Back to homepage
08/02/2025 20:57

Trong kỷ nguyên mới, văn hoá sẽ không chỉ là sức mạnh nội sinh mà còn có những đóng góp cụ thể trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần khẳng định tên tuổi Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Với lịch sử hàng nghìn năm, Việt Nam đã trải qua nhiều sự biến đổi, thăng trầm; từ đó hun đúc và tích luỹ những giá trị văn hoá vô cùng đặc sắc. Trước hết, văn hoá thể hiện ở chính những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam: Tinh thần yêu nước; đoàn kết, tương thân tương ái; đạo lý hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn; nghi thức thờ cúng tổ tiên...

Sâu rộng hơn, văn hoá thể hiện ở các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng; sản xuất nông nghiệp; những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn lịch sử; kho tàng nghệ thuật dân gian với những làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em...

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta cũng luôn xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời, luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước của văn hóa, coi đây là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến thắng lợi: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946).

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, phong trào kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành một cuộc cách mạng mở rộng. Đảng ta đã xác định vai trò nhiệm vụ to lớn của văn hóa lúc này là phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nối tiếp tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn quan tâm sâu sát đến lĩnh vực văn hóa. “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021.

Đặc biệt từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đã có những chuyển biến rõ nét, toàn diện, bắt đầu từ nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển, từ đó cụ thể hóa thành các chiến lược, chương trình hành động của các bộ ngành, địa phương. Di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thể hiện khá đầy đủ trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (ra mắt vào tháng 6/2024).

Tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương vào chiều ngày 29/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc tích cực nghiên cứu đề xuất với Đảng các chủ trương về văn hóa, đảm bảo để văn hóa thật sự trở thành ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp ngày càng nhiều cho văn minh nhân loại.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo thật sự là những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng, tuyên giáo của Đảng, đoàn kết, sáng tạo, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các văn nghệ sỹ, có công trình, tác phẩm, có tính dẫn dắt, tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Sự chuyển động của cả hệ thống chính trị đã và đang tạo sự chuyển biến trong phát triển văn hóa, đặc biệt là những chính sách đầu tư vượt trội. Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, sau 3 năm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân. Các chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đều có nội dung về phát triển văn hoá.

Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình). Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng. Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ căn cứ kết quả thực hiện của giai đoạn 2025 - 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau.

Chương trình đặt ra mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể, hướng đến tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa; xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước; năm 2035 đóng góp 8% GDP của cả nước...

Cũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), với nhiều chính sách nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điển hình như việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho một số hoạt động thực sự cần thiết như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...

Trao đổi với Mekong ASEAN, bà Trần Thị Hoa Ry - ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, Đảng ta luôn coi trọng và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa. Thực tế, trong 38 năm đổi mới, văn hoá có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu nổi bật là nhận thức về văn hóa ngày càng hoàn thiện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực; các loại hình, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, đa dạng của xã hội; nhiều di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển; hoạt động giao lưu, hợp tác văn hoá và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Đặc biệt, xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bà Hoa Ry cho rằng lĩnh vực văn hóa cũng còn những hạn chế, tồn tại, bất cập. Thực tế, văn hóa chưa được sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Phát triển các lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, đâu đó còn nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất.

Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một...

“Đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, và nền văn hóa Việt Nam cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 38 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên thế và lực, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế; niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngược lại, những bất cập, hạn chế nêu trên là rào cản lớn đối với phát triển văn hóa. Cùng với đó là sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn,” bà Hoa Ry nói.

Trong bối cảnh ấy, nữ đại biểu cho rằng những quyết sách đột phá cho đầu tư và phát triển văn hoá như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bà cho rằng, phát triển văn hoá trước hết cần xây dựng giá trị cốt lõi bên trong mỗi con người, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, thúc đẩy những hành động thiết thực nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa.

“Một yếu tố cốt lõi trong quá trình này là phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống, không chỉ bao gồm các giá trị vật thể như công trình kiến trúc, di tích lịch sử mà còn bao hàm phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật dân gian và tri thức bản địa - những tinh hoa làm nên bản sắc độc đáo của dân tộc,” bà Hoa Ry nêu quan điểm.

Nữ đại biểu cũng đề cao việc phát triển văn hóa các dân tộc nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, bởi Việt Nam có 54 dân tộc anh em, với nhiều phong tục truyền thống đã được thế giới công nhận và vinh danh. Theo bà, việc phát triển văn hóa dân tộc không chỉ giúp giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế mà còn là cơ hội để phát huy và gìn giữ bản sắc, đồng thời mang lại lợi ích từ việc làm cho đến thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

TS Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng thể hiện sự nhất trí cao với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Bà kỳ vọng những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc về phát triển văn hóa sẽ được giải quyết, đặc biệt là về vấn đề nguồn lực, kinh phí.

“Tôi lấy ví dụ một mảng rất nhỏ, đó là việc chúng ta muốn phát huy giá trị của các di tích, di sản thì bắt buộc phải trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên hiện nay, nguồn kinh phí dành cho công tác này rất ít ỏi, trong khi phần lớn các di tích đang bị xuống cấp, khai thác khó khăn,” bà Nga nói với Mekong ASEAN.

Theo nữ đại biểu, nếu đầu tư xứng tầm cho văn hoá, lợi ích mang lại cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ vô cùng lớn. Điển hình như công nghiệp văn hóa - lĩnh vực khá mới mẻ nhưng nhiều hứa hẹn, vì Việt Nam hoàn toàn có những tiềm năng để phát triển.

