Dòng chảy thương mại 2022, chạm tay vào mục tiêu 700 tỷ USD

Dòng chảy thương mại 2022, chạm tay vào mục tiêu 700 tỷ USD

XNK Việt nAM
07:23 - 27/01/2023
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 vừa qua. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, dòng chảy thương mại có thể phải đối mặt với những khó khăn từ các thị trường do ảnh hưởng của lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dòng chảy xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 tiếp tục ghi nhận những dấu ấn khả quan với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu mang về khoảng 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4%, ghi nhận mức xuất siêu năm 2022 vào khoảng 11,2 tỷ USD.

Trong số những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có 36 mặt hàng mang về trên 1 tỷ USD, trong đó có 11 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD.

Với sự xuất hiện của Samsung, nhóm điện tử tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với ba mặt hàng chủ lực đạt trên 10 tỷ USD là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác. Ngoài ra, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt trên 6 tỷ USD.

Chỉ tính riêng tổng kim ngạch 4 mặt hàng trên đã ước đạt 166 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên dịp cuối năm đang chứng kiến một diễn biến thiếu tích cực khi thị trường thế giới đi gần hơn đến các rủi ro suy thoái kinh tế, một số mặt hàng sản xuất chủ lực về xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu ghi nhận sự kém lạc quan do ảnh hưởng của lạm phát và cầu yếu hơn từ các thị trường bạn hàng.

Sau 8 tháng đầu năm tưng bừng, dệt may bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm từ tháng 9/2022, đối mặt với tình trạng cắt, giảm đơn hàng do nhu cầu suy giảm tại các thị trường chính là Mỹ, EU và Trung Quốc. VNDirect nhận định tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023, đe doạ dẫn đến tình trạng cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp.

Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào cuối tháng 11/2022 cho thấy, trong tổng số lao động bị ảnh hưởng tới việc làm tại các doanh nghiệp phân theo ngành nghề, dệt may có 131.340 lao động, chiếm 27%; chế biến gỗ có 63.681 lao động, chiếm 13%.

Gỗ và sản phẩm gỗ cũng bắt đầu khó khăn từ quý III khi thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất - suy yếu nhu cầu, giá một số sản phẩm gỗ ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù bị ảnh hưởng vào thời điểm cuối năm, nhưng tính cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn ước đạt 37,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021. Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng đối với mặt hàng viên nén gỗ, Việt Nam hiện đã trở thành nước xuất khẩu sản phẩm này lớn thứ 2 trên thế giới.

Trong nhóm nguyên, nhiên vật liệu, nhìn chung xuất khẩu các mặt hàng đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hóa chất ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 24,7%; chất dẻo nguyên liệu đạt khoảng 2,29 tỷ USD, tăng nhẹ 1,4%. Xuất khẩu xăng dầu và dầu thô ghi nhận tăng trưởng 2 con số, lần lượt 41% và 32,8% về trị giá, ước đạt 2 tỷ USD và 2,3 tỷ USD, chủ yếu do biến động thế giới thời gian qua tác động lên giá trị xuất khẩu.

Mặt hàng sắt thép ghi nhận giảm 33,2%, chỉ còn đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Sau đà tăng trưởng “nóng” trong năm 2021 (đạt 11,7 tỷ USD), sắt thép rơi khỏi top các mặt hàng xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2022.

Trong nhóm nông nghiệp, điểm nổi bật nhất thuộc về thủy sản khi xuất khẩu mặt hàng này chạm tới mốc 10 tỷ USD năm 2022. Kết quả này đến từ sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên ở mức hai con số của ba mặt hàng chủ lực là tôm, cá tra và cá ngừ.

Tuy nhiên, tương tự các ngành khác, thủy sản cũng đang phải đối mặt với việc thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến tình trạng đà tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong thời điểm cuối năm.

Năm 2022, xuất khẩu cà phê đã tăng 28,3%, ước đạt 3,9 tỷ USD; gạo tăng 7%, ước đạt 3,5 tỷ USD; hạt tiêu tăng 2,7%, ước đạt 963 triệu USD…

Điểm trầm lắng với nông sản xuất khẩu là sự sụt giảm của rau quả và hạt điều. Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc - thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam - đã tác động lên bức tranh xuất khẩu rau quả từ đầu năm 2022. Lũy kế 12 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm 5,9%.

