã phối hợp với Viện rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai nghiên cứu đề tài về sản xuất vải theo hướng hữu cơ tại 2 xã Thanh Thủy, Thanh Khê với diện tích 3 ha, thời gian thực hiện trong 3 năm.

Năm 2022, huyện Thanh Hà đã được Cục Bảo vệ thực vật rà soát và cấp: 45 mã số vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc (535,2 ha); 53 mã số vùng trồng xuất khẩu Australia (569,21 ha); 38 mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản (473 ha); 9 mã số vùng trồng xuất khẩu Hoa Kỳ (95,4 ha); 9 mã số vùng trồng xuất khẩu Thái Lan (88,05 ha).

Theo thống kê, sản lượng vải năm 2022 của Thanh Hà ước đạt 44.000 tấn, trong đó vải sớm 31.000 tấn, vải chính vụ 13.000 tấn tăng khoảng 3.000 tấn so với năm 2021. Đến nay, vải đã thu hoạch cơ bản xong, giá bán vải ổn định (vải sớm bình quân khoảng 30.000đ/kg; vải chính vụ giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg).

Thứ quả bé nhỏ này cũng đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc đạt trên 2 nghìn tấn và được đánh giá cao về chất lượng.

Nguồn thu thứ hai mang lại nhiều giá trị cho Thanh Hà đến từ cây ổi. Huyện đã sớm quy hoạch các vùng ổi hàng hóa tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 100 ha. Năng suất bình quân của cây ổi niên vụ 2021 - 2022 đạt 1,2 - 1,5 tấn/sào; giá trị sản xuất của cây ổi ước đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Trịnh Văn Thiện, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà nhận định, trong chiến lược phát triển nông nghiệp chung của Hải Dương, nông nghiệp Thanh Hà đóng vai trò quan trọng. Trong cả năm 2021, nguồn thu chủ yếu từ quả vải và quả ổi – 2 sản phẩm nông đặc sản chủ yếu của huyện.

Đối với năm 2021, tổng thu vải với sản lượng khoảng 40.000 tấn với giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 thu khoảng trên 1.500 tỷ đồng, là đóng góp rất lớn vào nông nghiệp cả tỉnh.

Để gia tăng giá trị nông sản chủ đạo của huyện, ông Thiện cho biết, định hướng tiếp theo, Thanh Hà sẽ quy hoạch những vùng chuyên canh về ổi và vải. Hiện nay vải Thanh Hà đang được trồng gần như khắp huyện, thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển những loại vải sớm. Đối với vải chính vụ khiêm tốn hơn, nhưng sẽ vẫn tập trung phát triển để duy trì, bảo tồn, lưu giữ giống vải lâu năm của Việt Nam.

Bên cạnh vải thì ổi cũng là loại nông sản mang lại giá trị cao cho Thanh Hà, do ổi được bà con nông dân thâm canh ở trình độ cao và tiêu thụ trong nước quanh năm. Theo Bí thư Huyện ủy Trịnh Văn Thiện, dù chỉ tiêu thụ trong nước nhưng giá trị quả ổi thu về ngang quả vải. Do vậy, huyện rất mong muốn đẩy mạnh xúc tiến hai loại trái cây nổi tiếng của Thanh Hà không những ở Việt Nam mà còn ra cả thị trường nước ngoài.

Hiện tại, nông sản của Thanh Hà vẫn chủ yếu chế biến thô và muốn chế biến sâu gia tăng giá trị cần có những nhà đầu tư và những cơ sở, nhà máy xí nghiệp để sản xuất gia tăng giá trị, nâng tầm nông sản. Với định hướng quy hoạch vùng và huyện mong muốn Nhà nước đầu tư một số cơ sở chế biến để gia tăng giá trị của những sản phẩm này.

Năm 2021, Thanh Hà đã xuất khẩu hơn 2.000 tấn vải đi các nước. Ảnh: Phùng Nguyện.

