Back to homepage
06/02/2025 07:18
Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Chính phủ đặt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 7% GDP của cả nước vào năm 2030, 8% vào năm 2035. Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xoay quanh vấn đề làm sao để phát triển ngành công nghiệp văn hoá, giúp đóng góp ngày càng lớn vào kinh tế đất nước.

Mekong ASEAN: Trước hết, xin được nghe nhận định của ông về những ngành công nghiệp văn hoá mà Việt Nam có tiềm năng, lợi thế để tạo ra giá trị kinh tế lớn nếu được đầu tư đúng mức?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việt Nam với nền văn hóa phong phú và đa dạng của 54 dân tộc anh em, kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử, đang trên đà phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm trở thành một trong những động lực chính đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, với mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030 và 8% vào năm 2035. Để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần xác định những ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế lớn nhất, đặc biệt nếu được đầu tư đúng mức về hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ và thị trường.

Theo tôi, du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng và có tiềm năng phát triển vượt bậc tại Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2019, trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó một phần lớn là khách đến với mục đích khám phá văn hóa và di sản. Đóng góp của du lịch vào GDP của đất nước ngày càng tăng và dần hướng đến mục tiêu đề ra là 8 - 9% trong GDP (với 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế năm 2025) và 13 - 14% trong GDP (với 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2030). Các điểm đến nổi tiếng như Hội An, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM và Hà Nội.... thu hút hàng triệu du khách hàng năm nhờ các di tích lịch sử và phong tục độc đáo.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, du lịch đóng góp khoảng 10% GDP cho nền kinh tế Việt Nam, với một phần lớn trong số này là từ du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng và cải thiện các dịch vụ du lịch đi kèm như lưu trú, ẩm thực và phương tiện di chuyển. Các dịch vụ này không chỉ tạo thuận lợi cho du khách quốc tế mà còn tăng cường giá trị cho các sản phẩm văn hóa bản địa, giúp tăng nguồn thu bền vững cho ngành.

Thứ hai, nước ta có một truyền thống nghệ thuật biểu diễn đa dạng và phong phú, bao gồm các hình thức nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, chèo, và đặc biệt là múa rối nước - một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Việt. Trong những năm qua, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách nước ngoài, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM.

Thống kê cho thấy, một số nhà hát ở Hà Nội như Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách, mang về doanh thu đáng kể. Ngoài ra, nghệ thuật biểu diễn hiện đại như nhạc kịch, hòa nhạc, múa đương đại cũng đang phát triển mạnh và có tiềm năng lớn, đặc biệt trong giới trẻ. Để hỗ trợ cho ngành này phát triển hơn nữa, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo các nghệ sĩ trẻ, và khuyến khích sáng tạo những chương trình mới để thu hút sự chú ý của khán giả trong và ngoài nước.

Việt Nam cũng sở hữu nhiều tiềm năng trong ngành thời trang và thiết kế, đặc biệt với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như lụa tơ tằm ở làng Vạn Phúc, gốm Bát Tràng,... và các loại trang phục mang phong cách truyền thống như áo dài hay các trang phục đầy sắc màu của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may đã đóng góp khoảng 44 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, và ngày càng có nhiều nhà thiết kế Việt Nam đang dần khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế. Nhiều sự kiện thiết kế, thời trang Việt Nam cũng trở thành những điểm nhấn đề xây dựng thương hiệu cho các lĩnh vực này như Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam...

Để ngành thiết kế và thời trang trở thành một ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa, tôi cho rằng cần đẩy mạnh sự sáng tạo và đổi mới trong thiết kế, phát triển các thương hiệu quốc gia và xây dựng hình ảnh Việt Nam là trung tâm thời trang sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, đầu tư vào các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá trên các nền tảng quốc tế cũng rất quan trọng để giúp ngành này phát triển mạnh mẽ.

Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông nổi tiếng với các sản phẩm lụa dệt tơ tằm chất lượng, cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội. Ảnh: Đinh Nhung/Mekong ASEAN

Điện ảnh cũng là lĩnh vực có thể giúp quảng bá hình ảnh đất nước và văn hóa Việt Nam đến khán giả quốc tế một cách hiệu quả. Dù còn hạn chế về mặt công nghệ sản xuất và nguồn vốn đầu tư, điện ảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua, với một số bộ phim được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế và nhận được sự đánh giá cao. Chẳng hạn, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã thu về hơn 180 tỷ đồng (khoảng 7,7 triệu USD) tại phòng vé; các bộ phim của Trấn Thành hay Lý Hải đem về cả ngàn tỷ đồng cho thấy tiềm năng lớn của thị trường điện ảnh nội địa.

