Dấu ấn chất vấn giữa nhiệm kỳ: Thẳng thắn, sôi nổi, thông tỏ nhiều vấn đề

Dấu ấn chất vấn giữa nhiệm kỳ: Thẳng thắn, sôi nổi, thông tỏ nhiều vấn đề

CHẤT VẤN QUỐC HỘI
10:41 - 09/11/2023
Cử tri, nhân dân cả nước tin tưởng và mong chờ "lời hứa" của các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ từng bước được thực hiện, góp phần làm vơi đi những nhọc nhằn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn, biến động.

Khác với các phiên chất vấn thông thường, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và Quốc hội khoá XV từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4. Vì vậy, tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều được nêu tại nghị trường, và tất cả các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành đều đăng đàn trả lời đại biểu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người điều hành phiên chất vấn, trong thời hạn 2,5 ngày, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 38 lượt tranh luận.

"Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục", Chủ tịch Quốc hội đánh giá khi phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã diễn ra với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, làm sáng tỏ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

HÀNG LOẠT VẤN ĐỀ LÀM "NÓNG" NGHỊ TRƯỜNG

Qua tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu đã mang hàng loạt vấn đề nóng tới nghị trường. Ở lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng là các vấn đề chậm quy hoạch, vướng mắc đầu tư công, tăng trưởng tín dụng thấp, cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém...

Ở lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường là các vấn đề thiếu điện, phát triển sản phẩm OCOP, cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, quy hoạch treo, ô nhiễm môi trường...

Ở lĩnh vực nội chính, tư pháp là vấn đề cải cách chính sách tiền lương, chậm ban hành văn bản hướng dẫn, tham nhũng, vi phạm phòng cháy chữa cháy, nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý hình sự...

Ở lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, lao động là các vấn đề in sách giáo khoa, thiếu vật tư – thuốc bảo hiểm y tế, hiệu quả của nghiên cứu khoa học, quảng cáo sai sự thật trên mạng, năng suất lao động...

Các đại biểu đã chất vấn thẳng thắn, không có sự né tránh. Khi chưa thoả mãn với câu trả lời, các đại biểu cũng không ngại nêu quan điểm tranh luận.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chất vấn về việc thanh tra dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng và trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ khi một số cán bộ cấp dưới bị khởi tố về tội nhận hối lộ. Sau khi Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trả lời, đại biểu cho rằng "chưa chính xác" và giơ biển tranh luận, đề nghị Tổng Thanh tra nhận trách nhiệm của mình.

Khi chất vấn về lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều đại biểu tranh luận với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng về các vấn đề liên quan dự án PPP, BOT. Như đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) không đồng tình với giải pháp Bộ trưởng đưa ra rằng "nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP để thu hút các nhà đầu tư tư nhân". Theo đại biểu, nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) thì lo lắng "chim sẻ hoang mang, đại bàng cũng sẽ lo lắng" khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ đàm phán cắt giảm lợi nhuận của các chủ đầu tư hoặc giảm lãi ngân hàng để gỡ khó cho các dự án BOT đang gặp vướng mắc...

Không đồng tình với quan điểm Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng về cách xử lý phản ứng dư luận với bộ phim Đất rừng phương Nam, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng cơ quan Nhà nước cần phải lắng nghe, theo dõi dư luận để có những điều chỉnh cần thiết, bởi mọi thứ đều có lý, "không có lửa làm sao có khói".

LỜI HỨA CỦA CÁC TƯ LỆNH NGÀNH

Sau chất vấn của các vị đại biểu, những vấn đề nổi cộm, cần giải quyết của các lĩnh vực ngành thêm lộ rõ và các bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu. Các tư lệnh ngành cũng có những cam kết, đưa ra giải pháp để hoàn thành các công việc còn dang dở trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Điều gì chưa rõ, chưa chín thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Gửi gắm câu hỏi đến người đứng đầu Chính phủ, đại biểu trăn trở, nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho.

Hồi đáp đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, khả năng chống chịu còn hạn chế; tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh. Vì vậy, những văn bản, quy định có lúc theo kịp thực tiễn, có lúc chưa theo kịp được, quy trình xây dựng pháp luật còn mất nhiều thời gian, công sức.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp. Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đẩy nhanh công tác quy hoạch

Đăng đàn chia sẻ về công tác quy hoạch, Bộ trưởng cho biết sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 61, các vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, đến nay, tiến độ đang được triển khai khẩn trương và nhanh.

Đề cập đến 4 quy hoạch của địa phương, Bộ trưởng thông tin, có 2 quy hoạch rất khó là TP Hà Nội và TP HCM. Đây là hai cực tăng trưởng, có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghe trước khi Hội đồng thẩm định họp.

Còn quy hoạch tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, Bộ trưởng cho biết đang tiến hành đôn đốc và cơ bản hoàn thành trong năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Bộ GTVT đang rất quyết liệt

Vấn đề nóng của ngành giao thông vận tải thời gian qua là một số tuyến đường cao tốc có điểm dừng nghỉ gây bất tiện cho người tham gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai. Ông giải thích việc chậm trễ này là do ngành giao thông phải "vừa chạy vừa xếp hàng", tức vừa xây dựng đường cao tốc vừa rà soát lại, xây dựng hành lang pháp lý xây dựng trạm dừng nghỉ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, 9 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023 - 2024, còn 15 trạm của giai đoạn 2 chắc chắn sẽ đảm bảo tiến độ, tức là khi đưa vào tất cả các tuyến cao tốc giai đoạn 2 sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ với quy mô khang trang và phù hợp thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng GTVT cũng cam kết nỗ lực trong việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư các dự án PPP, nâng cấp các tuyến đường cao tốc chưa hoàn thiện, điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa (từ 80km/giờ lên 90km/giờ).

