Luật là hành lang pháp lý, hàng lang càng rộng thì sự sáng tạo càng nhiều, nếu hành lang chật, chi tiết quá thì sẽ trói buộc sự sáng tạo. Tất yếu, sự sáng tạo càng nhiều sẽ càng kích thích sự phát triển.
“Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đó là nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 (sáng 21/10). Thể chế cũng chính là yếu tố đầu tiên trong ba đột phá chiến lược được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn và mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 9/2024) tiếp tục quán triệt quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Tinh thần này cũng được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước thúc giục mạnh mẽ hơn trong thời gian qua, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực.
Trong các bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
“Thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp,” Tổng Bí thư phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên họp tổ tại Kỳ họp thứ 8. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra ngày 9/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính là một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. “Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển tới năm 2030 và năm 2045 nếu không đạt tăng trưởng ở mức hai con số mỗi năm trong những thập kỷ tới. Và chúng ta có thể đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số nếu tháo gỡ được các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực toàn xã hội,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu yêu cầu.
Tại phiên họp giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, kỳ họp này sẽ quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội phải lấy chất lượng làm chính, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao. Pháp luật phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
"Luật sắp tới sẽ rất ngắn nhưng vẫn đủ cơ sở pháp lý để vừa quản lý tốt vừa tạo hành lang để các cơ quan thoả sức sáng tạo, tránh tình trạng hơi thay đổi một chút là sửa luật". Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi chia sẻ thông tin tại họp báo trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8 (ngày 20/10). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tư tưởng đổi mới trong xây dựng pháp luật sẽ được thể hiện rõ nét trong Kỳ họp thứ 8; trước đó được triển khai qua hai phiên họp 37, 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ cũng đã tiếp thu qua việc điều chỉnh giảm các quy định trong các dự án luật như Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Nhà giáo...
Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm, theo tinh thần Trung ương quán triệt, Bộ Chính trị đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng một đề án về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả; sẽ trình Bộ Chính trị vào cuối năm nay.
Trả lời Mekong ASEAN tại họp báo Chính phủ chiều ngày 9/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, theo tinh thần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với những chính sách mới tạo bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Luật này sẽ đổi mới toàn diện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bắt đầu từ khâu lập chương trình đến lập đề nghị xây dựng, soạn thảo, thẩm định rồi thẩm tra,” Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh. |
Trao đổi với Mekong ASEAN, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí quan điểm và kỳ vọng lớn vào việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thách thức như hiện nay thì việc thích ứng linh hoạt chính là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, yêu cầu cấp bách để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước chính là rà soát lại tất cả các quy định pháp luật, để làm sao hệ thống pháp luật cởi mở, dễ hiểu, dễ làm nhưng phải đồng bộ.
Vị đại biểu đồng tình với việc xây dựng luật theo hướng khung, bởi nếu tất cả các quy định đều đưa vào luật sẽ trở thành cứng. “Nếu quy định cứng, trong quá trình hoạt động thực tiễn có những vướng mắc, đợi sửa sẽ mất thời gian dài. Trong khi đó, các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ sửa đổi, áp dụng vào cuộc sống nhanh hơn. Thực tế trước đây có những quy định quá cứng đưa vào luật, mới dẫn tới tình trạng một luật phải sửa nhiều luật như hiện nay,” ông Nguyễn Như So nêu quan điểm.
Chủ tịch Tập đoàn Dabaco chia sẻ thêm, trong giai đoạn phát triển như hiện nay, Việt Nam hợp tác quốc tế rất sâu rộng. “Tất cả tác động từ thế giới đều ảnh hưởng lớn đến chúng ta, vì vậy nếu không kịp thời sửa các quy định để phù hợp với thực tiễn thì sẽ chậm một bước. Sáng tạo gắn với thực tiễn mới kích thích sự phát triển,” ông nói.
Ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhất trí cao với việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao quyền tự chủ cho địa phương. “Như Đồng Nai chúng tôi - một tỉnh hơn 3 triệu dân, bộ máy công quyền rất đông, vậy mà một năm cứ phải gửi lên các bộ ngành hàng trăm văn bản thì còn gọi gì là tự chủ? Giao cho địa phương tự làm, tự chịu trách nhiệm, làm tốt thì có khen thưởng, không tốt thì có kỷ luật, Trung ương tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật kỷ cương. Đây là đúng theo nguyên tắc, quy luật chung của sự phát triển,” ông Cường nêu quan điểm.
Dẫn ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm rằng lãng phí lớn nhất là lãng phí cơ chế không phù hợp, không giải phóng được nguồn lực, ông Quản Minh Cường cho rằng phân quyền cho địa phương càng mạnh càng tốt. “Quốc hội, Chính phủ chỉ cần ban hành chính sách, tiêu chuẩn để áp dụng, giám sát, thống nhất trong cả nước, như chất lượng cầu đường theo tiêu chuẩn nào; chất lượng nhà máy, nước thải ra sao; quy định chuyển đổi rừng, chuyển đổi đất nông nghiệp cũng vậy - luật đã quy định... còn đầu tư ra sao địa phương phải làm. Đủ điều kiện là giao, nhưng tất nhiên phải có cơ chế giám sát, kỷ luật, khen thưởng,” lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói.
Các đại biểu cũng đều đánh giá tinh thần đổi mới đã thể hiện rõ nét trong các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8: Ngắn gọn hơn, súc tích hơn, quy tắc chung hơn, giao quyền cho địa phương mạnh hơn. Điển hình là Luật Đầu tư công sửa đổi, với những quy định nhằm “trị bệnh” giải ngân vốn đầu tư công chậm - tình trạng liên tục tiếp diễn trong những năm qua, trong khi đầu tư công là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Điển hình là việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng - vốn là nguyên nhân gây chậm chễ các dự án thời gian qua. Trước đây, các dự án đầu tư công được triển khai theo hai bước là chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, còn trong dự thảo Luật lần này tách làm ba bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Trong đó, giải phóng mặt bằng nằm ở khâu chuẩn bị dự án. Việc tách bạch giúp phân rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong từng bước thực hiện. Điều này cũng giúp thực hiện song song việc thực hiện thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Hay như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư). Trong đó, Luật Đầu tư bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào những lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên phát triển.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy (dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày).
Bà Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật đã hình thành và ngày càng khẳng định, xuất phát từ chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; trách nhiệm, tinh thần và năng lực của các đại biểu Quốc hội. Tất cả đều đồng hành thống nhất, tạo sức lan trong hệ thống xây dựng pháp luật, các cơ quan của Quốc hội.
“Chúng tôi mong muốn có sự thiết thực, đồng bộ hơn nữa, không chỉ trong một luật mà tất cả các luật. Tôi cũng kỳ vọng từ 2025, kết quả của việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật sẽ rõ hơn nữa, bắt đầu từ cơ quan xây dựng pháp luật, cơ quan tham mưu - các Bộ, ngành. Luật là luật khung, tổng quát; trên cơ sở đó có các văn bản dưới luật, nghị định, thông tư phải đồng bộ, toàn diện, không trái với luật. Rồi đến cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phải rà soát, sàng lọc để theo hướng khung, không hành chính hoá hoạt động của Quốc hội. Phân cấp, phân quyền, rõ ràng giữa lập pháp và hành pháp, tư pháp,” vị đại biểu chia sẻ.