Việc đầu tư vào ngành điện ảnh cần tập trung vào phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn cho các nhà làm phim và khuyến khích sản xuất các bộ phim mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách thiết lập các quỹ điện ảnh quốc gia, xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết như trường quay, rạp chiếu hiện đại và các chương trình hợp tác quốc tế để học hỏi và thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Xuất bản và truyền thông kỹ thuật số đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Các nền tảng kỹ thuật số như YouTube, TikTok và Facebook đã mở ra những cơ hội lớn cho các nhà sáng tạo nội dung và sản phẩm truyền thông Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế. Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đạt khoảng 70%, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành truyền thông kỹ thuật số.

Bằng cách khuyến khích sáng tạo nội dung số, phát triển các ứng dụng công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể tăng cường giá trị kinh tế từ ngành công nghiệp truyền thông kỹ thuật số. Đồng thời, các quy định pháp lý cần được cập nhật để bảo vệ bản quyền và khuyến khích sáng tạo bền vững trong ngành.

Có thể nói, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đều có tiềm năng lớn và có thể đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia nếu được đầu tư và phát triển một cách hợp lý. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể, từ việc xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến các chương trình xúc tiến thương mại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc hiện thực hóa mục tiêu 7% GDP vào năm 2030 và 8% vào năm 2035 sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao hình ảnh và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, biến văn hóa trở thành một nguồn lực chiến lược trong thời kỳ hội nhập.

Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

Mekong ASEAN: So với một số quốc gia trong khu vực, ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Ông nhận định đâu là những lực cản lớn khiến lĩnh vực này chưa phát huy đúng tiềm năng, lợi thế và đâu là giải pháp để hoá giải những lực cản đó?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đúng là ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dù có tiềm năng phong phú nhưng vẫn đang ở mức phát triển khiêm tốn so với một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Thái Lan. Những lực cản lớn đến từ cả cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, thị trường nội địa, và sự hỗ trợ từ Nhà nước. Để tháo gỡ những rào cản này, cần có những phân tích sâu hơn về thực trạng và cách khắc phục, với sự tham khảo từ kinh nghiệm của các nước phát triển.

Trước tiên, một trong những thách thức lớn của công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế. Tại các quốc gia phát triển mạnh trong ngành công nghiệp văn hóa, điển hình như Hàn Quốc, chính phủ và các tập đoàn lớn đã đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng văn hóa, xây dựng các trường quay, bảo tàng, khu giải trí và công viên văn hóa hiện đại.

Trong khi đó, các cơ sở hạ tầng văn hóa và nghệ thuật của chúng ta đa phần vẫn ở tình trạng sơ khai hoặc xuống cấp. Nhiều rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng công lập chưa được đầu tư đúng mức, thiếu trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Chúng ta còn thiếu các sân vận động, địa điểm biểu diễn ngoài trời đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn như từng tổ chức BlackPink ở Hà Nội. Điều này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh mà còn hạn chế sức hút của các sản phẩm văn hóa Việt Nam đối với khán giả trong nước lẫn quốc tế.

Thứ hai là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi không chỉ sự sáng tạo mà còn kỹ năng chuyên môn trong các lĩnh vực như thiết kế, công nghệ truyền thông, quản lý nghệ thuật, sản xuất nội dung. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ và người làm sáng tạo ở Việt Nam vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục và đào tạo chuyên sâu. Ở các nước như Hàn Quốc và Trung Quốc, chính phủ không chỉ hỗ trợ đào tạo mà còn thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho nhân lực trẻ đi du học, học hỏi từ các thị trường phát triển. Đơn cử, Hàn Quốc thành lập rất nhiều viện đào tạo và trường nghệ thuật, liên kết với các công ty lớn để sinh viên được thực tập và làm việc ngay từ khi còn học. Việt Nam cũng đã có một số trường đại học và cơ sở giáo dục chuyên về nghệ thuật và văn hóa, nhưng việc thiếu đầu tư vào công nghệ và giáo trình hiện đại vẫn là một hạn chế lớn.

Chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện nghiêm túc cũng là một lực cản quan trọng đối với ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, hội họa và xuất bản sách. Nhiều tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm sáng tạo bị sao chép và phân phối bất hợp pháp, khiến các nhà sản xuất nội dung mất đi doanh thu và động lực để đầu tư vào những sản phẩm chất lượng hơn. Ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, hệ thống pháp luật về bản quyền được thực thi chặt chẽ. Hàn Quốc đã triển khai mô hình trung tâm bản quyền nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống lại việc vi phạm bản quyền, đặc biệt trong ngành công nghiệp âm nhạc. Việc xây dựng một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ vững chắc sẽ tạo môi trường lành mạnh và khuyến khích các nhà sáng tạo tại Việt Nam phát huy tối đa khả năng của mình.

Tiếp theo là yếu tố thị trường. Mặc dù nhu cầu của khán giả đối với các sản phẩm văn hóa ngày càng tăng nhưng các sản phẩm nội địa lại chưa thật sự đáp ứng được thị hiếu và kỳ vọng của công chúng. Nhiều sản phẩm văn hóa của các quốc gia như Hàn Quốc hay Trung Quốc đã thành công chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhờ chất lượng cao và chiến lược tiếp thị hiệu quả. Sự thành công của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc hay các sản phẩm âm nhạc của Trung Quốc tại thị trường Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho việc các sản phẩm nội địa cần có những cải tiến lớn về chất lượng, sự sáng tạo và khả năng tiếp thị.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thì cần giải quyết các thách thức trên. Trong đó, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng không chỉ bao gồm việc xây dựng các trung tâm văn hóa và bảo tàng hiện đại, mà còn cần đầu tư vào các trung tâm sản xuất và trường quay đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, có thể học hỏi từ mô hình “công viên văn hóa” tại Hàn Quốc hay “thị trấn sáng tạo” của Nhật Bản, nơi các công ty tư nhân và chính phủ hợp tác để tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho các nghệ sĩ và doanh nghiệp sáng tạo.

Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, việc thiết lập các chương trình học bổng quốc tế, tăng cường đào tạo liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và công nghệ truyền thông sẽ tạo điều kiện cho những tài năng trẻ phát triển. Chính phủ có thể khuyến khích các trường đại học liên kết với các viện nghiên cứu và công ty công nghệ để sinh viên có thể thực hành và học hỏi từ thực tế, từ đó rút ngắn khoảng cách về kỹ năng và năng lực so với các nước trong khu vực.

Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo là bước đi chiến lược cần thiết. Việc hình thành các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa, miễn giảm thuế cho các công ty trong ngành, và khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn với các công ty khởi nghiệp văn hóa sẽ tạo điều kiện cho ngành phát triển nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hệ thống bảo hộ bản quyền, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để bảo vệ và khuyến khích sự sáng tạo nội địa.

Thúc đẩy hoạt động xúc tiến và quảng bá sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng là một giải pháp quan trọng. Các sự kiện văn hóa, triển lãm nghệ thuật và các lễ hội quốc tế có thể trở thành cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và thế giới, đồng thời thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế.

Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

Mekong ASEAN: Theo ông, doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Nhà nước cần có các chính sách, hỗ trợ như thế nào để khuyến khích họ tham gia vào ngành công nghiệp này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, từ việc sản xuất và quảng bá sản phẩm văn hóa đến mở rộng thị trường và thu hút đầu tư quốc tế. Với khả năng tài chính, kỹ thuật và tư duy quản lý hiện đại, các doanh nghiệp có thể giúp nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và tính cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa Việt Nam, góp phần định hình bản sắc và tăng cường vị thế của văn hóa Việt trên thị trường quốc tế.