Điểm hy vọng đến từ việc Việt Nam đã ký kết nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng rau quả sang Trung Quốc trong năm qua, mang lại kỳ vọng sẽ gia tăng xuất khẩu rau quả một cách bền vững hơn sang thị trường này trong thời gian tới.

Đối với mặt hàng điều, kim ngạch xuất khẩu giảm 15,5%, xuống còn 3 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu điều sang các thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan đều ghi nhận giảm trong năm 2022.

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đang chuyển dịch, tập trung hơn vào nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, giảm dần các mặt hàng xa xỉ phẩm, mặt hàng trong nước có thể tự sản xuất. Nhờ đó, giá trị thặng dư của hàng hóa nhập khẩu gia tăng và Việt Nam đi dần từ nhập siêu sang xuất siêu, với thặng dư xuất siêu liên tiếp trong vòng 7 năm trở lại đây.

Năm 2022, Việt Nam có 17 mặt hàng nhập khẩu trị giá trên 5 tỷ USD. Trong đó, 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD.

Đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu là nhóm điện tử, gồm các mặt hàng như điện tử, máy tính; máy móc các loại; điện thoại…với kim ngạch lần lượt ước đạt 82,1 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021), 45,4 tỷ USD (giảm 2%) và 21,2 tỷ USD (giảm 1,2%). Đây cũng là nhóm hàng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu, bởi phần lớn hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm này là nguyên vật liệu, linh kiện để sản xuất, gia công, lắp ráp và xuất khẩu.

Khủng hoảng năng lượng trên thế giới năm 2022 đã khiến giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Do đó, xăng dầu năm qua đã trở thành mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng lớn nhất khi tăng 124,8% về trị giá, ước đạt 9,2 tỷ USD và tăng 30,9% về lượng, đạt khoảng 9,1 triệu tấn.

Mức tăng về khối lượng chủ yếu do các tháng đầu năm, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất. Việc tăng nhập khẩu xăng dầu với giá cao là yếu tố tác động khá tiêu cực đến sản xuất kinh doanh cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát trong nước.

Tương tự, than đá cũng có sự tăng trưởng mạnh khi giá nhập khẩu tăng cao và nhu cầu lớn từ các nhà máy nhiệt điện dẫn tới kim ngạch nhập khẩu tăng 56,5% so với cùng kỳ, lên khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm khiến lượng nhập khẩu giảm 14,8%, còn 30,1 triệu tấn.

Trong nhóm nông, lâm, thủy sản, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là các mặt hàng thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu và ngô (cũng là nguyên liệu sử dụng cho chăn nuôi) với kim ngạch lần lượt ước đạt 5,5 và 3,3 tỷ USD, tăng 11,9% và 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực hơn, nhưng cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam cho thấy sản xuất trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên, phụ liệu nhập khẩu, thiếu chủ động trước những biến động ngoại cảnh lớn làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ví dụ Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu để tự chủ một phần thức ăn chăn nuôi.

Năm 2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 119,3 tỷ USD và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch 58,4 tỷ USD.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 836 triệu USD (năm trước nhập siêu 2,7 tỷ USD). Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 60,9 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 38,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhập siêu từ ASEAN 13,6 tỷ USD, tăng 10,6%.

Đánh giá về dòng chảy thương mại năm 2022 vừa qua, trao đổi với Mekong ASEAN, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối diện với áp lực của lạm phát, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng giá nguyên liệu. Điều này khiến mức tăng trưởng xuất khẩu chững lại trong những tháng cuối năm, vốn là thời điểm bùng nổ của các đơn hàng.

Bước sang năm 2023, theo bà Cẩm Trang, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn từ các thị trường bạn hàng. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, doanh nghiệp có thể tận dụng để khắc phục khó khăn, duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt, cơ hội từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc vẫn còn rất lớn.

Đọc tiếp