Năm 2021, Thanh Hà đã xuất khẩu hơn 2.000 tấn vải đi các nước. Ảnh: Phùng Nguyện.

Được sự quan tâm của tỉnh và một số cơ quan chức năng, Thanh Hà đang có cơ sở chế biến nông sản liên kết với Công ty CP Ameii Việt Nam đặt tại địa bàn huyện. Năm 2021, cơ sở này đã giúp huyện xuất khẩu trên 2.000 tấn vải đi các nước, tập trung chủ yếu là thị trường Nhật Bản.

Cơ sở sử dụng luôn lao động và chế biến tại chỗ, lựa chọn từ trước những vùng trồng vải chọn lọc, đầu tư cho người trồng từ lúc chăm sóc đến lúc thu hoạch. Những sản phẩm được tuyển chọn này sau khi xuất sang thị trường Nhật được bán với giá 500.000 – 1.000.000 đồng/kg vải.

Huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương được bao quanh bởi có các con sông lớn như Thái Bình (ở phía Tây Nam), sông Rạng, sông Văn Úc (ở phía Đông Bắc). Phía trong lại có những sông nhỏ như sông Gùa, sông Hương và các kênh, rạch chạy len lỏi khắp nơi đã tạo thành mạng lưới sông ngòi dày đặc, nối làng mạc này với làng mạc khác, vườn cây này với vườn cây khác.

Cùng với hai loại nông sản đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao là vải và ổi, hệ thống sông ngòi này chính là ưu điểm thiên nhiên được trời phú để Thanh Hà có điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mang âm hưởng của miệt vườn sông nước miền Tây.

Trong thời gian qua, du lịch sinh thái miệt vườn, trải nghiệm gắn với các loại trái cây cũng góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, giới thiệu vải thiều Thanh Hà, ổi Thanh Hà Hải Dương nói riêng và các loại nông sản khác nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng (áo trắng) giới thiệu vải thiều Thanh Hà đến Đại sứ các nước đến thăm vùng vải Thanh Hà.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng (áo trắng) giới thiệu vải thiều Thanh Hà đến Đại sứ các nước đến thăm vùng vải Thanh Hà.

Theo thống kê, vụ vải năm 2022, khu du lịch Đồng Mẩn thuộc xã Thanh Khê huyện Thanh Hà và khu bảo tồn cây vải tổ tại xã Thanh Sơn đã đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, trong đó có hơn 240 lượt khách quốc tế. Đây là những con số tích cực nói lên sự hấp dẫn của du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Thanh Hà cũng là nơi có cây vải tổ gần 200 năm tuổi, nơi xuất phát của quả vải thiều trên khắp Việt Nam, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải xứ Đông ngon trứ danh. Huyện đã quan tâm làm đường nhựa, xây dựng biển chỉ đường cho khách tham quan vào tận gốc cây tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Điều đặc biệt là cây vải dù đã gần 200 năm tuổi nhưng mỗi năm đến mùa vẫn cho ra trái mang vị ngon đặc biệt.

Cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Ngoài ra, Thanh Hà cũng có các khu trồng rau xanh trù phú với nhiều mô hình khác nhau có thể kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái kết hợp với trải nghiệm thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị thu nhập cho bà con nông dân từ quảng bá nông sản và thu hút du lịch.

Chia sẻ về cảm nhận của các du khách khi đến Khu du lịch Đồng Mẩn, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà, ông Trịnh Văn Thiện cho biết đang ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực, đã có nhiều du khách ví đây là Miền tây thu nhỏ. Thanh Hà hứa hẹn trong tương lai sẽ là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

“Từ việc trải nghiệm và nâng cao giá trị nông nghiệp, kết hợp các hoạt động chèo thuyền trên các dòng sông với trải nghiệm thưởng thức hoa quả theo mô hình miệt vườn sông nước miền Tây. Thanh Hà xác định kết hợp du lịch và nông nghiệp là một trong những mũi nhọn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhiệm kỳ 2020 – 2025”, ông Thiện nhấn mạnh.

Đọc tiếp