Trước hết, doanh nghiệp có thể đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt trong ngành công nghiệp văn hóa như sản xuất phim ảnh, âm nhạc, thời trang, xuất bản, và du lịch văn hóa. Thực tế, các doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc như CJ Entertainment hay SM Entertainment đã có những đóng góp đáng kể cho làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc), đưa văn hóa Hàn ra toàn cầu. Học hỏi từ mô hình này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng các sản phẩm văn hóa có quy mô lớn và chất lượng cao, từ đó thu hút được sự quan tâm của khán giả quốc tế. Ngoài ra, sự tham gia của doanh nghiệp còn thúc đẩy phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp văn hóa, giúp các sản phẩm văn hóa ngày càng hấp dẫn và hiện đại hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tạo dựng các liên kết và hợp tác quốc tế, mang lại cơ hội để các sản phẩm văn hóa Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài. Những liên kết này có thể bao gồm hợp tác sản xuất, phân phối, hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại các quốc gia khác. Sự tham gia của doanh nghiệp sẽ mở rộng mạng lưới hợp tác văn hóa, không chỉ góp phần đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới, mà còn giúp các sản phẩm văn hóa nội địa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn từ doanh nghiệp, Nhà nước cần triển khai những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn. Cụ thể, Nhà nước nên xem xét việc miễn hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là các dự án khó tiếp cận nguồn vốn thương mại do thời gian hoàn vốn dài hoặc tính rủi ro cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ về hạ tầng và không gian sáng tạo là rất cần thiết. Việc xây dựng các khu vực công nghệ cao và khu phức hợp văn hóa nghệ thuật - nơi các doanh nghiệp văn hóa có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và nguồn nhân lực chuyên môn, sẽ là bước đột phá giúp phát triển các sản phẩm văn hóa chuyên nghiệp.

Ngoài ra, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sáng tạo. Tại các quốc gia phát triển, các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật luôn được bảo vệ bản quyền một cách nghiêm ngặt, từ đó tạo ra động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và sáng tạo. Việt Nam cần xây dựng và thực thi chặt chẽ hơn các luật bảo vệ bản quyền, nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm văn hóa sẽ không bị sao chép trái phép, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư vào chất lượng và sự độc đáo của sản phẩm.

Chính phủ cũng cần tạo các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa hoặc khuyến khích doanh nghiệp trong ngành tham gia các chương trình tài trợ và vay vốn ưu đãi; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn bằng cách hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp văn hóa...

Với sự tham gia của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy tiềm năng và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

Mekong ASEAN: Nhắc đến công nghiệp là nhắc đến những yếu tố hiện đại, sáng tạo, thương mại. Trong khi đó, Việt Nam luôn đề cao việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc. Theo quan điểm của ông, chúng ta phải làm như thế nào để hài hoà giữa hai yêu cầu này? Có những giá trị nào mà theo ông chúng ta nhất định phải gìn giữ dù có phát triển đến mức nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Để hài hòa giữa phát triển công nghiệp văn hóa hiện đại và bảo tồn bản sắc dân tộc, điều quan trọng nhất là xây dựng một cách tiếp cận có chọn lọc và sáng suốt, trong đó hiện đại hóa không có nghĩa là đánh mất những giá trị văn hóa cốt lõi. Sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, dù dựa vào yếu tố thương mại và sáng tạo, vẫn cần lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng vững chắc để tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm chất riêng của Việt Nam.

Trước hết, bản sắc văn hóa dân tộc cần được coi là nguồn tài nguyên quý giá cho sáng tạo. Việc khai thác yếu tố truyền thống, từ văn học, nghệ thuật đến phong tục tập quán, có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa mới mẻ mà vẫn giữ được nét đặc trưng của Việt Nam. Chúng ta có thể khai thác những yếu tố như áo dài, nhạc dân ca, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, để không chỉ tạo dấu ấn trong nước mà còn thu hút khán giả quốc tế.

Thứ hai, cần có sự phân định rõ ràng giữa bảo tồn và phát triển. Các di sản văn hóa như đình chùa, di tích lịch sử và các nghi lễ truyền thống cần được bảo tồn nguyên vẹn, không thay đổi vì mục đích thương mại. Điều này không chỉ đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa gốc mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử và tinh thần dân tộc. Ví dụ, khi tổ chức các lễ hội truyền thống, yếu tố thương mại cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không làm mất đi tính chất thiêng liêng và ý nghĩa ban đầu của lễ hội.

Ngoài ra, khi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cần có quy trình nghiên cứu, chọn lọc và kiểm duyệt kỹ lưỡng để đảm bảo các sản phẩm văn hóa không làm sai lệch giá trị truyền thống. Những hình ảnh, câu chuyện hoặc âm nhạc mang đậm bản sắc Việt Nam khi được sử dụng trong các sản phẩm văn hóa cần giữ đúng tinh thần gốc, dù chúng có thể được hiện đại hóa về hình thức. Ví dụ, với các bộ phim lịch sử hoặc âm nhạc dân gian, sự cải tiến có thể làm cho sản phẩm gần gũi hơn với giới trẻ, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chân thật và tôn trọng lịch sử văn hóa của dân tộc.

Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

Các giá trị văn hóa cần gìn giữ, dù phát triển đến mức nào, bao gồm lòng yêu nước, tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Đây là những giá trị tạo nên bản sắc và sức mạnh văn hóa nội tại, đã được gìn giữ qua hàng nghìn năm lịch sử. Những giá trị này không chỉ được thể hiện trong các sản phẩm văn hóa mà còn nằm trong tư duy sáng tạo, trong cách chúng ta phát triển kinh tế văn hóa dựa trên sự gắn kết và tinh thần cộng đồng.

Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc trong sáng tạo. Một thế hệ trẻ yêu truyền thống nhưng vẫn hiểu biết về xu hướng hiện đại sẽ là cầu nối giúp các giá trị văn hóa được bảo tồn trong chính quá trình phát triển. Chính phủ có thể tổ chức các chương trình giáo dục về văn hóa dân tộc trong trường học, từ đó khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn văn hóa cho thế hệ tương lai.

Mekong ASEAN: Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hungary sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo 1.000 chuyên gia vận hành điện hạt nhân

Hungary sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo 1.000 chuyên gia vận hành điện hạt nhân

Hoan nghênh doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào khoa học công nghệ, năng lượng

Hoan nghênh doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào khoa học công nghệ, năng lượng

Hai Long lập siêu phẩm, Việt Nam giành chiến thắng trước Campuchia

Hai Long lập siêu phẩm, Việt Nam giành chiến thắng trước Campuchia

DNSE chốt tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng, huy động 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu

DNSE chốt tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng, huy động 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu

Chủ tịch BCG Land làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital

Chủ tịch BCG Land làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital

Nga - Ukraine không kích lẫn nhau sau cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ - Nga

Nga - Ukraine không kích lẫn nhau sau cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ - Nga

Chứng khoán SHS được chấp thuận chào bán hơn 800 triệu cổ phiếu

Chứng khoán SHS được chấp thuận chào bán hơn 800 triệu cổ phiếu

Thảo Cầm Viên mở tour khám phá thế giới hoang dã trong đêm

Thảo Cầm Viên mở tour khám phá thế giới hoang dã trong đêm

CEO Samsung Electronics xin lỗi cổ đông vì giá cổ phiếu sụt giảm

CEO Samsung Electronics xin lỗi cổ đông vì giá cổ phiếu sụt giảm

TCM đang lấp đầy 85% đơn hàng quý 2, bắt đầu nhận đơn quý 3

TCM đang lấp đầy 85% đơn hàng quý 2, bắt đầu nhận đơn quý 3

Hoàn thành đường song hành Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 10

Hoàn thành đường song hành Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 10

VN-Index tiếp tục điều chỉnh, FPT bị khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng

VN-Index tiếp tục điều chỉnh, FPT bị khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng

Cấm phương tiện trên đường Vành đai 3 trên cao vào ban đêm từ ngày 23/3

Cấm phương tiện trên đường Vành đai 3 trên cao vào ban đêm từ ngày 23/3

Chính phủ cho ý kiến đối với 6 dự án luật và đề nghị xây dựng luật

Chính phủ cho ý kiến đối với 6 dự án luật và đề nghị xây dựng luật

Vàng nhẫn chạm 100 triệu/lượng, giới hạn mua nhỏ giọt

Vàng nhẫn chạm 100 triệu/lượng, giới hạn mua nhỏ giọt

Khách mua nói gì về dự án

Khách mua nói gì về dự án 'nóng' nhất quận Hoàng Mai: Hanoi Melody Residences

Nhà sáng lập PYN Elite Fund tham dự ĐHĐCĐ DNSE

Nhà sáng lập PYN Elite Fund tham dự ĐHĐCĐ DNSE

Tờ báo AI đầu tiên trên thế giới

Tờ báo AI đầu tiên trên thế giới

ĐHĐCĐ DNSE: Mục tiêu lãi kỷ lục, đẩy mạnh huy động vốn

ĐHĐCĐ DNSE: Mục tiêu lãi kỷ lục, đẩy mạnh huy động vốn

Thêm một doanh nghiệp nhận định ngành thép còn nhiều khó khăn

Thêm một doanh nghiệp nhận định ngành thép còn nhiều khó khăn