“Như các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam rất nổi tiếng thế giới, nhưng chúng ta chưa có sự đầu tư bài bản. Rồi nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn dân gian; Việt Nam cũng có rất nhiều các cái loại hình văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh... Vấn đề đặt ra là chúng ta chưa quảng bá được và chưa đưa vào khai thác được một cách hiệu quả,” TS Nguyễn Thị Việt Nga nêu trăn trở.

Với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, bà Việt Nga cho rằng, văn hoá sẽ có thêm nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí dự trù lớn cho Chương trình, vị đại biểu Quốc hội cho rằng cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đẩy mạnh công tác xã hội hóa.

Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là chiến lược quan trọng và cấp thiết của Việt Nam, bởi phát triển văn hóa không chỉ là trách nhiệm, mà còn là thước đo và đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giúp đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên nhìn vào thực tế, đại biểu chia sẻ những băn khoăn về thực trạng phát triển văn hóa hiện nay, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi mà sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa vẫn còn hạn chế, khiến cho các hoạt động văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng của mình.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý về tình trạng thương mại hóa văn hóa và sự lai hóa văn hóa truyền thống của Việt Nam với các yếu tố ngoại lai. Ông cho rằng trong quá trình tiếp thu văn hóa thế giới, cần phải có sự chọn lọc, tránh áp dụng một cách máy móc, từ đó dẫn đến sự mai một các giá trị cốt lõi của dân tộc. “Nếu không có những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, chúng ta có thể mất đi những bản sắc văn hóa quý báu mà cha ông để lại”, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, phát triển văn hóa cần phải đi đôi với việc đầu tư vào các cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa. Theo ông, mặc dù có những trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng nhưng các hoạt động tại những cơ sở này còn thiếu sự phong phú và đa dạng. Chất lượng các hoạt động văn hóa tại cơ sở vẫn còn thấp, và điều này đòi hỏi một chiến lược cụ thể, rõ ràng và đồng bộ từ các cấp chính quyền.

Ngoài ra, vị đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại về các yếu tố ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như sự thiếu quyết liệt trong việc thực thi các chính sách, không thâm nhập sâu rộng vào thực tế. Vì vậy ông rằng, để chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đạt được hiệu quả, không chỉ cần có một hệ thống giám sát mạnh mẽ mà còn phải có một cơ chế linh hoạt để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.

“Chúng ta cần một hệ thống giám sát chặt chẽ, để các chiến lược này không chỉ dừng lại ở trên văn bản mà phải tạo ra những thay đổi cụ thể, thiết thực trong đời sống văn hóa của người dân,” ông Hoà nêu ý kiến khi chia sẻ với Mekong ASEAN.

Hai Long lập siêu phẩm, Việt Nam giành chiến thắng trước Campuchia

Hai Long lập siêu phẩm, Việt Nam giành chiến thắng trước Campuchia

DNSE chốt tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng, huy động 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu

DNSE chốt tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng, huy động 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu

Chủ tịch BCG Land làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital

Chủ tịch BCG Land làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital

Nga - Ukraine không kích lẫn nhau sau cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ - Nga

Nga - Ukraine không kích lẫn nhau sau cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ - Nga

Chứng khoán SHS được chấp thuận chào bán hơn 800 triệu cổ phiếu

Chứng khoán SHS được chấp thuận chào bán hơn 800 triệu cổ phiếu

Thảo Cầm Viên mở tour khám phá thế giới hoang dã trong đêm

Thảo Cầm Viên mở tour khám phá thế giới hoang dã trong đêm

CEO Samsung Electronics xin lỗi cổ đông vì giá cổ phiếu sụt giảm

CEO Samsung Electronics xin lỗi cổ đông vì giá cổ phiếu sụt giảm

TCM đang lấp đầy 85% đơn hàng quý 2, bắt đầu nhận đơn quý 3

TCM đang lấp đầy 85% đơn hàng quý 2, bắt đầu nhận đơn quý 3

Hoàn thành đường song hành Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 10

Hoàn thành đường song hành Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 10

VN-Index tiếp tục điều chỉnh, FPT bị khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng

VN-Index tiếp tục điều chỉnh, FPT bị khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng

Cấm phương tiện trên đường Vành đai 3 trên cao vào ban đêm từ ngày 23/3

Cấm phương tiện trên đường Vành đai 3 trên cao vào ban đêm từ ngày 23/3

Chính phủ cho ý kiến đối với 6 dự án luật và đề nghị xây dựng luật

Chính phủ cho ý kiến đối với 6 dự án luật và đề nghị xây dựng luật

Vàng nhẫn chạm 100 triệu/lượng, giới hạn mua nhỏ giọt

Vàng nhẫn chạm 100 triệu/lượng, giới hạn mua nhỏ giọt

Khách mua nói gì về dự án

Khách mua nói gì về dự án 'nóng' nhất quận Hoàng Mai: Hanoi Melody Residences

Nhà sáng lập PYN Elite Fund tham dự ĐHĐCĐ DNSE

Nhà sáng lập PYN Elite Fund tham dự ĐHĐCĐ DNSE

Tờ báo AI đầu tiên trên thế giới

Tờ báo AI đầu tiên trên thế giới

ĐHĐCĐ DNSE: Mục tiêu lãi kỷ lục, đẩy mạnh huy động vốn

ĐHĐCĐ DNSE: Mục tiêu lãi kỷ lục, đẩy mạnh huy động vốn

Thêm một doanh nghiệp nhận định ngành thép còn nhiều khó khăn

Thêm một doanh nghiệp nhận định ngành thép còn nhiều khó khăn

NESTGEN 2025 nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực logistics cho thế hệ trẻ

NESTGEN 2025 nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực logistics cho thế hệ trẻ

Lãnh đạo châu Âu phản ứng trước cuộc điện đàm Trump - Putin

Lãnh đạo châu Âu phản ứng trước cuộc điện đàm Trump - Putin