
![]() |
Ảnh minh họa |
Báo cáo “Khép kín vòng tuần hoàn: Lập bản đồ và nâng cao chuỗi giá trị tái chế nhựa tại Việt Nam" vừa được Công ty tư vấn chuỗi cung ứng toàn cầu CEL công bố tháng 3/2025. Bản đồ chuỗi giá trị tái chế nhựa đã thu thập dữ liệu và xác định hơn 1.150 đối tác đăng ký khu vực chính thức, bao gồm người thu gom, cơ sở thu mua, đơn vị tái chế đến nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Trong số đó có hơn 300 cơ sở đang trực tiếp thực hiện tái chế.
So với một số nước khác trong khu vực, số lượng cơ sở tái chế nhựa của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Con số này thấp hơn Thái Lan (khoảng 800 cơ sở), Philippines (600), Indonesia (1.300) và Ấn Độ (ước tính khoảng 7.500–8.000 đơn vị tái chế). Tại Hoa Kỳ có khoảng 1.700 – 2.000 cơ sở tái chế, Liên minh châu Âu là 1.800 công ty, chủ yếu dựa vào các hệ thống chính thức.
Nghiên cứu cho thấy người thu gom rác chiếm tới 53,7% chuỗi giá trị, đóng vai trò “xương sống” của hệ sinh thái tái chế tại Việt Nam. Miền Nam và miền Bắc là hai khu vực dẫn đầu về hoạt động tái chế, trong đó Hưng Yên nổi bật với mật độ cơ sở tái chế cao, cho thấy tầm quan trọng của việc tập trung công nghiệp thay vì chỉ dựa vào nguồn phát sinh rác.
Hệ sinh thái tái chế nhựa trong nước có quy mô lớn và phức tạp, với sự tham gia của nhiều tác nhân chuyên biệt – từ thu gom, mua lại, tái chế đến cung cấp dịch vụ hỗ trợ, thể hiện sự đa dạng và chuyên môn hóa khá cao. Nền tảng dữ liệu cập nhật định kỳ không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình tái chế, mà còn hỗ trợ hoạch định chính sách, phát triển hạ tầng và nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích kinh tế – môi trường của tái chế nhựa.
Điều làm cho hệ thống tái chế của Việt Nam trở nên đặc biệt chính là tồn tại song song hai khu vực: Chính thức (cơ sở có đăng ký và đáp ứng quy định về môi trường) và phi chính thức (làng tái chế và người thu gom tự phát).
18 làng nghề chuyên tái chế của Việt Nam, hình thành từ những năm 1980 với hơn 3.000 hộ gia đình, hoạt động như một mạng lưới dày đặc các đơn vị tái chế vi mô, mỗi năm xử lý khoảng 500.000 tấn rác thải nhựa, tương đương các cơ sở chính thức. Khu vực phi chính thức có ưu thế về mạng lưới rộng khắp và khả năng xử lý linh hoạt, giúp thu gom rác thải hiệu quả nhưng chưa được công nhận đầy đủ.
Như vậy, nếu tính cả khu vực phi chính thức, tổng số cơ sở tái chế có thể tăng gấp đôi. Hai khu vực này có mối quan hệ tương hỗ, giúp tăng cường nguồn cung và giảm chi phí, đặc biệt trong việc thu gom và xử lý các dòng rác thải khó tiếp cận. Nếu tích hợp họ vào hệ thống chính thức thông qua đào tạo, tiêu chuẩn an toàn và nâng cấp hạ tầng sẽ tối ưu hóa lợi ích môi trường và kinh tế cho tất cả các bên. Hệ sinh thái độc đáo này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam.
Nút thắt dòng chảy nhựa
Bản đồ dòng chảy của nhựa, từ thu gom, xử lý đến xuất khẩu tại Việt Nam cho thấy tiềm năng kinh tế lớn nhưng chưa được khai thác tối đa, đồng thời phân tích các “nút thắt” cần được tháo gỡ.
"Hệ sinh thái tái chế của Việt Nam vừa hiệu quả vừa không theo quy chuẩn,” bà Quyên Nguyễn, Giám đốc Nghiên cứu ngành của CEL giải thích: “Thách thức hiện nay là kết nối các khu vực phi chính thức với khu vực chính thức, tạo nền tảng mở rộng năng lực, nâng cao chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tái chế.”
Các nhà tái chế Việt Nam hoạt động rất chuyên biệt, chủ yếu xử lý 1-5 loại nhựa cụ thể, dẫn đến sự phân mảnh và khó khăn trong kết nối nguồn cung. Thách thức khác là chi phí logistics quá cao. Để vận chuyển 1kg nhựa PET qua 1.500 km tốn 1.000-1.500 đồng và chi phí này đã “ăn” vào biên lợi nhuận, khiến dòng chảy nhựa tái chế qua các vùng bị hạn chế.
Ngoài ra, tối ưu hóa kết nối chuỗi cung ứng còn gặp nhiều khó khăn. Từ tăng cường thu gom, phân loại đến logistics để đảm bảo phát huy tối đa năng lực tái chế, gia tăng giá trị rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua.
Không tận dụng hết năng lực sản xuất nhựa
Theo bà Quyên, một người nhặt rác có thể kiếm được 4.000 đồng từ 1kg nhựa PET. Tính toán thu nhập chi tiết hơn ở từng công đoạn của quy trình tái chế cho thấy, giá trị tăng thêm từ việc thu gom tập trung là 3.000 đồng/kg, ép và đóng kiện khoảng 2.000 đồng/kg, phân loại và loại bỏ nhãn 2.000 đồng/kg, nghiền và tách 5.000 đồng/kg, tạo hạt 4.000 đồng/kg. Như vậy, từ thu gom vỏ chai bỏ đi đến khi tái chế thành hạt nhựa, giá trị của vật liệu đã tăng lên gấp 4–5 lần.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục quan sát đường đi của dòng chảy nhựa tới các sản phẩm cuối cùng, giá trị còn gia tăng gấp nhiều lần. Đơn cử, các sản phẩm tiêu dùng cuối như túi xách, áo phông, hộp đựng thực phẩm hoặc đồ gia dụng sản xuất từ nhựa tái chế có thể bán lẻ với giá 50.000 đến 150.000 đồng mỗi đơn vị.
Theo kết quả khảo sát, 70% cơ sở tái chế tập trung vào việc chuyển đổi rác thải nhựa thành các sản phẩm công nghiệp trung gian như hạt nhựa, mảnh nhựa và chỉ 17,9% đơn vị sản xuất các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng.
Một thực tế đáng chú ý là, Việt Nam nhập khẩu 80% nguyên liệu nhựa thô dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng lại xuất khẩu 60% nhựa tái chế, chủ yếu dưới dạng hạt, sang EU, Mỹ và châu Á. Có thể thấy một khoảng cách đáng kể về xuất nhập khẩu, về giá trị gia tăng và chi phí cơ hội bị bỏ lỡ do không tận dụng hết năng lực sản xuất.
Việc tập trung nâng cao chuỗi cung ứng nội bộ và đầu tư vào sản xuất hạ nguồn hoàn toàn có thể giúp chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô trở thành trung tâm sản xuất tuần hoàn nhựa có giá trị cao.
Ngân hàng Thế giới đã ước tính Việt Nam có thể khai thác 2,9 tỷ USD từ tái chế nhựa hiệu quả hơn. Cải thiện hoạt động thu gom, logistics, truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số và tích hợp các cơ sở tái chế phi chính thức sẽ giúp giữ lại nhiều giá trị hơn ở trong nước, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.