![]() |
Trao đổi với Mekong ASEAN, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đã chia sẻ vể những nét đẹp văn hóa bản địa độc đáo của vùng sông nước hữu tình tại Đồng Tháp, tỉnh đầu nguồn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mekong ASEAN: Thi ca đã nhiều lần ca ngợi vẻ đẹp của Đồng Tháp như cánh đồng sen bát ngát, những đồng lúa trải dài. Xin Chủ tịch cho biết, địa phương đã có những chương trình hoặc sự kiện nổi bật nào trong năm vừa qua để quảng bá hình ảnh quê hương tới du khách trong và ngoài nước?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và quảng bá hình ảnh địa phương, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trong nhiều năm qua luôn chú trọng chỉ đạo công tác này thông qua các phương thức và công cụ đa dạng.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/12/2021 về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra văn bản chỉ đạo triển khai “chuẩn mực con người Đồng Tháp” với 9 tiêu chí cơ bản: yêu nước, đoàn kết, trung thực, tự lực, chăm chỉ, hợp tác, nghĩa tình, năng động và sáng tạo.
Để quảng bá hình ảnh địa phương, tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác truyền thông rộng rãi qua hệ thống thông tin đại chúng, đặc biệt là thông qua các chương trình nghệ thuật phục vụ những sự kiện quan trọng như Festival hoa - kiểng Sa Đéc lần thứ I, Lễ hội sen lần thứ II, Ngày hội cá tra Đồng Tháp, chương trình Cầu Truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024), cùng các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị trong tỉnh.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành và các cấp nâng cao hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh địa phương, áp dụng các giải pháp khả thi và hiệu quả hơn, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
![]() |
![]() |
Mekong ASEAN: Tỉnh Đồng Tháp năm 2024 từng tổ chức Festival hoa – kiểng Sa Đéc để tôn vinh làng hoa truyền thống, phát huy giá trị văn hóa và kinh tế của hoa kiểng trong phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương. Sau một năm triển khai, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình này và chia sẻ kế hoạch sắp tới của tỉnh để mở ra cơ hội mới cho người dân làm du lịch, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm hoa kiểng?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Festival hoa - kiểng Sa Đéc lần thứ I với 9 chương trình chính và 10 chương trình hưởng ứng, kéo dài trong 7 ngày đã tạo nên không khí lễ hội sôi động và vui tươi tại thủ phủ hoa Sa Đéc. Sự kiện này đã thu hút hơn 245.000 lượt khách tham quan, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế, với khoảng 40.000 người tham dự đêm khai mạc tại Quảng trường thành phố Sa Đéc.
Tổng doanh thu từ du lịch trong suốt thời gian diễn ra lễ hội ước tính đạt 98 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng hoa kiểng giao thương tăng mạnh, với khoảng 300.000 giỏ hoa, cây kiểng, bonsai (chậu kiểng) được mua bán, tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 15 tỷ đồng.
![]() |
Dù là lần đầu tiên tổ chức, Festival hoa - kiểng Sa Đéc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, được các cơ quan truyền thông và báo chí đánh giá cao, chuyền tải nhiều thông điệp tích cực, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút du khách từ khắp nơi đến tham gia.
Từ những thành công đó, Đồng Tháp sẽ tiếp tục duy trì tổ chức các sự kiện, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu các chính sách khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch ngay trên mảnh vườn của mình, nhằm tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cho doanh nghiệp và người dân theo Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 24/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn 2022 - 2026.
Dự kiến vào đầu năm 2026, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ II và hy vọng các cơ quan báo chí, người dân, du khách sẽ nhiệt tình hưởng ứng và đồng hành cùng ban tổ chức.
Mekong ASEAN: Ngoài hoa kiểng, Đồng Tháp còn nổi tiếng với mùa nước nổi hàng năm giúp du khách trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân miền tây, vậy địa phương đã có dự án nào tập trung vào việc bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của mùa nước nổi trong bối cảnh hiện đại hóa và kinh tế phát triển như hiện nay, thưa Chủ tịch ?
![]() |
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Mỗi khi mùa nước nổi đến, Đồng Tháp trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa địa phương. Theo “Đề án Phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh xác định ưu tiên phát triển 13 loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng và du lịch sông nước.
Với tiềm năng văn hóa bản địa kết hợp mùa nước nổi, Đồng Tháp định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Chèo thuyền khám phá hệ sinh thái ngập nước, du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu chuyên đề, câu cá dã ngoại... Hiện nay, các địa phương như xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự), Vườn quốc gia Tràm Chim, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Quyết Tiến Farm (huyện Tam Nông) đang khai thác hiệu quả loại hình này.
Bên cạnh đó, hội nông dân tỉnh tiếp tục duy trì mô hình sinh kế mùa lũ "Trữ cá đồng mùa lũ", thuộc tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” (ICRSL Đồng Tháp). Mô hình này không chỉ giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập từ cá đồng tự nhiên mà còn góp phần ổn định cuộc sống tại các huyện đầu nguồn vào mùa lũ.
