GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết ông không lo lắng về số lượng vốn FDI vào Việt Nam, thậm chí con số 40 tỷ USD vốn FDI hàng năm là trong tầm tay. Tuy nhiên, cần chọn lựa dự án FDI chất lượng, xây dựng tiêu chí để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án FDI một cách khách quan và khoa học, tránh tính trạng đánh giá theo kiểu “thầy bói xem voi”.
Trong một năm 2021 đầy khó khăn vì dịch bệnh, đã có những thời điểm nhà đầu tư không thể vào Việt Nam nhưng tình hình thu hút vốn FDI vẫn khả quan. Ông có nhận định gì về điều này?
2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong năm này, ta không hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu bình quân 6,5-7% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Nhưng có 2 mảng sáng nhất trong nền kinh tế năm 2021 là xuất nhập khẩu và vốn FDI. Trong đó, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020 và vốn thực hiện đạt 19,74 tỷ USD. Đây là những con số rất có ý nghĩa.
Chúng ta biết rằng năm 2021 chỉ có 1.738 dự án FDI cấp mới với trị giá 15,2 tỷ USD, giảm 31,1% về số lượng dự án nhưng tăng 4,1% về giá trị dự án. Như vậy rõ ràng quy mô vốn trên mỗi dự án tăng. Số dự án dưới 5 triệu USD giảm đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, có 985 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với trị giá 9 tỷ USD, giảm 13,6% về số lượng dự án nhưng tăng 40,5% về giá trị dự án so với năm 2020. Như vậy rõ ràng số dự án điều chỉnh không nhiều nhưng vốn đầu tư điều chỉnh tăng đáng kể. Một số dự án vốn đầu tư điều chỉnh tăng rất nhiều là dự án của LG ở Hải Phòng, điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng 2,15 tỷ USD và nhà máy Polytex Far Eastern ở Bình Dương cũng điều chỉnh tăng vốn 610 triệu USD.
Như vậy, dòng vốn FDI năm 2021 không chỉ diễn biến tích cực về dòng chảy mà còn cả về chất lượng.
Về xuất nhập khẩu, lần đầu tiên kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt 668 tỷ USD, nằm trong số 20 quốc gia dẫn đầu về thương mại quốc tế của thế giới và xuất siêu 4 tỷ USD, năm xuất siêu thứ 6 liên tiếp. Có thể nói đây là mảng rất sáng của năm 2021.
Trong đó, khu vực FDI đóng góp quan trọng. Xuất khẩu của khối FDI đạt 247,5 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2020 và chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Xuất siêu của khối FDI là 29,36 tỷ USD, bù đắp được nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước là 25,36 tỷ USD, từ đó tạo ra được xuất siêu 4 tỷ USD.
Trong bối cảnh nội lực doanh nghiệp trong nước bị thử thách bởi đại dịch COVID-19, việc thu hút FDI trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế, xuất siêu cũng là nhờ doanh nghiệp FDI. Thực tế đó có đáng trăn trở hay không thưa ông?
Trước đại dịch đã có nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí cho rằng doanh nghiệp FDI “chèn ép” doanh nghiệp trong nước cho nên doanh nghiệp trong nước không tăng được tỷ trọng xuất khẩu, khiến từ 2011 đến nay khu vực FDI vẫn chiếm khoảng 75% xuất khẩu của cả nước. Tôi cho rằng nói như vậy là không chính xác, không dựa vào tình hình thực tế Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI năm nay xuất siêu 29,36 tỷ USD. Nếu không có con số xuất siêu này thì doanh nghiệp Việt Nam lấy ngoại tệ đâu để nhập siêu 25,36 tỷ USD. Nhờ ngoại tệ xuất siêu của doanh nghiệp FDI nên doanh nghiệp Việt Nam mới có khả năng dùng ngoại tệ ấy để mà nhập siêu chứ.
Và cũng nhờ doanh nghiệp FDI mà tạo ra xuất siêu 4 tỷ USD cho đất nước, làm cán cân thanh toán quốc tế của chúng ta luôn luôn dương và dự trữ ngoại hối lên tới hơn 100 tỷ USD, một con số đáng kể so với trước đây (chỉ khoảng 15 tỷ USD). Đây là câu chuyện thực tế, doanh nghiệp FDI không chèn ép mà hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Ở một khía cạnh khác, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 100.000 doanh nghiệp mới thành lập. Những doanh nghiệp này ngoài việc cần vốn thì còn rất cần công nghệ. Trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nguồn cung công nghệ cho các doanh nghiệp mới này, như vậy còn lại 60-70% phải nhập máy móc thiết bị từ các nước khác. Việc nhập khẩu như vậy cũng cần nguồn ngoại tệ nhất định. Do đó, doanh nghiệp FDI đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có điều kiện nhập khẩu trang thiết bị, hình thành doanh nghiệp mới.
Hơn nữa, các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong vài năm gần đây đã phát triển rất ngoạn mục. Nếu kể trước năm 2010 thì Việt Nam có thể nói chưa có một tập đoàn nào có vai trò quan trọng trong ASEAN chưa nói đến châu Á và thế giới. Nhưng từ năm 2016 đến nay, từ Vingroup, SunGroup, Viettel, Vinamilk, TH Truemilk, FPT… rất nhiều tập đoàn đã xuất hiện trên bản đồ khu vực và thế giới. Như vậy nguồn vốn FDI từ nước ngoài vào cũng góp phần kích thích các tập đoàn trong nước lớn mạnh hơn.