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Quan tâm nâng lương cho giáo viên mầm non

Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề được đại biểu quan tâm nhất khi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Đó là tiến trình thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, chính sách lương cho giáo viên...

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện đã hoàn thành xong danh mục vị trí việc làm. Đối với cơ quan tổ chức hành chính là 866 vị trí, đơn vị sự nghiệp 615 vị trí và cán bộ công chức cấp xã 17 vị trí. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành và địa phương, tổ chức sớm xây dựng xong vị trí việc làm để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Về chính sách lương giáo viên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, đội ngũ giáo viên mầm non và nhân viên trường học – hiện mức lương rất thấp cũng sẽ được quan tâm, giải quyết các vấn đề vướng mắc để nâng lương.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là vấn đề khó

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém với lo lắng "liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB thời gian qua nữa hay không", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nói:

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Các ngân hàng này đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình các cấp có thẩm quyền.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan: Cơ sở chữa bệnh phải đủ thuốc

Trước chất vấn người dân đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để bảo hiểm y tế hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định về mặt nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh và không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú.

Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo triển khai để khi có dự thảo chính thức sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để có quy định pháp lý chặt chẽ về điều kiện để người bệnh được thanh toán bảo hiểm, đồng thời tránh lạm dụng đẩy người bệnh phải ra ngoài, dù trách nhiệm mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế là trách nhiệm của cơ sở y tế, Bộ trưởng nhận trách nhiệm.

TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG

Chia sẻ với Mekong ASEAN bên hành lang Quốc hội sau chất vấn, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) cho biết, đây là một kỳ chất vấn chưa từng có tiền lệ. Điểm mới nhất trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này là đã đặt giám sát lên, thể hiện đúng trách nhiệm của các đại biểu.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đánh giá cao phần trả lời của các Bộ trưởng, thể hiện tốt trách nhiệm, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đối với những vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhận xét, lần chất vấn của Kỳ họp thứ 6 này có sự khác biệt đối với kỳ họp trước. Những báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành trình bày khá kỹ lưỡng.

Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, thẳng thắn, trực diện, ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc.

Đại biểu cũng bày tỏ mong muốn, trong các phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành cần phải nêu ra các lộ trình giải quyết cụ thể hơn. Những vấn đề gì đã giải quyết được thì Bộ trưởng đã trả lời khá rõ, nhưng các vấn đề tồn tại “thâm căn cố đế” cần phải có lộ trình ra sao, cần phải phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị như thế nào?

"Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng, đây là những vấn đề lớn. Do đó, nếu như các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành chỉ ra thêm được lộ trình thực hiện lời hứa, đồng bào và cử tri cả nước sẽ thỏa mãn hơn", đại biểu nhấn mạnh.

Dành lời khen cho Chủ tịch Quốc hội, đại biểu nhìn nhận phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, đặc biệt là bám rất sát không chỉ câu hỏi của các đại biểu mà còn có tính chất liên kết giữa câu hỏi của đại biểu về lĩnh vực của các ngành này với các ngành khác.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, phiên chất vấn kỳ họp lần này có nhiều đổi mới, không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, rõ ràng, sâu sát.

Cũng theo đại biểu, Quốc hội chất vấn với nhiều lĩnh vực rất rộng, không hạn chế các chủ đề nhưng các Bộ trưởng, Trưởng ngành nắm rất rõ các vấn đề, kể cả những vấn đề cụ thể, câu trả lời rất rõ, cơ bản giải đáp thắc mắc của cử tri.

Tuy nhiên, theo đại biểu, sự liên kết, phối hợp giữa các ngành để giải quyết các vấn đề vẫn còn hạn chế. Cho rằng các câu hỏi, mong muốn của các đại biểu Quốc hội là chính đáng, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ mong muốn sau phiên chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ tập trung hơn nữa để đẩy nhanh xử lý, giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở các lĩnh vực.

CHẤT VẤN SUY CHO CÙNG LÀ TÌM RA GIẢI PHÁP

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh nhiều lần, chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tiến hành sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn. Qua đây, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, bức xúc về kinh tế - xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra, trong đó đã kịp thời điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt và cả những vấn đề có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài...

Khi viết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, PV cũng rất tâm đắc với chia sẻ của đại biểu Dương Khắc Mai - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đó là chất vấn suy cho cùng là để tìm ra giải pháp, khắc phục những hạn chế, yếu kém chứ không phải để tìm ra điều gì đó, quy trách nhiệm cho ai đó.

Các đại biểu Quốc hội và các bộ trưởng, trưởng ngành có đôi lúc tranh luận gay gắt nhưng mục đích cuối cùng cũng là để công việc được thông suốt, người dân được hưởng lợi, đất nước ngày càng phát triển.

Đọc tiếp