Dấu ấn hai thế hệ trên hành trình phát triển của ACB | Hành trình trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam của Ngân hàng ACB ghi đậm dấu ấn của hai đời Chủ tịch HĐQT là cố doanh nhân Trần Mộng Hùng cùng con trai ông là doanh nhân trẻ Trần Hùng Huy. |
Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) vào hạ tuần tháng 7/2024 đã công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, ghi nhận 6 cổ đông cá nhân sở hữu tổng cộng 546,9 triệu cổ phần, tương đương 12,2% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong đó, cổ đông lớn nhất là Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy với 153 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,4% vốn điều lệ ngân hàng này. Mẹ của ông Trần Hùng Huy là bà Đặng Thu Thủy nắm giữ 53,35 triệu cổ phần ACB, tương ứng tỷ lệ 1,19%.
Đáng chú ý, người có liên quan của ông Trần Hùng Huy cũng sở hữu 367 triệu cổ phần, tương đương 8,22% vốn điều lệ ACB. Tổng cộng, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cùng người liên quan sở hữu 11,65% vốn điều lệ ACB, là nhóm cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.
Được cố doanh nhân Trần Mộng Hùng và các cộng sự thành lập vào năm 1993, ACB ngay từ những năm đầu hoạt động đã được đánh giá là một trong những ngân hàng hàng đầu thị trường. Lần lượt vào năm 1997 và 1999, Tạp chí Euromoney (Anh) và Global Finance (Mỹ) lựa chọn ACB là ngân hàng tốt nhất Việt Nam. ACB cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên phát hành thẻ tín dụng quốc tế (ACB-MasterCard) vào năm 1996.
Ảnh minh họa. |
Sau hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, tính đến cuối quý 2/2024, vốn điều lệ của ACB đạt 44.666 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong số các ngân hàng niêm yết. Tổng tài sản của ACB cũng tăng tiệm cận ngưỡng 769.678 tỷ đồng, xếp thứ 8 trên toàn hệ thống.
Trong suốt quá trình phát triển để trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam của ACB này luôn có dấu ấn đậm nét của gia đình cố doanh nhân Trần Mộng Hùng (1953 - 2024). Là cổ đông sáng lập, ông Trần Mộng Hùng là tổng giám đốc đầu tiên của ACB, đồng thời đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ACB giai đoạn 1994 - 2008. Đến năm 2008, ông Hùng rút lui về “hậu trường” với vai trò cố vấn quản trị.
Trước đó, vào năm 2006, con trai doanh nhân Trần Mộng Hùng là ông Trần Hùng Huy đã trở thành Thành viên HĐQT ACB. Đến tháng 9/2012, ông Trần Hùng Huy được bầu làm Chủ tịch ACB khi mới 34 tuổi. Cũng trong năm này, ông Trần Mộng Hùng quay lại HĐQT ngân hàng Á Châu để sát cánh cùng con trai.
Đến năm 2018, nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng rút khỏi HĐQT và giữ cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro cho tới năm 2023. Bà Đặng Thu Thủy – phu nhân của ông Trần Mộng Hùng, cũng gắn bó với ACB từ khi nhà băng mới thành lập và nắm nhiều chức vụ quan trọng. Bà Thủy hiện giữ chức Thành viên HĐQT ACB từ năm 2011 đến nay.
Với sự đồng hành của người sáng lập Trần Mộng Hùng, ACB đã chứng kiến sự tăng trưởng dưới thời Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy. Năm 2013, ACB đạt mức độ tăng trưởng 10,3% về tiền gửi và 4,3% về cho vay so với năm 2012. Nợ xấu được kiểm soát dưới mức 3% và thực hiện lộ trình tái cơ cấu 2013-2015 theo quy định của NHNN.
