Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 đang diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), có 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước.
Trong số hàng trăm gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nổi bật có gốm sứ Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ, gốm Chu Đậu.... Festival cũng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, đặc sản như: Gạo tám Điện Biên, gạo nếp Tú Lệ, Gạo ST24, gạo sạch Vị Thủy... |
Hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt, gồm: Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội, trưng bày giới thiệu và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu kết tinh từ việc phát huy truyền thống, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội. Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế được thiết kế, trang trí đặc biệt theo đặc thù văn hóa của các quốc gia tham gia. |
Không gian làng nghề di sản với quy mô 25 gian hàng trưng bày kết hợp trình diễn tại chỗ 25 nghề thủ công truyền thống của 19 tỉnh, thành phố đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điển hình trong số này là nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu và nghề cốm Mễ Trì (Hà Nội), nghề chạm bạc của người Nùng (Hà Giang), nghề mộc Kim Bồng và nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam), nghề làm nón lá Sai Nga (Phú Thọ), nghề dệt chiếu (Đồng Tháp), nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè, Trà Đông (Thanh Hóa), nghề dệt Dèng của người Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên Huế)…. |
Du khách được chính những người thợ lành nghề hướng dẫn, tham gia làm những sản phẩm làm từ tre, mây. |
Ngay phía sau không gian nghề thủ công, rất nhiều du khách quây vòng thưởng thức các làn điệu của nghệ thuật biểu diễn truyền thống. |
Không gian sáng tạo Làng nghề Hà Nội với quy mô hơn 2.000 m2 trưng bày tương đương 80 gian hàng tiêu chuẩn được thiết kế đặc biệt mang đậm nét truyền thống, trưng bày giới thiệu và tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu kết tinh từ việc phát huy truyền thống, sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống của Hà Nội. |
Hình ảnh những con đường làng làm hương Quảng Phú Cầu với những bó hương được xếp thành từng bó và xòe to như những bông hoa được tái hiện tại không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội. |
Song song với chương trình thăm quan của du khách, chương trình biểu diễn nghệ thuật thêu và hát của nghệ nhân Lê Xuân Nguyên đến từ làng nghề thêu truyền thống Thắng Lợi, Thường Tín. |
Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 có diện tích 450 m2, tương đương 50 gian hàng. Không gian trưng bày được thiết kế mở nhằm tăng tính thẩm mỹ, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi với khách tham quan. |
Không gian thưởng thức, tìm hiểu nguồn gốc về trà được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mang lại cho du khách nhiều góc nhìn hơn về trà và những sản phẩm liên quan. |
Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 diễn ra trong 3 ngày từ 10/11, được tổ chức nhằm bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa đến các địa phương khác. |