Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh:quochoi.vn |
Sáng 25/5, trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã đề cập đến việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Số liệu thực hiện đến ngày 31/12/2023, số hỗ trợ lãi suất của chính sách đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng, chỉ bằng 3,05% gói hỗ trợ.
Trong khi đây là một trong những giải pháp được kỳ vọng rất lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đạt rất thấp, không đi vào thực tế cuộc sống.
Báo cáo Đoàn giám sát nếu rõ, khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra hay cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất.
Đồng thời, khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.
Cho ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách.
"Có thể thấy, chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra," đại biểu đánh giá.
Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ. Ảnh: quochoi.vn |
Giải trình cuối phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 43 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Trên thế giới, do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.
"Chính phủ đã quyết liệt cố gắng thực hiện các chương trình tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chưa có chương trình nào Ngân hàng Nhà nước dành nhiều thời gian, công sức triển khai như vậy," Thống đốc khẳng định.
Tuy nhiên, thừa nhận kết quả chương trình này thấp, Thống đốc lý giải, đây là chính sách hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, chứ không phải là chính sách giải quyết cho tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp khó khăn.
Bởi vốn cho vay trong chương trình này là vốn các ngân hàng huy động từ người dân. Chỉ có vốn của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Ngân hàng Chính sách là nguồn lực ngân sách. Vì thế, các ngân hàng thương mại phải thực hiện cho vay theo quy định hiện hành, đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Cho nên, giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc vào bài toán của doanh nghiệp, của tổ chức tín dụng, Thống đốc nêu rõ.
Phản hồi nhận định nêu trong báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội rằng một trong những lý do khiến tỷ lệ giải ngân theo chính sách này còn thấp là do truyền thông chưa sâu rộng tới khách hàng, theo khảo sát của VCCI chỉ 29,5% doanh nghiệp biết đến chính sách này.
Bà Nguyễn Thị Hồng đề nghị cân nhắc thêm nhận định này. Lý do là không chỉ tổ chức hội nghị, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương đều tổ chức hội nghị kết nối và mời đại diện các hiệp hội doanh nghiệp. Tức là hội viên các hiệp hội doanh nghiệp đều nắm bắt được thông tin qua người đại diện.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tâm đắc với ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội trước đó cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chính sách chưa sát thực tiễn là dễ hiểu, nhưng quan trọng là rút ra kinh nghiệm gì để hỗ trợ người dân, tiền ngân sách tới tay doanh nghiệp, người dân nhanh nhất.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ quan điểm, với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, không phải vì được hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp quyết định vay vốn. Quan trọng hơn doanh nghiệp có sự tính toán vay làm gì, có khả năng trả nợ hay không.
"Lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, nên để hỗ trợ doanh nghiệp thì có thể cân nhắc giải pháp thuế, chính sách khác," Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.