Tại thành phố Hồng Ngự, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cấm khai thác thủy sản dưới mọi hình thức tại đoạn sông từ cầu Sở Thượng đến cầu Nguyễn Tất Thành, rộng 50 ha mặt nước. Đây cũng đã trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, cho cá ăn và thả cá về tự nhiên.
![]() |
![]() |
Mekong ASEAN: Trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập sâu rộng như hiện nay, Đồng Tháp có gặp thách thức gì trong việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của mình không, thưa ông?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho phát triển du lịch tại tỉnh Đồng Tháp, như tăng khả năng tiếp cận, trao đổi và làm giàu vốn hiểu biết về tài nguyên văn hóa và thiên nhiên của mỗi quốc gia, khu vực.
Việc nghiên cứu, đánh giá tài nguyên di sản vượt qua các ranh giới địa lý, với nhiều loại hình và phương thức tiếp cận thông tin đa dạng, sống động. Tuy nhiên, tôi cho rằng công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế cũng đặt ra không ít thách thức đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế đồng thời bảo tồn văn hóa truyền thống và di sản văn hóa dân tộc.
Tại Đồng Tháp, các giá trị văn hóa truyền thống đang đối mặt với nguy cơ bị mai một do sự du nhập và biến đổi của các yếu tố văn hóa mới. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang dần bị lãng quên, trong khi các loại hình nghệ thuật mới, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng phát triển.
Các nghệ nhân dân gian, vốn giữ bí quyết bằng trí nhớ và truyền bá văn hóa dân tộc qua hình thức truyền miệng, đang phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Các sản phẩm thủ công truyền thống không mang lại lợi nhuận cao và dần bị thay thế bởi sản phẩm công nghiệp. Các di tích lịch sử, văn hóa được xây dựng từ vật liệu hữu cơ, nên theo thời gian dễ bị xuống cấp do nhiều yếu tố khách quan như khí hậu và môi trường.
![]() |
Mặc dù địa phương đã chú trọng bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, nhưng nếu can thiệp quá mức mà không chú ý đến việc bảo tồn hợp lý và phát triển du lịch, trong bối cảnh hội nhập và lượng du khách trong và ngoài nước ngày càng tăng, di sản có thể bị khai thác quá mức. Việc thương mại hóa các giá trị di sản mà thiếu sự giám sát và quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng nhiều di tích và danh lam thắng cảnh bị xâm hại, biến đổi.
Mekong ASEAN: Vậy tỉnh Đồng Tháp đã có những sáng kiến cụ thể như thế nào để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng sông nước?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch, với trọng tâm là khai thác du lịch gắn liền với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của từng vùng miền.
Tỉnh đặc biệt chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch sông nước và khai thác hiệu quả du lịch mùa nước nổi tại các huyện đầu nguồn. Đồng Tháp đang từng bước xây dựng các điểm đến dọc theo sông Tiền, nhằm hình thành các tour, tuyến liên tỉnh và liên vùng, đồng thời định hướng phát triển tuyến quốc tế Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang quy hoạch và kêu gọi đầu tư vào các dự án bến tàu du lịch tại các thành phố như Cao Lãnh, Hồng Ngự, Sa Đéc, với mục tiêu biến các địa phương này thành các điểm kết nối, trung chuyển khách du lịch.
![]() |
![]() |
Mekong ASEAN: Để khai thác tối đa tiềm năng văn hóa và kinh tế của Đồng Tháp, việc thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng là rất quan trọng. Xin ông cho biết tỉnh Đồng Tháp có những chiến lược nào để tăng cường sức hút đối với các nhà đầu tư lớn, đồng thời đẩy mạnh các mục tiêu phát triển dài hạn?
Ông Phạm Thiện Nghĩa: Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cung cấp thông tin chi tiết về mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, qua đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Xác định phát triển hạ tầng là yếu tố quan trọng, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường chiến lược kết nối các khu du lịch như Xẻo Quít, Gáo Giồng, Tràm Chim, Gò Tháp... Tính đến nay, 16/23 công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành, trong khi một số dự án khác vẫn đang triển khai. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với các dự án cao tốc quốc gia, như tuyến Cao Lãnh - An Hữu, nhằm thúc đẩy kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, Đồng Tháp cũng đã hoàn thiện phương án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và năng lượng tái tạo giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời phát triển các dự án hạ tầng cửa khẩu quốc tế và khu công nghiệp Tân Kiều. Tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp hoạt động, 15 cụm công nghiệp với diện tích 536,36 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 85%.
![]() |
Song song đó, tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư ở mức tối đa theo thẩm quyền của địa phương trên các lĩnh vực như: nông nghiệp; khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường, công trình cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch; hoạt động khoa học và công nghệ; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; khu công nghiệp… để nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng Tháp cũng đã công bố danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển, do quỹ đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tỉnh phát hành các tài liệu và ấn phẩm xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin chi tiết về các lĩnh vực hợp tác đầu tư, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh, cùng với các đầu mối liên hệ và dịch vụ tiện ích hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!