Ở tuần giao dịch 22-26/11, số liệu từ Công ty Chứng khoán KIS cho thấy dòng vốn tích cực duy trì trên thị trường chứng khoán Đông Nam Á; ghi nhận ở mức 4 triệu USD. Không giống như tuần trước đó, dòng vốn tích cực đã bắt đầu lan đều trên các quốc gia chủ đạo (Philippines và Thái Lan). Đáng chú ý, dòng vốn tích cực đã quay trở lại thị trường chứng khoán Singapore sau 8 tuần bị rút vốn. Tuy nhiên, dòng vốn tiêu cực đã quay trở lại và tăng mạnh tại thị trường chứng khoán Indonesia và Malaysia.
Diễn biến của dòng vốn ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 22-26/11 - Nguồn: KIS |
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, số liệu từ KIS cho thấy dòng vốn tại Việt Nam đã quay trở lại mức bình thường và ghi nhận mức rút ròng 6 triệu USD. Cụ thể, hoạt động rút vốn tập trung trên X FTSE Vietnam, VFMVN30 ETF, và Fubon FTSE Vietnam. Tuy nhiên, áp lực rút vốn đã giảm đi phần nào nhờ lực cầu trên SSIAM VNFIN Lead ETF.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh mẽ. Số liệu từ KIS cho thấy, ở tuần giao dịch 22-26/11, khối này đã bán ròng hơn 3.170 tỉ đồng. Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh trên lĩnh vực tài chính và nguyên vật liệu, tập trung trên VPB, HCM, SSI, và HPG trong khi CTG, STB, và VCB được mua ròng. Bên cạnh đó, hoạt động bán ròng đã quay trở lại chi phối trên lĩnh bất động sản, chủ yếu đến từ VIC, DXG, và NVL. Ở chiều ngược lại, công nghệ thông tin tiếp tục thu hút phần lớn hoạt động mua từ khối ngoại khi DGW được mua ròng mạnh.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn tích cực tham gia vào thị trường, là động lực để thị trường chinh phục những cột mốc mới và lập những kỷ lục mới về thanh khoản.Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 10/2021 đạt trên 68.019 tỉ đồng, chiếm 7,32% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị trên 5.751 tỉ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 50.431 tỉ đồng.
Giá trị rút vốn của khối ngoại tại các thị trường |
Tuy chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng giao dịch trên toàn thị trường, nhưng dòng vốn ngoại cũng có những vai trò nhất định đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Saigon Asset Management (SAM) cho rằng, cũng tương tự như vậy, dòng tiền trong nước họ tự tin, nhưng thị trường cần dòng tiền ngoại xác nhận Việt Nam là một nước đang phát triển, minh bạch, rõ ràng và thị trường chứng khoán là nơi để chứng minh rõ nhất vì có sự quản lý của Nhà nước, minh bạch, có kiểm toán... “Dòng tiền trong nước tiếp tục vào thị trường là tốt, nhưng vẫn cần dòng tiền ngoại để ủng hộ sự quốc tế hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Louis Nguyễn nhận định.