Giai đoạn 2014 - 2017 ghi nhận những chuyển biến tích cực của ACB khi tổng tài sản tăng xấp xỉ 120.000 tỷ đồng trong 3 năm, tiệm cận ngưỡng 285.000 tỷ đồng tại cuối năm 2017, lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ dưới 1.000 tỷ đồng lên 2.118 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau 6 năm liên tiếp không tăng vốn, ACB trong năm 2017 tăng vốn điều lệ thành công lên 10.273 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của ACB tăng đều đặn và nhanh chóng những năm sau đó. Vào tháng 6/2024, ngân hàng hoàn tất phát hành 583 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, nâng vốn thành công lên 44.666 tỷ đồng như hiện nay, đứng thứ 7 trong số các ngân hàng niêm yết và cao gần gấp 5 lần so với khi ông Trần Hùng Huy nhậm chức Chủ tịch HĐQT.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ACB đạt 769.679 tỷ đồng, tăng gần 51.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó cho vay khách hàng tăng 6,9% lên 507.883 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tiền gửi khách hàng của ACB cũng tăng 7,5% lên tiệm cận ngưỡng 550.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ACB tại cuối quý 2/2024 tăng nhẹ so với mức 1,21% của đầu năm lên 1,47%. Đây vẫn là mức thấp so với những ngân hàng tư nhân top đầu khác như Sacombank (2,4%), MBB (1,64%)…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần 13.833 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.491 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11% và 5% so với nửa đầu năm 2023.
Trước đó, trong năm 2023, ACB cũng lần đầu ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt mức 20.000 tỷ đồng, không chỉ hoàn thành mục tiêu kinh doanh mà còn là một trong 3 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) được Ngân hàng ACB thành lập năm 2000, là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường. Giai đoạn 2005 - 2009, công ty có 5 lần tăng vốn điều lệ, nâng vốn từ 43 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.
Dù có khởi đầu khá hứa hẹn, trong suốt 10 năm sau đó, quy mô hoạt động của ACBS không thực sự được mở rộng. Công ty không tiến hành tăng vốn trong giai đoạn này. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của ACBS đạt 2.547 tỷ đồng, xấp xỉ so với con số 2.571 tỷ đồng của cuối năm 2009.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán phát triển nhanh chóng giai đoạn những năm gần đây, các công ty chứng khoán bước vào cuộc đua tăng vốn. Không nằm ngoài cuộc chơi, ACBS tăng vốn mạnh mẽ và dần trở thành một trong những cái tên đáng chú ý trên thị trường.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức đầu tháng 4/2024, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết ACB trong quá khứ từng có ý định bán một phần vốn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm phát triển và nâng tầm ACBS. Tuy nhiên, theo ông Trần Hùng Huy, sau một thời gian tìm hiểu, đối tác không có điều kiện như mong muốn, ACB xác định tiếp tục tự phát triển ACBS.
Trên thực tế, ACBS phát triển nhanh chóng với bệ phóng lớn từ ngân hàng mẹ ACB. Vào tháng 6/2021, ACB góp thêm 1.500 tỷ đồng vào ACBS, nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Đến tháng 11/2023, ngân hàng này tiếp tục rót thêm 1.000 tỷ đồng vào ACBS, nâng vốn lên 4.000 tỷ đồng.
Vào tháng 2/2024, ACB tiếp tục góp thêm 3.000 tỷ đồng vào ACBS, nâng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, qua đó đưa ACBS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ 5 toàn thị trường ở thời điểm đấy, bên cạnh SSI, VPBankS, VNDirect và SHS.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ACBS đạt 22.510 tỷ đồng, cao gần gấp 2 so với thời điểm đầu năm 2024 và tăng 444% so với đầu năm 2021; bao gồm 2.881 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 9.769 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.
Đáng chú ý, các khoản cho vay của ACBS tăng 64% so với đầu năm lên 7.501 tỷ đồng. Đây là các khoản cho vay giao dịch ký quỹ và tạm ứng tiền bán chứng khoán cho khách hàng của ACBS.
Tăng trưởng đáng kể quy mô, tình hình kinh doanh của ACBS cũng đi lên nhanh chóng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.227 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 408 tỷ đồng, tăng lần lượt 96% và 60% so với nửa đầu năm 2023. Trước đó, trong cả năm 2023, công ty cũng báo lãi trước thuế 492 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với kết quả của năm 2022.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 7/2024, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát nhận định kết quả tích cực của ACBS đến từ nhiều lý do, từ việc gia tăng thị phần mảng môi giới cho đến tăng trưởng cho vay margin.
Sau khi tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, ông Từ Tiến Phát đánh giá ACBS đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn tăng thêm. Người đứng đầu ban điều hành ACB cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng vốn cho công ty con trong thời gian tới, để gia tăng sức mạnh và năng lực cạnh tranh cho ACBS.