Chẳng hạn như Vingroup đã thu hút khoảng 2-3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp cổ phần. Như vậy vô hình chung, đây không không chỉ là tập đoàn Việt Nam mà đã trở thành tập đoàn đa quốc gia, quốc tế rồi.
Ông nhận định thế nào về triển vọng vốn FDI vào Việt Nam năm 2022?
Cuối năm 2021, Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) từng công bố một báo cáo riêng về triển vọng FDI khu vực ASEAN, dự báo khá lạc quan. Trong đó, Việt Nam được dự báo là một quốc gia tương đối thành công, một điểm đến hứa hẹn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, các cuộc điều tra của Amcham, Eurocham, Korcham… công bố trong những tháng vừa qua cũng cho thấy 60-65% doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đấy là một tỷ lệ khá cao so với rất nhiều nước.
Hay gần đây, trong các chuyến công du Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ hay một số nước ASEAN của lãnh đạo cấp cao nước ta, có thể thấy nhiều tập đoàn nước ngoài đã cam kết đầu tư các dự án rất lớn vào Việt Nam. Trong đó có những dự án điện gió ngoài khơi, điện khí giá trị tới vài tỷ USD….
Những tín hiệu như vậy, dự báo năm 2022 mức tăng trưởng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam khoảng 10-15%, tức tương đương tăng từ 31 tỷ USD lên 35-36 tỷ USD không thành vấn đề. Và mức tăng trưởng như vậy cũng là đạt hoặc vượt các chỉ tiêu tăng trưởng FDI đặt ra trong Nghị quyết 50.
Chỉ tiêu về số lượng hoàn toàn nằm trong tầm tay, quan trọng nhất là nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chất lượng như tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến quản trị hiện đại hướng đến công nghệ cao, rồi tỷ trọng lao động qua đào tạo… Đây là những chỉ tiêu đòi hỏi thu hút FDI từ các tập đoàn lớn có chuyển giao công nghệ và nếu không có giải pháp căn cơ thì rất khó đạt được.
Nói chung, với tư cách là chuyên gia lâu năm về FDI, tôi không lo lắng về số lượng vốn FDI. Chúng ta hoàn toàn có thể thu hút 40 tỷ USD vốn FDI mỗi năm vì có rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc đại lục rồi Đài Loan (Trung Quốc)… sẵn sàng vào nhưng chúng ta phải chọn lựa.
Năm 2022, việc thu hút FDI có thể gặp thách thức hơn khi rất nhiều quốc gia cũng đang trong tiến trình phục hồi như ta, thậm chí còn phục hồi nhanh hơn ta, tạo ra sự cạnh tranh. Vậy theo ông cần lưu ý hay cải thiện điều gì để thu hút vốn FDI để vừa đạt tiêu chí về số lượng lẫn chất lượng?
Việc thu hút vốn FDI năm 2021 đặt ra một số vấn đề lớn.
Đầu tiên về mặt chất lượng dự án, thứ nhất là các dự án FDI chúng ta thu hút năm 2021 còn chưa đạt yêu cầu mà Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị khóa trước đưa ra là quan tâm đến các dự án công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thành phố thông minh…; rồi chuyển hướng sang các dự án kinh tế số, kinh tế xanh. Tất nhiên có yếu tố khách quan là do dịch COVID-19 nhưng nguyên nhân chủ quan là ta chưa tìm đến các nhà đầu tư tiềm năng để thực hiện các dự án lớn như vậy.
Về đối tác đầu tư, trong năm 2021, các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam vẫn là Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vốn FDI từ Mỹ, EU và nhiều thị trường tiềm năng khác chưa có chuyển biến tích cực trong khi ta rất muốn tiếp cận với các dự án của họ để có được công nghệ nguồn, công nghệ tương lai phù hợp với định hướng sáng tạo cũng như chủ trương thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế số.
Nguyên nhân một phần do ta chưa tận dụng nổi bật lợi thế của các FTA thời kỳ mới. Đã 18 tháng chúng ta thực thi CPTPP, một năm thực hiện EVFTA và UVFTA, nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm đến thương mại và chưa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư từ các thị trường này. Đồng thời cũng có thực tế khách quan là bao giờ thương mại cũng đi trước đầu tư. Hy vọng khi thương mại mở rộng theo các FTA thì sắp tới sẽ có nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Về địa phương đầu tư, xu hướng FDI vào TP HCM và Hà Nội đều là các dự án nhỏ, ít có dự án công nghệ tương lai. Đây là nhược điểm vì nếu 2 đầu tàu kinh tế mà không vươn lên được thì khó thúc đẩy toàn nền kinh tế.
Điều cuối cùng là Nghị quyết 50 đã đặt ra một vấn đề quan trọng: Xây dựng tiêu chí để đánh giá hiệu quả KT-XH của các dự án đầu tư nước ngoài. Bởi cho đến nay, cách chúng ta vẫn nhìn FDI vẫn như “thầy bói xem voi”, ông đứng nơi này bảo thế này, ông đứng nơi khác bảo thế khác. Chưa có một tiêu chí quốc gia để đánh giá một cách khách quan, khoa học.
Do đó năm 2021 cũng như những năm trước, không thể tránh khỏi tình trạng địa phương thu hút FDI không chất lượng, không hiệu quả. Thậm chí có địa phương còn cạnh tranh bằng cách đưa ra những ưu đãi quá mức so với luật pháp hiện hành, làm giảm lợi ích mà FDI mang lại cho địa phương cũng như quốc gia. Đó là những điều cần khắc phục trong năm 2022 này. Câu chuyện bây giờ là hoàn thiện thể chế và luật pháp.
Xin cảm ơn ông!