![]() |
Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Wikipeida - Terence Ong. |
Theo The Nation Thailand, nhận định này được đưa ra trong một cuộc thảo luận bàn tròn có tựa đề “Trump's Global Quake: Thailand Survival Strategy”, do các hãng truyền thông Krungthep Turakij, Thansettakij và PostToday tổ chức tại khách sạn Waldorf Astoria Bangkok ngày 9/4/2025.
Công nghiệp ô tô khó càng thêm khó
Theo ông Vithavat Thongves, Tổng thư ký Câu lạc bộ công nghiệp ô tô của FTI, trong năm 2024 Thái Lan chỉ xuất khẩu 32.000 ô tô sang Mỹ, thu về 320 triệu USD, con số này rất khiêm tốn so với tổng sản lượng một triệu xe xuất khẩu của nước này.
Ông cho biết thêm, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tạm dừng xuất khẩu ô tô sang Mỹ, tuy nhiên quyết định này không liên quan đến việc Mỹ tăng thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng của Thái Lan.
Dù vậy, ông Vithavat lo ngại thuế đối ứng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hàng hóa Thái Lan xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm ô tô. Ông kêu gọi chính phủ Thái Lan tham gia đàm phán với Mỹ và cảnh báo thuế mới có thể làm tăng chi phí sản xuất và gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh ngành này đã gặp nhiều khó khăn suốt hai năm qua.
Nguy cơ dư cung thép
Tại cuộc thảo luận, ông Bantoon Juicharern, Chủ tịch Câu lạc bộ công nghiệp thép của FTI, nhận định mức thuế 25% của Mỹ với thép và nhôm chỉ ảnh hưởng hạn chế đến ngành thép Thái Lan do khối lượng xuất khẩu sang Mỹ không quá 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ông cảnh báo mức thuế này có thể gây ra tình trạng dư cung thép trên khắp ASEAN. Do đó ông đề xuất chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và mở rộng các dự án hợp tác công - tư để thúc đẩy nhu cầu thép nội địa, đồng thời hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ giảm
Còn ông Charoen Kaewsuksai, Chủ tịch Câu lạc bộ công nghiệp thực phẩm và đồ uống của FTI, cho biết Thái Lan hiện xuất khẩu thực phẩm trị giá khoảng 160 tỷ baht (khoảng 4,75 tỷ USD) sang Mỹ. Tuy nhiên, thuế quan mới có thể ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này và kế hoạch nhập khẩu nông sản từ Mỹ không đủ để cân bằng thương mại song phương, khiến việc đàm phán trở nên khó khăn.
Ông cảnh báo nếu Thái Lan chậm trễ, các nước cạnh tranh như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia có thể giành được các điều kiện thương mại thuận lợi hơn, đe dọa thị phần xuất khẩu của Thái Lan, để giải quyết những thách thức, ông Charoen đã đề xuất 7 khuyến nghị cho chính phủ Thái Lan gồm:
Hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; cải cách các thủ tục hành chính; giải quyết các trở ngại liên quan đến thuế, bao gồm cả việc hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước; đẩy nhanh đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu và Canada; tham gia đàm phán thương mại với các nước châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Australia; thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp; ẩy nhanh các cuộc đàm phán với Mỹ, với sự tham gia của các chuyên gia và nhà đàm phán giàu kinh nghiệm.
Ngành năng lượng Thái Lan sẽ khai thác nguồn năng lượng của Mỹ
Trong lĩnh vực này, ông Jaturong Worawitsurawatthana, đại diện Viện Năng lượng Công nghiệp, cho biết đại diện Bộ Năng lượng Thái Lan dự kiến sẽ khảo sát các cơ sở khai thác năng lượng tại Mỹ trong thời gian tới.
Cho ý kiến về kế hoạch nhập khẩu thêm năng lượng từ Mỹ, ông đề xuất nâng cấp các nhà máy lọc dầu hiện có và xây dựng thêm nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai. Hiện Thái Lan có thể nhập LNG từ Mỹ nhờ hai cảng LNG với tổng công suất lưu trữ 19 triệu tấn, trong đó 9 triệu tấn còn khả dụng và có thể mở rộng thêm 8 triệu tấn.
Ông kêu gọi chính phủ nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu LNG, đồng thời định hướng đưa Thái Lan trở thành trung tâm LNG của khu vực ASEAN.